Diễn biến giá xăng A92 thời gian qua và mức đề xuất mới của doanh nghiệp – Đơn vị tính: đồng/lít – Ảnh: T.Thắng – Đồ họa: V.Cường
Như vậy, nếu đề xuất này được chấp thuận, giá xăng A92 sẽ tăng tối đa 24.450 đồng/lít, giá dầu diesel sẽ là 23.100 đồng/lít, mức cao nhất từ trước đến nay. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Thỏa – cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) – cho biết giá xăng dầu thế giới vẫn đứng ở mức cao.
Nếu tính bình quân 30 ngày làm căn cứ để tính giá cơ sở thì đối với xăng từ ngày 11-8 đến 9-9 là 123,93 USD/thùng, tăng 6,83% so với mức giá bình quân 30 ngày trước. Với mức giá thế giới này thì giá cơ sở vẫn chênh lệch cao hơn giá bán hiện hành. Đến nay, doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối có đăng ký tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng là phù hợp.
Tuy nhiên, một nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết bộ đang tính toán các giải pháp về thuế nhập khẩu cũng như mức sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân – Nhà nước và doanh nghiệp. Dự kiến giữa tuần này giải pháp sẽ được đưa ra. Thực tế mức thuế nhập khẩu đang áp dụng là 12%, trong khi theo quy định của Bộ Tài chính, khung thuế cao nhất cho phép là 20%.
Vừa mới tăng giá ngày 28-8, giá xăng A92 lại tiếp tục được đề xuất tăng thêm 700-800 đồng/lít – Ảnh: M.ĐỨC
Ông Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đề nghị Nhà nước nên giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để chia sẻ với người dân. Thực tế, một lít xăng đã cõng tới gần 7.000 đồng tiền các loại thuế và phí. Nếu tiếp tục tăng giá xăng dầu lần này nữa sẽ tạo cú sốc lên nền kinh tế. Vì sau bốn lần tăng giá liên tiếp, cứ khoảng mười ngày lại tăng giá một lần thì giá xăng dầu trong nước đứng ở mức cao nhất từ trước đến nay.
“Không thể cho rằng khó giảm thuế nhập khẩu vì mức áp dụng hiện hành thấp hơn khung cho phép. Phải điều hành chính sách trong bối cảnh cụ thể. Đó là việc doanh nghiệp vẫn đang hết sức khó khăn, một bộ phận sản xuất kinh doanh không có dấu hiệu phục hồi. Nếu tiếp tục tăng giá xăng dầu thêm nữa thì người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu. Và cước vận tải hàng hóa tăng giá theo xăng dầu thì ắt sẽ được cộng vào giá hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ” – ông Doanh nhận định.
Sẽ tính toán khả năng giảm thuế xăng dầu
Trả lời câu hỏi về việc các doanh nghiệp đầu mối tiếp tục đề nghị tăng giá xăng dầu tới 1.300 đồng/lít, ông Võ Văn Quyền – vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương – từ chối xác nhận và cho rằng về nguyên tắc, mức đăng ký giá trước thời điểm được quyết định không được công bố.
Theo ông Quyền, Thủ tướng đã chỉ đạo việc điều hành giá xăng dầu sẽ theo nguyên tắc theo giá thị trường, tránh bị bóp méo. Hiện nay đang có một số công cụ để điều hành giá xăng dầu là: tăng giá, điều chỉnh thuế và quỹ bình ổn. Trong tháng 8 có ba lần tăng giá, ông Quyền nêu lần đầu đã điều chỉnh theo đúng giá thị trường, lần hai đã dùng quỹ bình ổn để giảm mức tăng, lần thứ ba đã dùng quỹ bình ổn, đồng thời chỉ cho tăng 50% mức đáng được tăng, không tính 300 đồng lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp. Lần này, ông Quyền cho biết liên bộ sẽ tính toán cả khả năng giảm thuế để giảm bớt tác động, chia sẻ khó khăn.
Về việc dư luận bức xúc với hiện tượng các cây xăng trước đợt tăng giá liên tục găm hàng, bán nhỏ giọt, ông Đỗ Thanh Lam – cục phó Cục Quản lý thị trường – cho biết trong hai đợt tăng giá gần đây nhất, cả nước đã phát hiện 220 cửa hàng cắt giảm thời gian bán hàng, dừng bán hàng với nhiều lý do: nghỉ bán từ trước một vài tháng, nhiều ngày; nghỉ do cơ quan nhà nước đình chỉ, do sự cố, hỏng máy, mất điện và nghỉ do hết xăng dầu… Cục Quản lý thị trường cũng báo cáo để thành lập hai đoàn kiểm tra liên ngành, gồm cả công an để trực tiếp đi kiểm tra. Hi vọng từ ngày 15 đến 25-9 “sẽ có kết quả”.
Theo Tuổi trẻ