Đối phó căn bệnh “cõng là chết”

Cứu thành giết

Đột quỵ não diễn tiến rất nhanh nên bạn cần phải cấp cứu bệnh nhân càng sớm càng tốt. Nếu bạn cấp cứu chậm sau 3h thì bệnh nhân dễ biến chứng và tử vong. Trong tình thế không thể chờ đợi xe cứu thương, hoặc nạn nhân ở gần bệnh viện, bạn sẽ đưa họ đi cấp cứu như thế nào? Cõng trên lưng, vác lên vai và chạy cho nhanh tới viện? Mục đích của bạn là cứu giúp bệnh nhân nhưng hành động đó lại khiến họ tử vong nhanh hơn.

Việc “cõng là chết” xuất phát từ cơ chế gây ra bệnh. Trong đột quỵ não, lý do khiến não bị tổn thương, mất chức năng là do không được cung cấp máu đầy đủ. Có hai dạng cơ bản trong đột quỵ não là chảy máu do vỡ mạch và nhồi máu do tắc mạch. Trong trường hợp thứ nhất thì máu chảy ồ ạt tạo thành một bọc to có thể làm “bẹp” mạch máu lên não và do đó não bị thiếu máu hoàn toàn. Còn trong trường hợp nhồi máu não thì mạch máu bị bít tắc trong lòng mạch bởi một cục máu đông bất thường. Cục máu đông này như một “hòn đá tảng” nằm chình ình trên đường máu lưu thông khiến não bị thiếu máu. Vấn đề cấp cứu cốt lõi là làm thế nào để khôi phục máu nuôi não trở lại nhanh nhất. Hành động cõng, vác nạn nhân đồng nghĩa với việc bạn đã dựng họ dậy trong tư thế đứng. Tư thế này khiến đầu ở vị trí cao nhất nên máu càng khó lên nuôi não. Nếu quãng đường đến bệnh viện là 1km, bạn cõng nạn nhân chạy bộ đi cấp cứu thì khoảng thời gian đó đủ làm cho não bộ bị tê liệt. Vì thế trong cấp cứu nạn nhân bị đột quỵ não, tuyệt đối không cõng nạn nhân.

Phân biệt đột quỵ não và chấn thương sọ não

Đột quỵ não là hiện tượng mất ý thức đột ngột và mất chức năng não toàn bộ quá 24h đồng hồ mà không liên quan gì đến chấn thương. Bệnh nhân tự nhiên ngã lăn ra, mê man, không nhận thức được môi trường xung quanh, bại yếu nửa người thì đích thị là đột quỵ não. Còn chấn thương sọ não là hiện tượng bất tỉnh nhân sự sau khi bệnh nhân ngã hoặc bị đánh hay gây tai nạn.

Tránh cõng để làm gì?

Chúng ta không được cõng nạn nhân mà thay vào đó là bế nạn nhân để họ trong tư thế nằm ngửa và đầu ngang với thân. Đầu cao ngang người giúp máu dễ dàng lên não.

Bước tiếp theo là phải đặt nạn nhân lên một mặt phẳng. Tốt nhất là nằm trên một tấm phản, một chiếc giường. Bệnh nhân là người già thì nên cho nằm trên đệm cứng hoặc đệm mỏng (tuyệt đối tránh đệm lún sâu, đệm lò xo). Sau đó cần cho đầu nạn nhân nghiêng sang một bên, vì khi đột quỵ não, người bệnh tiết ra rất nhiều đờm dãi. Nằm nghiêng đầu về một bên sẽ giúp cho dịch nhờn không chảy vào đường hô hấp và không gây tắc thở. Chúng tôi cũng khuyến cáo bạn không để nạn nhân nằm xuống đất hoặc sàn nhà. Nguyên nhân là sức đề kháng bệnh nhân yếu nên rất dễ nhiễm mầm bệnh trên nền nhà; đồng thời khả năng tạo nhiệt của người bệnh giảm nên người bệnh rất dễ bị mất nhiệt và càng làm rối loạn nặng thêm.

Sau đó hãy cho bệnh nhân lên xe cứu thương hoặc khiêng bệnh nhân trong tư thế này đến bệnh viện.

Theo Sức khỏe Gia đình


From the same category