Đối kháng trong thời nhạc trực tuyến chất lượng cao bùng nổ - Tạp chí Đẹp

Đối kháng trong thời nhạc trực tuyến chất lượng cao bùng nổ

Giải Trí

Sự thờ ơ của các nghệ sĩ lớn

Cuối năm 2015, khi album “25” của nữ ca sĩ Anh quốc Adele chính thức phát hành, bên cạnh việc thiết lập hàng loạt kỷ lục về doanh thu, nó còn được nhiều tờ báo lớn tôn vinh và coi như liều thuốc “tăng lực” kịp thời cho thị trường âm nhạc truyền thống đang ngày càng ảm đạm. Với 15 triệu bản bán ra trên toàn cầu sau đúng một tháng ra mắt, album này đã buộc công chúng chịu bước ra cửa hàng, mua các định dạng lưu trữ vật lý (CD và LP) thay vì ngồi nhà tải nhạc hoặc thưởng thức trực tuyến từ các dịch vụ streaming (truyền dẫn) online đang bùng nổ nhanh chóng. Nói rộng ra, “25” khiến lớp thính giả trẻ tuổi cảm thấy hào hứng hơn với việc thực sự sở hữu một sản phẩm âm nhạc, thứ mà họ đang dần lãng quên hoặc chưa hề biết tới – kể từ khi định dạng nhạc nén MP3 và kênh Youtube.com xuất hiện.

Các dịch vụ truyền dẫn nhạc số trực tuyến khiến thị trường trở nên khốc liệt và mất cân bằng nhưng đó là sự phát triển tất yếu, không thể ngăn cản nổi…

Năm ngoái, Taylor Swift đã gỡ hết album nhạc của mình khỏi Spotify do không đạt được các thỏa thuận về doanh thu. Cô muốn người nghe phải trả tiền cho từng ca khúc họ nghe thay vì đóng phí duy trì hàng tháng, bởi: “Âm nhạc là nghệ thuật, mà nghệ thuật lại quan trọng và hiếm hoi. Những thứ quan trọng, hiếm hoi phải có giá trị cao, phải trả tiền để sở hữu. Âm nhạc không nên là đồ miễn phí…”.

Tính từ đầu năm 2015 tới nay, doanh số đĩa nhạc CD tiêu thụ trên toàn cầu đã sụt giảm đến 31,5% và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Trong khi đó, ngạc nhiên thay, lượng đĩa than (LP hoặc vinyl) bán ra vẫn tiếp tục nhích dần lên, và trong 6 tháng đầu năm 2017, đã đạt doanh thu cao hơn so với nhạc số chất lượng cao (HD – high definition music) tải về từ các cửa hàng trực tuyến, thậm chí con số này đạt tới mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Bỏ qua xu thế nghe đĩa than đang có dấu hiệu hồi sinh, lý do sụt giảm bất ngờ của trào lưu download nhạc HD, điều mà ai cũng thấy, đó là sự bùng nổ của các dịch vụ truyền dẫn nhạc số chất lượng cao, mà khởi điểm của nó đã bắt đầu từ cuối năm 2015.

nghe-nhac-truc-tuyen-2

Miếng bánh mới của các “ông lớn” công nghệ

Vậy truyền dẫn (streaming) nhạc số chất lượng cao là gì? Về lý thuyết, nó không khác gì các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến mà chúng ta vẫn quen sử dụng, như Apple Music, Google Music, SoundCloud, Deezer, Spotify, JUKE… Tuy nhiên, các thương hiệu này lại chỉ mang đến thứ âm nhạc chất lượng thấp vì dung lượng đã bị giảm (còn khoảng một phần ba tới một nửa) so với ban đầu. Trong khi đó, các dịch vụ truyền dẫn nhạc số chất lượng cao đảm bảo mang đến cho khách hàng âm thanh đúng chuẩn CD ở độ phân giải 16bit/44,1kHz.

Và truyền dẫn trực tuyến đồng nghĩa với việc người sử dụng không thực sự bỏ tiền ra mua bất kỳ một album hay thậm chí một ca khúc nào, họ chỉ cần bỏ ra một khoản phí dịch vụ hàng tháng là có thể nghe nhạc mọi nơi, mọi lúc, miễn là truy cập được internet. Cộng thêm sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp nghe nhìn, việc kết nối máy tính hoặc smartphone, máy tính bảng với bộ dàn âm thanh để thưởng thức âm thanh chất lượng tốt là hết sức đơn giản. Khi đó, không chỉ nhu cầu mua đĩa CD, kể cả việc download và lưu trữ các album nhạc trong ổ cứng cũng sẽ dần biến mất.

Nếu như năm 2015, Tidal (sở hữu bởi vợ chồng ca sĩ nổi tiếng Jay-Z và Beyoncé) vẫn là bá chủ trong phân khúc truyền dẫn nhạc số chất lượng cao, thì đến nay hãng này cũng đã phải chia lại thị trường cho nhiều đối thủ hùng mạnh như Qobuz, HDtracks, HighResAudio, và một số tên tuổi mới như Linn Records, Society Of Sound. Bên cạnh đó, việc Apple đang ráo riết đàm phán để mua lại Tidal cho thấy “ông lớn” của ngành công nghệ đã thực sự quan tâm tới thị trường còn mới mẻ này. Thực tế, không chỉ dân audiophile mới quan tâm tới chất lượng âm thanh, giờ đây những bộ dàn âm thanh di động cỡ nhỏ, giá mềm cũng có thể chơi nhạc hay như dàn hi-fi, chính vì thế, ngay cả người bình thường cũng có nhu cầu được nghe thứ âm nhạc hay hơn, chuẩn xác hơn.

nghe-nhac

Cánh cửa cho các nghệ sĩ trẻ

Hầu hết chuyên gia công nghệ đều xác nhận đây chính là xu hướng phát triển tất yếu của thị trường âm nhạc. Nhưng phải nhắc lại rằng, nhiều nghệ sĩ tên tuổi không thích điều này.

Album “25” của Adele khi mới ra mắt đã không hề hiện diện trên bất kỳ dịch vụ truyền dẫn nhạc số chất lượng cao nào – đó cũng là một lý do quan trọng để bản CD đạt mức tiêu thụ khủng khiếp đến vậy. Và rất nhiều ca sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng khác cũng chỉ phát hành bản CD, LP, cùng lắm là bán file nhạc nén trên iTunes, amazon.com, bán album ở các định dạng HD trên các website uy tín, thay vì sẵn lòng hợp tác với những Spotify, Tidal hay Pandora.

Tuy nhiên, rất nhiều nghệ sĩ trẻ, ít danh tiếng, đang theo đuổi những dòng nhạc kén chọn người nghe như blues, jazz, cổ điển, world music… hoặc đến từ các quốc gia ngoài Mỹ, Canada và Anh lại coi các dịch vụ này như một cơ hội lý tưởng để tiếp cận công chúng hay lọt vào mắt xanh của các nhà sản xuất âm nhạc, các hãng ghi âm lớn. Với họ, ra đĩa CD thường không hiệu quả, chưa kể đến chi phí đắt đỏ, nên Youtube và các kênh truyền dẫn nhạc số chất lượng cao luôn là lựa chọn hàng đầu. Bản “Gangnam Style” của rapper Hàn Quốc PSY hay ca khúc “hot” nhất mùa hè năm nay “Despacito” của bộ đôi Luis Fonsi & Daddy Yankee chính là những ví dụ điển hình của việc thành danh chỉ trong quãng thời gian ngắn với một bản “hit” có lượng xem khủng khiếp trên Youtube.

Các dịch vụ truyền dẫn nhạc số trực tuyến khiến thị trường trở nên khốc liệt và mất cân bằng nhưng đó là sự phát triển tất yếu, không thể ngăn cản nổi… đặt các nghệ sĩ vào cuộc chiến sống còn: hoặc phải thật xuất sắc để trở nên nổi bật, hoặc mãi mãi vô danh. Cùng với đó là thử thách cam go cho các hãng ghi âm và các nhà phát hành CD nếu không liên tục tìm ra những album độc đáo, ăn khách, đủ khả năng định hướng cho công chúng thì nguy cơ thua lỗ là nhãn tiền.

adele

Với 15 triệu bản bán ra trên toàn cầu sau đúng một tháng ra mắt, album “25” của nữ ca sĩ Anh quốc Adele đã buộc công chúng chịu bước ra cửa hàng, mua các định dạng lưu trữ vật lý (CD và LP) thay vì ngồi nhà tải nhạc hoặc thưởng thức trực tuyến từ các dịch vụ streaming (truyền dẫn) online đang bùng nổ nhanh chóng.

Thực hiện: depweb

23/09/2017, 07:00