Diễm Thy
Chị Thu Hương, cư dân căn hộ cao cấp Linh Đàm (Hà Nội) đau xót nhìn chiếc Hyundai Getz vừa lăn bánh chưa đầy tháng đã bị ai đó trong khu nhà vô ý thức hoặc cố tình dùng vật sắc nhọn cào xước nhiều vệt dài bên hông xe. Vì garage không còn chỗ, chị thường xuyên phải đậu xe ngay trong sân chung của khu nhà, cùng với khá nhiều xe khác của hàng xóm. Và kết quả là như vậy…
Dù sao chị vẫn còn đỡ xót ruột hơn cô bạn Mỹ Linh, vừa đậu xe ngoài ngõ, chạy vào nhà lấy túi đồ để quên, khi quay ra thì chiếc BMW sang trọng đã cụt cả “hai tai”. Báo hại chủ nhân, chẳng những mất tới gần 50 triệu đồng cho việc mua lại bộ gương mới mà lại không có xe để đi lại nhiều ngày sau đó vì phụ tùng thay thế của mẫu xe “xịn” này không có sẵn.
Ở Việt Nam, mặc dù tình trạng ăn cắp xe hơi rất hiếm khi xảy ra, nhưng nạn “vặt” phụ tùng (chủ yếu là gương xi nhan, cần gạt nước, nắp đậy bình xăng) hoặc “không chơi được thì phá” (dùng chìa khóa hoặc vật cứng nhọn cào xước sơn xe) khá phổ biến. Cũng có trường hợp “đạo chích” dùng mẹo cậy được cửa những chiếc xe đã khóa để lấy đồ bên trong xe. Bởi vậy, mặc dù đi xe hơi được xem là an toàn hơn đi xe máy, nhưng bạn cũng nên hết sức cẩn trọng với những nạn trộm phá kiểu này.
Xin mách bạn một số điều cần lưu ý sau đây để tự bảo vệ mình và chiếc xe của mình:
1. Luôn chú ý vị trí đỗ, đậu xe: Đó nên là những khu vực có nhân viên coi giữ, nếu không, là những khu vực có an ninh tốt, nhiều khoảng trống, dễ quan sát và nhiều người qua lại. Tránh đậu xe ở những khu vực quá vắng vẻ, bị che khuất tầm nhìn và những nơi an ninh phức tạp như gần ga tàu, bến xe… Nếu cảm thấy không an toàn thì không nên cố đậu xe lại. Khi về đến nhà nhanh chóng đưa xe vào garage, không nên chủ quan đậu xe bên ngoài. Sau khi đỗ vào garage cũng cần khóa cửa garage cẩn thận.
2. Luôn sử dụng thiết bị cảm biến sẵn có: Đa số các dòng xe hiện đại ngày nay đều có chế độ khóa cửa bằng chìa khóa từ, đừng quên sử dụng nó để khóa tất cả các cửa và kính xe ngay cả khi chỉ đỗ lại ít phút ở đâu đó. Trước khi ra khỏi xe, nên kiểm tra kỹ các cửa xe, đảm bảo kính các cửa sổ được lên hết, cửa đóng chặt.
3. Sử dụng áo trùm xe: Không để các tài sản có giá trị nằm lộ liễu trong xe và nếu phải đậu xe cả ngày ở đâu đó bạn nên dùng áo trùm xe để bảo vệ xe, hạn chế sự phá phách của những “Mr. Rảnh” tình cờ đi ngang.
4. Sử dụng các thiết bị hỗ trợ chống trộm chuyên dùng: Có nhiều cách để đối phó với nạn bẻ trộm gương hậu như dùng nẹp ép giữ vành gương vào thân xe, thẩm mỹ hơn là dùng cáp luồn bên trong gương nối vào thân xe (đa số các garage chuyên nghiệp đều có thể thực hiện kỹ thuật này). Đây không phải cách ngăn ngừa tuyệt đối việc bẻ trộm nhưng sẽ gây khó khăn cho chúng khi “tác nghiệp” và quan trọng là khi phụ tùng bị bẻ gãy và còn dính lại trên thân xe thì bạn mới có thể được trả bảo hiểm cho tai nạn đó.
5. Khắc số ID của xe và logo riêng lên gương chiếu hậu và các trang bị phụ: Gương chiếu hậu và những thiết bị có giá trị bạn gắn thêm vào xe như đèn, cánh lướt gió… thường xuyên ở trong tầm ngắm của kẻ gian. Hãy tưởng tượng họ sẽ làm gì với đồ đánh cắp được khi trên đó ghi rõ “nơi nó thuộc về”, bất cứ ai cũng không thể mua lại khi dấu vết đó cho biết rằng họ là kẻ cắp và vì vậy những tên trôm chắc chắn sẽ chùn tay trước những món đồ được đánh dấu này. Tuy nhiên, hiện nay kỹ thuật bảo vệ thông dụng của nước ngoài chưa phổ biến ở Việt Nam. Trong thời gian tới, một trong những công ty bảo hiểm quốc tế hàng đầu thế giới về xe hơi, hãng Liberty, sẽ hỗ trợ trang thiết bị này cho các thành viên CLB Phụ nữ và Xe hơi.