Đối thoại của... hai con mèo - Tạp chí Đẹp

Đối thoại của… hai con mèo

Sao
Câu chuyện của hai người đàn bà (một tuổi 40 gắn với hình ảnh dịu dàng, đoan trang trong tâm trí khán giả; một tuổi 30 với những trải nghiệm hợp tan) trong một chiều đông cóng lạnh, như đối nghịch mà lại như đồng thuận, khi mà khoảng cách gần hai mươi năm giữa các thế hệ cũ và mới gặp nhau tại nơi mà những người đàn bà – bằng những cách khác nhau – có cùng tư duy thấu hiểu được giá trị của tình yêu và con người.


Quan niệm Á đông chưa từng coi mèo là một sinh vật có tính chịu đựng, càng không có sự trung thành hay tín nghĩa. Một con chó không bỏ chủ nghèo khó hay thiếu ăn, nhưng mèo thì nơi nào sung sướng, ấy là nhà. Nhìn từ khía cạnh tiêu cực, tính “thiếu chịu đựng” và “không chung thủy” ấy thật đáng ghét. Nhưng nhìn một cách tích cực, mèo là giống sinh vật rất biết chăm sóc bản thân, biết chọn những thứ tốt nhất cho mình. Phụ nữ vốn không thích tính không chung thủy của mèo, nhưng lại ngưỡng mộ nó vì ngoại hình dễ thương xinh đẹp ai ai cũng muốn ôm ấp vuốt ve, và cả cái sự “biết hưởng thụ và chọn cho mình những thứ tốt nhất của cuộc sống” nữa…



Vũ Quỳnh Hương (VQH): Chị nuôi quá nhiều mèo! Xem này, 6 con, mà 2 con cái lại còn sắp đẻ nữa. Ở trong một cái nhà cổ như thế này, trên giường, trên ghế, dưới đất, trên bàn – chỗ nào ngổn ngang, sẽ rất khó chịu. Ở thời đại công nghệ phát đều phải di chuyển nhanh và hạn chế tối đa những ràng buộc tình cảm lặt – thì việc có và có quá nhiều vật nuôi như vậy với những người như em quả thực là bất tiện. Có lẽ, em sẽ không bao giờ nuôi một con vật nào khác.


Diễn viên Chiều Xuân (Chiều Xuân): Cũng vì chị chiều chuộng chúng quá. Mèo nhà chị lúc nào được ăn no, ngủ không bị xua đuổi đánh đập hay nhốt giữ. Chính vì thế chúng thoải mái sống, thoải mái đẻ. Nhưng em biết không? Đôi khi chị không thấy đó là những vật nuôi mà như những người bạn vậy – những con mèo cái này khéo léo một cách đặc biệt trong việc chăm con: rất dịu dàng, sạch sẽ và cẩn thận. Dù mọi sự so sánh đều khập khiễng và thậm chí buồn cười, nhưng chị thấy có gì đó liên tưởng gần gụi với những bà mẹ lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm vì gia đình, vì con cái – như mẹ chị, như mẹ của những thế hệ trước.


Suốt những năm tháng chiến tranh, miền Bắc bị đánh bom cũng là những ngày bố chị đi học lớp đạo diễn ở Bungari, nhà chỉ còn mình mẹ lụi hụi tha một đàn con đi sơ tán. Đi rồi lại về. Về rồi lại đi. Xung quanh gập ghềnh đổ nát, thức ăn vật dụng thiếu thốn đủ bề; đêm di tản ở đầu đường Bưởi, thấy lửa cháy đỏ rực trời mà không biết đấy là máy bay địch bị bắn rơi xuống đường Ngọc Hà. Nguy hiểm vất vả thế mà mẹ cũng gánh gồng lũ chị đi qua hết những năm chiến tranh, nguyên vẹn không chết không hụt đứa nào.


Bố về. Chiến tranh qua. Hình ảnh đọng lại trong chị là cảm giác lạnh thật lạnh mỗi ngày mùng 1 Tết, thèm thật thèm một nồi cá kho hay thịt kho tàu, với chị và tất cả những người thế hệ chị, nồi cá thịt kho ngày Tết ấy dường như là món ăn ngon nhất trần đời, là nỗi nhớ nỗi mong của cả một năm miết mải làm lụng…


VQH: Có những lúc em tự hỏi tại sao những năm gần đây tiết trời dường như không lạnh nữa? Quá nhiều nhà cao tầng mọc lên, khói xe, điều hòa, biến đổi khí hậu hay tại con người giờ no đủ áo cơm hơn ngày trước? Năm mới không còn nhiều háo hức, những bà mẹ cũng chẳng còn quá tất bật? Và một nỗi trống rỗng lạ kỳ dường như đang xâm lấn đầu óc con người…


Người ta quên lãng tình yêu, chia tay ta trầm cảm, căng thẳng, tự tử vì nhặt, các vụ giết người ngày càng cợt đùa xúc phạm người khác bằng những công nghệ hiện đại bùng nổ…?


Kỷ nguyên mới với những thuận lợi đủ đường làm cho con người hoang mang bất an hơn! Chỉ số hạnh phúc thua xa những thế hệ gian khó…

Nghịch lý này thật kỳ quặc. Chỉ với một cái ngày nay người ta có thể tìm thấy cả ngàn mối quan hệ, có thể bày tỏ hoặc tìm sự trợ giúp của cả thế nếu so sánh với thời lá thư gửi đi vài tháng mới nhận được như khi chị còn trẻ. Nói một cách AQ, chẳng thà không biết làm ếch ngồi đáy giếng, còn hơn càng biết để nhận ra mình chẳng biết gì cả, càng thể hiện mình ra với thế giới, càng tự do “kết nối” nhiều mối quan hệ xa lạ – thế hệ mới lại càng không biết mình đang kiếm tìm điều gì, càng cô đơn và hẫng hụt… Vì sao vậy?


DV Chiều Xuân: Thử nhìn vào một câu chuyện cụ thể nhé.


Thuở thiếu nữ, chị cũng như rất nhiều cô gái khác thường thức dậy vào những sáng sớm đầu năm buốt lạnh với một cảm giác cô đơn, trống vắng đến vô cùng. Thời kỳ ấy cô gái nào cũng ôm một mối mộng mơ lãng mạn như những câu chuyện “Tự lực văn đoàn”… Nỗi cô đơn thôi cũng vướng vất hơi hướm văn học thời đại, loanh quanh với những ao ước một tình yêu nhẹ nhàng bay bổng thủy chung. Và nỗi cô đơn ấy được “giải quyết” bằng một cách rất đơn giản: lấy chồng. Không phải vì lấy chồng là có được tình yêu như trong tưởng tượng, mà chính cuộc sống hôn nhân thực tế, với đầy đủ chua cay mặn ngọt của vai trò làm vợ, làm dâu, làm mẹ đưa chị ra khỏi những giây phút rảnh rỗi để mà cô đơn. Chợt nhận ra một điều rằng tâm hồn mình sẽ không còn bị trống rỗng hẫng hụt xâm chiếm, sẽ ắp đầy khi biết sống vì người khác…


Lo chạy bom đạn, lo chiến đấu tìm hòa bình, lo sản xuất phục vụ đời sống… thế hệ chị liên tục được nhắc và tự nhắc rằng lý tưởng phấn đấu là rạch ròi, mỗi người đều được dạy sống vì mọi người như một triết lý khắc sâu trong tâm khảm, khi mỗi bổn phận đều được gọi thành tên, quy định thành những công việc cụ thể, dù trong công việc hay gia đình cũng vậy. Còn bây giờ, có lẽ sự đủ đầy được đổi bằng máu và nước mắt của những thế hệ trước – độc lập tự do, cơm ăn áo mặc – thế hệ sau lại coi như thứ đương nhiên sẵn có…


Khi con người sống thiếu ràng buộc với đồng loại bởi trách nhiệm và tình yêu thương – họ dễ sa vào cái hố đơn côi và trống rỗng đến thăm thẳm của chính mình. Ngày nay người trẻ tự do quá, tự do sống, tự do yêu, tự do quyết định, nhưng dường như họ không – hoặc ít – phân biệt được rằng sự tự do khác với không kiểm soát! Và đặc biệt ở phụ nữ – mỗi một giai đoạn phải làm chủ bản thân để xác định mục đích sống – vì sao và như thế nào của mình.


VQH: Sẽ là đơn giản nếu dễ dàng xác định được “mục đích sống”, bởi lẽ em nghĩ rất nhiều phụ nữ không may mắn như chị. Chị đẹp, thành công trong nghiệp diễn, có hạnh phúc gia đình, có sức khỏe, có những đứa con ngoan. Nhắc đến chị, người ta hay liên tưởng ngay đến týp phụ nữ Việt điển hình: dịu dàng, chịu thương chịu khó – và có đời sống hôn nhân viên mãn, thủy chung – như chính những nhân vật mà chị hay thủ vai vậy.


DV Chiều Xuân: Nếu khán giả nhìn chị giống như những nhân vật chị vẫn diễn như vậy – thì từ góc độ nghề nghiệp – chị đã thành công trong việc thể hiện những đức tính tốt đẹp nhất của người đàn bà. Thế nhưng chắc chắn đó chỉ là một phần – chứ không phải tất cả con người chị. Đã sống lâu năm trong ngành nghệ thuật thì không thể “lừa” khán giả, bởi lẽ thực tế đã cho thấy có nhiều người làm nô lệ cho chính những gì mình tạo ra, sống giả dối và mệt mỏi. Cuộc sống hiện thực này phải rất năng động, linh hoạt trong ứng biến, không phải và không nên đánh đồng nhân vật và diễn viên.


VQH: Nhưng rõ ràng, duyên phận là thứ không phải cứ “linh hoạt” mà được. Nếu nói một người đàn bà chỉ toàn vẹn khi gặp được nửa kia đích thực của mình – thì quá nhiều những người phụ nữ thời nay cứ mãi lang thang trên con đường dài rất dài của quá trình kiếm tìm hạnh phúc. Em vẫn cho rằng bản chất của người đàn bà luôn đầy ắp đức hy sinh, nhưng thế hệ của em giờ đã khác, họ không còn hy sinh vô điều kiện nữa. Những cảnh ông chồng say xỉn nghiện ngập, bạo hành gia đình, hoặc chây ỳ lười lao động trong khi vợ quần quật đầu tắt mặt tối ngày càng bị lên án mạnh mẽ; những người đàn ông kém quan tâm và thiếu chia sẻ đang “được trả lại tự do” nhiều hơn.


Hai thập niên gần đây, phụ nữ tiến quá nhanh so với nam giới, họ vươn tới những bằng cấp danh giá nhất, làm lãnh đạo tại những vị trí khó khăn nhất… trong khi vẫn “xẻ năm xẻ bảy” tâm trí thể lực lo lắng cho gia đình, còn những người đàn ông vẫn miết mải thụ hưởng và – đại đa số – duy trì suy nghĩ theo kiểu xưa cũ, với một gia đình mà người vợ mặc nhiên giữ vai trò ôsin…


DV Chiều Xuân: Không chắc thể hiện mạnh mẽ đã là cứng rắn, mà chưa hẳn nhu mì nhỏ nhẹ đã là yếu đuối. Quả thực, thế hệ chị, những người phụ nữ luôn có một nỗi sợ thường trực rằng gia đình tan vỡ, họ cố gắng giữ gìn bằng mọi giá, cho dù chỉ là cái vỏ.


VQH: Thật ra mà nói, em vẫn luôn có cảm giác rằng những đứa con gái được sinh ra trong những gia đình có ông bố tuyệt vời – như em, như con gái chị – không trọng nam khinh nữ, yêu vợ, thương con, sẵn sàng gánh vác chia sẻ, tôn trọng và khuyến khích vợ phát triển sự nghiệp… đó là sự bất lợi cho chúng chứ không phải ưu điểm. Bởi lẽ những cô gái nhỏ lớn lên với một người đàn ông mạnh mẽ phóng khoáng là cha mình trong đầu – sẽ khó nhẫn nhục trong đời sống lứa đôi, khó chấp nhận những người đàn ông khác vốn đầy ích kỷ hay thiếu bản lĩnh. Và sự “nổi loạn” bung phá ra khỏi những khuôn mẫu thông thường sẽ xảy ra…


DV Chiều Xuân: Đó là câu chuyện cuộc đời mà mỗi thế hệ phải tự quyết định cho mình, không ai sống thay ai được. Có những lúc con cái phải sống riêng cho nó, học cách vượt qua những khó khăn của riêng nó mà bố mẹ không nên và không thể can thiệp vào. Gia đình chị rất hạnh phúc, chồng chị là một người đàn ông tuyệt vời – nhưng chị luôn dạy cho con cái biết không có hạnh phúc nào là ngẫu nhiên cả; rằng trong cuộc sống đôi lứa – nhẫn nhục cũng nguy hiểm ngang với nổi loạn.


Một người phụ nữ nếu cam chịu để cho cuộc sống của mình là địa ngục với ý niệm chịu đựng mọi thứ “vì con” thì sẽ là một ý niệm sai lầm – bởi lẽ đứa trẻ không thể sung sướng mà nó sẽ mang theo chính địa ngục của người mẹ vào cuộc đời trưởng thành của nó… Bởi lẽ phải biết rằng đàn ông dễ sống hơn, còn phụ nữ sẽ chịu thiệt thòi nhiều – bởi phụ nữ gắn mình với quá nhiều trách nhiệm và yêu thương, nhất là tình yêu thương con cái. Để được bạn đời và gia đình chồng thương yêu tôn trọng, ủng hộ, đó không phải là chuyện may mắn đương nhiên mà là cả một quá trình tranh đấu không ngừng nghỉ, cuộc “tranh đấu” không phải là đối đầu, mà trên cơ sở “win – win” đôi bên đều hài lòng; với những xác định đặt quyền lợi của mình trong quyền lợi chung của mọi người, để luôn luôn bảo vệ và vun đắp cái quyền lợi ấy.

Bài: P.V
Ảnh: S.T

Thực hiện: depweb

10/01/2011, 15:56