Đổi hướng con sông lớn

 

Nếu từ “chính trị” có thể được hiểu là quyền lực và mối liên quan giữa các yếu nhân trong một lĩnh vực nào đó, thì tính từ năm 2010 đến nay, nền chính-trị-của-thời-trang-thế-giới đã chứng kiến nhiều cuộc thay đổi đáng chú ý về mặt nhân sự lẫn xu hướng.

Thế hệ người sáng lập và đặt nền móng cách tân cho thời trang như Coco Chanel, Cristóbal Balenciaga, Céline Vipiana, Yves Saint Laurent, Christian Dior, Hubert Givenchy,… đều dần được kế nghiệp bởi thế hệ tiếp theo bắt đầu từ những năm 2000. Nhưng phải nói rằng, 2 năm vừa qua, những cuộc biến chuyển và đột phá diễn ra khác xa mọi suy đoán của người trong giới lẫn công chúng mộ đạo thời trang.

Liệt kê ra, có thể nhắc đến: vụ đình đám John Galliano bị sa thải khỏi vị trí lãnh đạo sáng tạo của nhà Dior, cái chết đột ngột của danh tài thời trang Alexander ‘Lee’ McQueen và sự kế nghiệp đầy tiềm năng của Sarah Burton; một Phoebe Philo sau 3 năm trốn khỏi làng thời trang bất ngờ quay lại và biến Celine trở thành một thương hiệu “IT” nổi bật; bộ đôi Humberto Leon và Carol Lim – chủ hệ thống cửa hàng thời trang Opening Ceremony nhận chức Giám đốc sáng tạo nhà mốt Kenzo; Christophe Lemaire chuyển từ hãng thời trang thể thao Lacoste sang làm chủ bộ phận thiết kế cho nhãn hàng huyền thoại Hermès… Một vài sự kiện cũng đủ cho thấy sự khốc liệt và khó đoán của ngành công nghiệp thời trang. Vậy nên, giữa những cơn sóng lúc lên lúc xuống bất thường này, một phong độ làm việc ổn định và nhiệt huyết sáng tạo luôn tươi mới là hai yếu tố chính quyết định dòng chảy nào sẽ thành công và không bị đánh chìm trong biển lớn.

Sự việc Tom Ford rời bỏ Gucci sau khi vực dậy thành công thương hiệu này cũng khiến nhiều người không khỏi lo ngại cho nhân sự thay thế trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, có lẽ cái tôi của Tom Ford quá lớn, có phần lớn hơn cả di sản thương hiệu danh tiếng của Ý này. Có phải vậy mà những nhà mốt lớn đang hướng tới những tên tuổi trẻ chưa thành danh?

Bài Arlette Quỳnh Anh Trần
Ảnh AFP, Givenchy

Tháng 3 năm 2005, khi nhà thiết kế người Ý Riccardo Tisci, ở tuổi 31, được tập đoàn sở hữu các thương hiệu xa xỉ LVMH, công ty mẹ của nhà mốt Givenchy, chọn vào vị trí Giám đốc sáng tạo, thì giới phê bình thời trang, cánh báo chí, lẫn nhiều đồng nghiệp phải nhướn mày nghi hoặc.


NTK Riccardo Tisci (ngồi giữa)

Kinh đô ánh sáng Paris không chỉ lấp lánh, hào nhoáng như vẻ bề ngoài của nó mỗi dịp tuần lễ thời trang, ở đấy tồn tại một guồng máy khổng lồ của ngành công nghiệp thiết kế may mặc, trong đó cuộc cạnh tranh khốc liệt chỉ có thể dành cho những kẻ tài giỏi nhất. Vậy mà một chàng trai mới qua tuổi 30, cái tuổi thường đang ở mức học việc hay mới bắt đầu quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân, lại là người kế tục, đảm nhận trách nhiệm lèo lái và định hướng sáng tạo cho một hãng thời trang huyền thoại của Hubert de Givenchy. Hơn thế nữa, phải kể thêm rằng, ba người tiền nhiệm trước Tisci là các anh tài trong làng mốt John Galliano, Alexander McQueen và Julien Macdonald đều không thực sự thành công ở vị trí này tại Givenchy. Vậy điều gì đã làm cho mọi người phải ngả mũ trước một dòng chảy mới như Riccardo, sau khi anh mang lại cho Givenchy thành công vang dội về doanh thu lẫn lời khen ngợi của giới phê bình? Có lẽ đó chính là sự đột phá, không đi vào lối mòn, vượt ra khỏi cái bóng truyền thống của chính hãng thời trang vang danh một thời.



Từ trái qua: Naomi Campbell, NTK Riccardo Tisci, Gisele Bundchen

Givenchy nổi tiếng thế giới, ngay cả với người không sành ăn mặc, qua hình ảnh của nàng Audrey Hepburn – một biểu tượng điện ảnh vĩnh cửu trong bộ phim “Bữa sáng ở Tiffany’s”, người phụ nữ mảnh dẻ vận bộ đầm sang trọng màu đen suôn dài, cùng đôi găng tay với mái tóc búi cao lộ nét cổ dài thanh thoát. Hubert de Givenchy định hình nên phong cách thiết kế của mình bằng đường nét dứt khoát và chính xác của trang phục đến mức hoàn hảo, ôm sát lấy cơ thể người phụ nữ. Ông còn là người đầu tiên đưa khái niệm “đồ may sẵn” cao cấp vào thị trường châu Âu thập niên 50 bấy giờ, nhằm dân chủ hóa thời trang cho nhiều tầng lớp từ đa số trung lưu trở lên, chứ không chỉ giới hạn khu vực giới giàu có thượng đẳng có khả năng và thời gian đến nhà mốt đặt may đo riêng. Người phụ nữ diện trang phục Givenchy là những cô gái dòng dõi quý tộc hay tiểu tư sản đặc trưng Paris, thông minh, cá tính, hơi thích châm biếm và ăn vận có gout. Chỉ đến thập niên 70, Hubert mới quyết định bắt tay thực hiện dòng haute couture đắt giá để khẳng định sự khéo léo và tinh xảo mà nhà Givenchy có thể đạt đến. Phong cách thẩm mỹ cá tính của Givenchy được giữ vững và duy trì lúc ông về hưu vào năm 1995.

Trong vòng 10 năm tiếp theo, tập đoàn LVMH loay hoay tìm người thế chỗ cho Hubert. Nhưng có lẽ họ vẫn chưa dò được đúng tiếng nói phù hợp khi những nhà thiết kế tuy đã có tiếng tăm như John Galliano và Alexander McQueen cũng không thực sự cùng chung nhịp chảy mang đặc tính Givenchy. Lý do chính là bởi hai nhà tạo mẫu này có thiên hướng tạo hiệu ứng trên bề mặt hoa văn vải vóc và chi tiết thể nghiệm phức tạp, hơn là đi vào đường nét và bố cục phức hợp hình học giữa trang phục và cơ thể như Givenchy. Tuy nhiên, thoạt nhìn qua phong cách của Riccardo Tisci trước khi gia nhập Givenchy, khó ai có thể hình dung anh sẽ kế tục Hubert, người thiết kế cho Audrey Hepburn. Và Tisci quả thật đã gạt hẳn biểu tượng huyền thoại – nàng Audrey váy đen trang trọng – khỏi dấu ấn đặc thù nhà mốt này. Người phụ nữ Givenchy của thế kỉ 21 vẫn quyền quý, lịch lãm, nhưng nàng trở nên mãnh liệt với tính lãng mạn, sôi nổi cùng sự phá cách, và có phần đen tối của một tín ngưỡng bí ẩn.

Tên tuổi khá mờ nhạt tại mặt bằng thời trang châu Âu, ngoại trừ tấm bằng tốt nghiệp từ trường nghệ thuật danh giá Central Saint Martin ở London, Tisci đã gây ngỡ ngàng khi được mời kí bản hợp đồng ba năm làm giám đốc sáng tạo cho Givenchy. Phải đến đúng hai năm sau khi gia nhập, với bộ sưu tập mùa Thu Đông 2007, Tisci vượt qua khỏi loạt nghi vấn về tài năng của anh. Trong bộ sưu tập này, chiếc quần lưng cao trở thành điểm nhấn xuyên suốt, kết hợp cùng giày bốt, áo choàng cổ cao, dựng đứng, thỉnh thoảng xuất hiện vài mẫu váy nhưng cũng cùng đường cắt kéo dài trong tổng thể thiết kế. Ngoại trừ rất ít kiểu mang màu hồng phấn hay kem nhạt, toàn bộ mẫu được phủ màu đen ma quái và quyền lực, cộng hưởng theo dáng dấp trang phục và nút đinh tán mạ vàng mang tính quý tộc thế kỉ 18 hay 19. Phong cách đương đại của Givenchy dần hiện rõ: chủ nghĩa lãng mạn hóa nhuốm sắc thẫm gothic mãnh lực.

Nói về dòng haute couture xa xỉ, mỗi thiết kế thực hiện chỉ dành cho một bộ duy nhất tồn tại, Riccardo Tisci đã đem lại luồng sinh khí độc đáo cho tinh thần Givenchy. Kể từ bộ sưu tập haute couture mùa thu năm 2009, Tisci bắt đầu đưa những chi tiết phá cách hiện đại vào bộ đầm dạ hội sang trọng: một dải dây khóa kéo bằng nhựa tổng hợp dài thẳng đứng, toát lên âm hưởng thời trang đường phố, rất bình dân, lại đính ngay vào sau lưng chiếc váy đầm thêu tay và đính hạt tinh xảo, tựa hồ một cá tính mạnh mẽ bên trong vẻ ngoài quý phái – biểu tượng người phụ nữ Givenchy lại trỗi dậy.

Tuy nhiên, Riccardo không bao giờ chối bỏ truyền thống. Bằng chứng là, với dòng sản phẩm vô cùng đắt tiền như haute couture, sự cổ điển luôn duy trì trong quá trình dày công kiến tạo nên mỗi bộ trang phục.



BST Xuân Hè 2012 của Givenchy




Người mẫu Sun Fei Fei trong một thiết kế Xuân Hè 2012 của Givenchy

Ở bộ sưu tập couture mùa thu năm 2011 vừa rồi, từng lớp vải lụa voan phủ cườm, kim sa và pha lê; chúng không dùng keo dán lên mặt vải mà được đính từng hạt một. hàng trăm ngàn, hàng triệu hạt trang trí quý giá, hoặc vảy cá bằng lụa cắt lớp theo công nghệ 3D, với muôn dạng cấu trúc bắt sáng, hàng trăm mét vải lụa nhẹ như lông hồng được cắt dập chính xác như toán học, tất thảy hợp thành những bộ váy có một không hai, đậm chất quý tộc lãng mạn và vẻ thông thái pha trộn hài hước của nước Pháp.

Và những dòng chảy khác

Cú đặt cược vào Riccardo Tisci của tập đoàn LVMH năm nọ thực không hề sai lầm, dù thời trang tồn tại được không khác một cuộc đấu trí trên thương trường và quyết định đưa một người trẻ tuổi vào vị trí sống còn là việc làm vô cùng mạo hiểm. Trong thế giới tạo mẫu, Tisci không phải là trường hợp đơn cử duy nhất. Chúng ta từng chứng kiến Marc Jacobs, một gã grunge – phong cách bụi bặm từ New York, kể từ năm 1997 khi được trọng dụng ở tuổi 34, đã gây dựng hẳn một nền công nghiệp thiết kế áo quần may sẵn cho nhà Louis Vuitton – hãng đồ da truyền thống từ hơn trăm năm vốn chỉ chuyên sản xuất túi xách. Hơn thế nữa, bằng cách mời nhiều nghệ sĩ thị giác như Takashi Murakami, Richard Prince, Julie Verhoeven, Stephen Sprouse về cộng tác thiết kế, Marc Jacobs khẳng định tài năng và sự cởi mở của mình, không chỉ sáng tạo từ bản thân mà còn biết kết hợp với nhiều nhân tài nghệ thuật khác nhau.

Ngoài ra, còn có thể kể đến nhà thiết kế quốc tịch Bỉ Raf Simons, người đã đóng những viên gạch vững chắc giúp kiến tạo lại nhãn hiệu Jil Sander, tính từ sau năm 2004 lúc nhà sáng lập hãng, bà Jil, từ bỏ nhà mốt mình gây dựng hàng chục năm vì mâu thuẫn với chủ đầu tư tập đoàn Prada. Thử tưởng tượng bối cảnh u ám nhà mốt Jil Sander bấy giờ, tính riêng năm 2004 tập đoàn đã chịu lỗ gần 30 triệu euro, vậy mà chỉ sau vài năm, Raf Simons, nhà thiết kế trẻ có cá tính cứng rắn và theo dòng văn hóa vùng Tây – Bắc Âu, đã khiến cho doanh thu tăng vọt và hình ảnh thương hiệu Jil Sander phủ khắp thế giới. Giữ nguyên tinh thần kỉ luật hà khắc trong khái niệm thẩm mỹ gốc Đức của Jil Sander, các mẫu trang phục do Raf thiết kế trở thành biểu tượng của chủ nghĩa tối giản trong thế kỉ 21: cách tân mang tính điêu khắc và kiến trúc, dù luôn nền nã và lạnh lùng.

NTK Raf Simons

NTK Marc Jacobs trong buổi giới thiệu
BST Thu Đông 1998-1999 của Louis Vuitton

Nếu nói rằng những dòng chảy nhỏ cần thời gian để tích lũy trước khi ra biển lớn, thì người ta quên rằng chỉ cần một trận mưa đủ lớn và đúng lúc, con suối có mạch ngầm ấy có thể rẽ thành sông và gây nên cơn lũ mạnh mẽ. Riccardo Tisci, Marc Jacobs, Raf Simons và nhiều con người tài giỏi trong làng thời trang thế giới cũng đáng tầm được ví như dòng lũ ấy, vì họ dám tự tin bước ra khỏi cái bóng đồ sộ của thế hệ đi trước, tạo dựng một hình tượng mới phù hợp với thời đại mà vẫn giữ đúng nguồn cảm hứng nguyên thủy từ thuở sáng lập của nhà mốt.



Naomi Campbell trong thiết kế Thu Đông 1998-1999 của Louis Vuitton



 


 


From the same category