Mâu thuẫn nơi công sở là tình huống khó có thể tránh khỏi. Điều quan trọng là bạn cần biết cách xử lý chúng một cách khéo léo, sao cho không ảnh hưởng đến không khí tập thể và hiệu quả công việc. Dưới đây là một vài lời khuyên giúp bạn xử sự khi xảy ra mâu thuẫn, đồng thời duy trì môi trường công sở luôn thân thiện và gần gũi.
Khi bất đồng xảy ra, chẳng ai trong trận chiến nảy lửa muốn “xuống nước” làm lành trước. Chính điều này đã khiến mâu thuẫn càng trở nên căng thẳng hơn. Nếu cuộc “đụng độ” không quá mức “đỉnh nóc”, thay vì cố phân định đúng hoặc sai thì hãy cố gắng hạ cái tôi xuống và chủ động làm hòa. Nước đi này không hoàn toàn đồng nghĩa rằng bạn thừa nhận lỗi lầm về phía mình, nhưng cho thấy bạn là một người khoan dung và khiến đồng nghiệp nể trọng bạn nhiều hơn. Đừng nên “ghim” trong lòng, vì điều này không những gây khó chịu cho chính bạn mà người kia cũng không “buông tha”. Hãy cân nhắc việc ngồi lại với nhau, và cùng tháo gỡ tất cả những hiểu lầm hay vướng mắc. Biết đâu bạn có thể hiểu hơn về đối phương và nhận ra lỗi lầm của mình.
Quy tắc quan trọng khi “cuộc chiến” nổ ra là bạn phải luôn chú ý ngôn ngữ cơ thể của mình. Một khi đôi bên đã có thể ngồi lại với nhau, cẩn thận để không tỏ thái độ thù địch, chống đối đồng nghiệp bằng các điệu bộ, vẻ mặt hay giọng nói gay gắt. Điều này làm mất thể diện cho bạn và đối phương, đồng thời có thể gây tò mò, bàn tán cho các đồng nghiệp khác nơi công sở. Mâu thuẫn đến một lúc sẽ tạm lắng xuống, nhưng giá trị của bạn sẽ hoàn toàn sụp đổ trong mắt mọi người nếu bạn để cảm xúc dẫn dắt lý trí trước những hành vi mất kiểm soát của bản thân.
Im lặng cũng được xem là một cách ứng phó thông minh khi xảy ra mâu thuẫn. Việc lựa chọn im lặng vào thời điểm cuộc cãi vã lên cao trào sẽ khiến đối phương “chột dạ” hay xấu hổ với bản thân mà tự biết cách rút lui. Ngoài ra, giữ im lặng cũng giúp bạn có một khoảng lặng nhất định để nhìn nhận lại sự việc và tránh đẩy mâu thuẫn đến bờ vực thẳm. Bởi đôi khi, một phần lỗi lầm dẫn đến mâu thuẫn cũng thuộc về bạn mà trong phút chốc “giận quá mất khôn” khiến bản thân không kịp nhận ra.
Nếu việc đối diện với “kẻ thù” khiến bạn thấy khó khăn, bạn có thể chia sẻ với những người đáng tin cậy một cách bình tĩnh, lịch sự và chừng mực. Khi tâm sự với người thứ ba, bạn nên chú ý vào hoàn cảnh, vị trí và sự việc thực tế, tránh xa những chuyện “hành lang”, ngồi lê đôi mách và nói xấu người khác sau lưng. Ngược lại, bạn cũng cần cẩn trọng khi nhận góp ý từ họ, bởi thực tế việc để người khác tham gia chuyện của bạn không hẳn đã là điều hay. Hãy suy xét xem họ có mục đích gì khác hay không, mong muốn và quan điểm của họ thực sự là gì? Nếu có, bạn sẽ bị lợi dụng hoặc trở thành người không có chính kiến. Ngoài ra, người giám sát hoặc cấp trên cũng là những người đáng tin cậy để bạn tìm đến trong trường hợp đồng nghiệp gây khó khăn cho công việc mà tự bạn không thể giải quyết được. Tuy nhiên, điều bạn cần tránh là kêu ca, than vãn với sếp về các đồng nghiệp khác.
Luôn giữ các mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp là bước đầu giúp bạn xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh. Mỗi ngày bạn có tới 8 -10 tiếng, thậm chí nhiều thời gian hơn thế ở công sở. Việc kết thân với tất cả mọi người không những làm giảm căng thẳng và sự chán chường khi phải đến công sở hằng ngày, mà còn giúp công việc của bạn diễn ra suôn sẻ hơn. Bởi vì, đồng nghiệp sẽ là những người “đồng minh” không ngần ngại cùng bạn vượt qua mọi chông gai trong công việc.
Khi giao tiếp với đồng nghiệp, bạn hãy nói rõ ràng, rành mạch những gì muốn diễn đạt đề xuất các kiến nghị hay tiến cử ai đó một cách tích cực. Thiện ý của bạn sẽ dễ dàng thuyết phục được đồng nghiệp cũng như cấp trên. Trong trường hợp xung đột quan điểm xảy ra, việc đầu tiên bạn cần làm là bày tỏ sự thích thú với những gì người khác nói. Bạn có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng đừng thể hiện sự phủ nhận tuyệt đối với quan điểm của họ. Một “cú pháp” đối đáp văn minh trong trường hợp này là: “Tôi hiểu những gì bạn suy nghĩ về vấn đề này, nhưng theo tôi thì…” để bảo vệ chính kiến.
Suy cho cùng, bạn và các đồng nghiệp đều trên cùng một con thuyền và chung chí hướng là nỗ lực đề ra những chiến lược nhằm giải quyết vấn đề hiệu quả nhất. Hãy nhớ rằng, thành công không chỉ nằm ở kết quả công việc, mà còn ở cách bạn hòa hợp với những “người đồng hành” trên hành trình “vượt biển” đó.