Nếu không phải Xuân Lan tôi sẽ không biết chọn ai vào vai diễn ấy – một người mẫu vừa mạnh mẽ dữ dội, vừa có đẳng cấp. Và quan trọng nhất là Xuân Lan có cái tầm của một siêu mẫu, để khán giả xem phim nhìn vào nhân vật là tin rằng, đó đúng là một siêu mẫu số một thực sự.
Trước lúc làm phim, anh làm nhiếp ảnh thời trang. Vậy trong mắt anh khi đó, Xuân Lan thế nào?
Thú thực, trước đó tôi không có cảm tình với Xuân Lan cho lắm, vì tôi nghĩ cô ấy lạnh và có cái nhìn dữ quá nên tôi sợ. Nhưng tôi vẫn đánh giá Xuân Lan là một người mẫu số một, một cá tính không trộn lẫn – người mẫu nhất trong các người mẫu. Cũng đã một vài lần chụp hình thời trang cho cô ấy, nhưng tôi chưa nắm bắt được cái thần vì cá tính của cô ấy quá mạnh. Tay máy của tôi chưa có tầm để nắm bắt.
Còn bây giờ, nhận xét của anh về sự phát triển của Xuân Lan?
Cô ấy cũng có giai đoạn đẹp và xấu. Xuân Lan chỉ cần để kiểu tóc sai sẽ trở thành tầm thường ngay lập tức. Đã có lúc, Xuân Lan để tóc dài, uốn lọn xoăn xoăn, tôi coi là cô ấy hoàn toàn đánh mất mình, không để lại một dấu ấn nào hết. Vậy mà tôi thấy cô ấy để kiểu này hơi bị lâu. Mái tóc làm nên sự nghiệp Xuân Lan.
Còn nói về sự nghiệp diễn xuất, thì tôi có cảm giác là sau vai diễn quá ấn tượng của “Những cô gái chân dài”, Xuân Lan không có vai nào đáng coi. Có thể các phim truyền hình của Xuân Lan đều chiếu vào các giờ rất kỳ cục nên tôi cũng không theo dõi được… Tôi thấy cô ấy đang phát triển mình bên kịch nói, tôi cho rằng như vậy là ổn. Bởi Xuân Lan có một giọng nói rất hay.
Tiếp tục nói về diễn xuất, anh là người “đầu têu” đưa các người mẫu ra đóng phim như Xuân Lan, Thanh Hằng, Anh Thư, Dương Yến Ngọc. Bộ phim ấy lại là chủ đề “người mẫu thời trang”, nên có khá nhiều ý kiến cho rằng các người mẫu rất dễ để nhập vai mà họ quá quen thuộc mà cố tình quên đi khả năng diễn xuất của từng người.
Người mẫu chỉ có lợi thế trên phim khi đóng các cảnh catwalk, còn lại họ vẫn phải diễn xuất tâm lý nhân vật như mọi diễn viên bình thường. Ưu điểm của các người mẫu là họ không biết sợ ống kính, càng có ống kính họ càng hứng thú diễn xuất hơn. Ưu điểm thứ hai ngoài vấn đề nhan sắc ra họ còn có sự tự tin, họ diễn được theo cách của họ. Những người mẫu thành công đều là những người có cá tính, vì thế hãy khuyến khích họ mang cá tính đó vô vai diễn… Người mẫu phải mang được ít nhất được 50% cá tính con người đó trong nhân vật. Chẳng hạn, Anh Thư thì phải mang chất mộc mạc quê mùa, Xuân Lan phải có sự mạnh mẽ quyết liệt vì cô ấy không phải người hiền.
Cái hay nhất và cũng dở nhất của các diễn viên tay ngang từ nghề người mẫu chính là sự hồn nhiên. Họ đóng những vai diễn đầu tiên bằng sự hồn nhiên sẽ rất được ủng hộ. Song để đi đường dài không thể hồn nhiên mãi. Khi người mẫu đánh mất sự hồn nhiên tươi tắn và đi vào con đường chuyên nghiệp thường dở đi, bởi họ không thể chuyên nghiệp bằng các diễn viên khác. Bằng Lăng cũng là một trường hợp như vậy, khởi đầu thì rất hay nhưng những vai sau đó mờ nhạt kinh khủng. Đó không phải là lỗi của các siêu mẫu như Xuân Lan, Bằng Lăng… mà tôi nghĩ những người mẫu quá ấn tượng như các cô ấy cần những đạo diễn ruột. Phải có người dựng lên những vai diễn ấn tượng cho Xuân Lan, chứ chọn Xuân Lan cho một vai bình thường thì nó lại quá bình thường.
Nhưng nói như vậy rõ ràng, để bước đi dài trong điện ảnh, Xuân Lan nói riêng và người mẫu nói chung đâu có dễ để lựa chọn vai diễn lý tưởng được như thế?
Cũng tùy từng người. Chẳng hạn, Anh Thư hay Dương Yến Ngọc thì có thể đóng vai những người bình thường, nhưng Xuân Lan hay Thanh Hằng thì không. Người ta nhìn vô Xuân Lan, Thanh Hằng là biết họ là người mẫu liền, không phải người bình thường. Đó là cái khó nhất của họ khi bước vào điện ảnh. Họ cần phải có những dạng vai đặc biệt, viết riêng cho các cô ấy mới có được thành công, chứ bắt họ giả bộ làm người bình thường thì chắc chắn thất bại. Trường hợp của Thanh Hằng là một ví dụ, cô ấy quá may mắn khi có những đạo diễn yêu quý, đồng hành và tạo dựng cho cô ấy những vai diễn đặc biệt để có thể gây chú ý được trong điện ảnh. Trên thế giới cũng vậy thôi, cũng có rất nhiều siêu mẫu thành công trong điện ảnh, giành cả Oscar như Charlize Theron chẳng hạn. Nhưng ngược lại, cũng có nhiều cô không quản lý được sự nghiệp thì cũng mất dần sức hút là chuyện bình thường.
Nhưng trong trường hợp này, Xuân Lan không có được may mắn như Thanh Hằng!
Quả vậy! Cá tính Xuân Lan quá mạnh, cô ấy cần những kịch bản thật mạnh, một đạo diễn thật mạnh mới có thể bật trở lại được. Chứ còn nếu đi như vầy hoài thì Xuân Lan cũng sẽ là người ngoại đạo suốt đời. Với Xuân Lan, nếu cứ bị đóng đinh với những vai cá tính, vai ác cả đời cũng rất nên. Những dạng vai mạnh như “Bond girl”, hay như trong “101 con chó đốm”, thì Xuân Lan chắc chắn thành công. Xuân Lan nên chờ những vai diễn như thế, hoặc cô ấy cần mềm mại hơn chút nữa trong diễn xuất và cả trong các mối quan hệ. Một người có tài năng và có tâm rất tốt như Xuân Lan nhưng với cá tính mạnh rất dễ gây hiểu lầm. Tôi cũng nghĩ một phần vì tính cách này, nên cô ấy chưa tìm thấy duyên với điện ảnh. Hoặc cũng có thể, vì tình yêu của cô ấy với thời trang vẫn còn quá lớn.
Anh là người đầu tiên mời Xuân Lan, Thanh Hằng vào phim mà giờ anh nói họ cần những đạo diễn riêng. Anh cũng đã thành công với sự hồn nhiên tươi sáng của họ khi lần đầu bước vào điện ảnh. Vậy sao anh không tạo ra những vai diễn viết riêng cho Xuân Lan?
Chính nhà sản xuất đã có lần nói với tôi, hãy dành cho Xuân Lan một vai diễn nào đó đi, bởi cô ấy có tài, có tiếng lại đang rất đẹp, rất độc đáo. Nhưng tôi nghĩ là vấn đề nằm ở chính Xuân Lan. Có lẽ, người ta chưa tìm được cảm hứng và đam mê ở Xuân Lan. Với tôi, muốn đồng hành với Xuân Lan hay Thanh Hằng, tôi cần phải có nhiều tình yêu hơn nữa. Sự thẳng thắn và mạnh mẽ của Xuân Lan không hợp với tôi, đôi khi còn làm tôi sợ. Tính của Xuân Lan lạ lắm, cứ đùng đùng cháy vậy đó, mà nhiều lúc đoàn làm phim cần có những sự yên tĩnh. Hoặc đôi khi có những chuyện rất nhỏ nhưng đứng cạnh Xuân Lan mà người nào không hiểu cô ấy sẽ tưởng chừng như rất là lớn…
Khi một đạo diễn làm việc với một diễn viên, diễn viên phải tạo ra được cảm hứng ngược lại cho đạo diễn đó sáng tạo. Nhưng Xuân Lan không tạo được cơ hội cho đạo diễn tạo hứng thú. Ngọn lửa của Xuân Lan không truyền được cho đạo diễn, mà thậm chí cô ấy tạo một cảm giác không an toàn cho đạo diễn, cho tác phẩm. Tôi không nắm bắt được Xuân Lan như tôi nắm bắt được Tăng Thanh Hà hay Minh Hằng, nên khi làm việc không có được cảm giác an toàn.
Vậy xem ra đó là nhược điểm của Xuân Lan, một người cá tính mạnh làm việc teamwork rất khó?
Quả thực là khi làm việc chung, tôi rất lo lắng cho Xuân Lan và lo cho cả những người làm việc với cô ấy. Tính cách của cô ấy quá bộc trực.
Nhưng anh có nghĩ đó là vỏ bọc của một tâm hồn yếu đuối?
Tôi cũng nghĩ Xuân Lan yếu đuối. Và điều này làm tôi nghĩ tại sao cô ấy lấy chồng muộn. Người nào đã thích Xuân Lan mạnh mẽ cá tính trên sàn catwalk gặp ngoài đời sẽ rất thất vọng, vì bên ngoài lại yếu đuối. Còn nếu ai thích mẫu phụ nữ yếu đuối, sẽ không bao giờ tìm cách tiếp cận Xuân Lan khi đã nhìn thấy cô ấy trên phim ảnh và báo chí. Hai con người đó hoàn toàn đối lập. Đôi khi cô ấy đang rất là vui mà chỉ cần nói một câu là cô ấy buồn liền.
Anh nói Xuân Lan là người mẫu nhất trong các người mẫu. Vậy ai mới xứng là người điện ảnh nhất trong những người làm điện ảnh?
Có lẽ là Lê Khanh. Chị ấy cũng là diễn viên kịch, tay ngang sang điện ảnh. Nhưng chị ấy đem đến sự nhẹ nhàng và tươi tắn vào điện ảnh.