Đời hoả xa và những cái Tết xa nhà

Một lái tàu có thâm niên ăn Tết 10 năm trên tàu của Xí nghiệp đầu máy Hà Nội nói về cảm xúc khi đón Tết trên tàu.

Đón giao thừa trên đầu máy

Tựa lưng chiếc ghế lái để bắt đầu hành trình Bắc – Nam vào chiều 29 Tết, anh Nguyễn Lê Huỳnh, lái tàu SE3,4 của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội thủ thỉ chuyện đời lái tàu và những đêm giao thừa đón Tết trên tàu.

Sau 23 năm lái tàu chạy tuyến Hà Nội – Vinh – Đồng Hới, anh Huỳnh cho rằng, đã dấn thân vào nghề thì người lái tàu phải chịu nhiều gian truân, vất vả.

“Anh em chúng tôi vẫn thường xuyên đùa nhau nghề lái tàu phải “Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, lương bình thường và yêu rất… kém”, anh Huỳnh nói vui.

 

Chiều 30 Tết, nhiều lái tàu phải tạm xa gia đình và đón Tết trên tàu.

Vào dịp Tết, hầu hết người lái tàu đều phải nhận nhiệm vụ trực Tết. Để mỗi người đều cảm thấy thoải mái và chuẩn bị tinh thần đón Tết xa nhà, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội đã tổ chức… bốc thăm cho tài xế lịch trình và thời gian tàu chạy.

Vào thời khắc giao thừa, không ai muốn xa gia đình. Họ buồn có, bịn rịn có, thậm chí có cả nước mắt trong những cái Tết đầu tiên trên Tàu, nhưng đổi lại họ có niềm vui lớn, chở đi hàng triệu những niềm vui cho hành khách từ khắp mọi miền Tổ quốc.

Tết Quý Tỵ năm nay, anh Huỳnh không thể nhớ được là lần thứ mấy đón giao thừa trên tàu. Khác với ngày thường, anh và hàng chục cán bộ công nhân viên cùng hành khách đã được sống trong những phút giây đặc biệt.

Cả khách lẫn nhân viên đường sắt đã cùng nhau đón giao thừa trên đoàn tàu đang “xé toang” màn đêm.

Anh Huỳnh vẫn nhớ như in thời khắc giao thừa đầu tiên trên Tàu vào năm 1994 ở địa phận Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Cảm giác nhớ nhà, nhớ vợ vẫn còn nguyên trong ký ức của anh.

“Lấy vợ được 3 tháng thì nhận được lịch chạy vào đúng đêm 30. Thời đó chưa có điện thoại, ngồi trên tàu nghe tiếng xình xịch của bánh xe cọ vào đường ray lại thấy chạnh lòng, buồn man mác vì xa người thân”, anh Huỳnh nhớ lại.

Sống trong ‘đại gia đình’

Khóe mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, giọng nói đượm buồn, lái tàu Tạ Xuân Dũng (55 tuổi) bảo anh đã có hơn chục năm đón giao thừa trên đầu máy, nhà ga.

Năm 1994, tàu của anh Dũng dừng tại Ga Đồng Hới được nửa tiếng, đúng vào thời khắc thiêng liêng năm cũ chuyển sang năm mới. Lúc này trên tàu mọi người nhìn nhau với ánh mắt lặng lẽ, vừa mừng vừa tủi. Để rồi, sau đó vỡ òa lên tiếng hát, lời reo “Chúc mừng năm mới”.

Đón Tết với hành khách trên tàu cũng luôn đem lại cảm giác đặc biệt cho những lái tàu.

“Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được không khí đặc biệt chưa từng có trong đời. Đi trao quà, chúc Tết hành khách rồi nhận lại lời chúc ân tình từ họ. Những nụ cười, những cái bắt tay ấm tình đầy xúc cảm trong giây phút giao thời đã giúp chúng tôi vơi đi nỗi nhớ nhà. Không nói ra nhưng ai trong đoàn cũng cảm nhận được rằng tuy xa gia đình, nhưng bù lại lại được sống trong không khí của một đại gia đình mới”, anh Dũng trải lòng.

Để chuẩn bị cho lịch chạy tàu năm nay, trước Tết, lãnh đạo Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội đã bố trí cho các lái tàu thuộc những mác tàu xuất phát trong các ngày 29, 30, mùng 1, 2 Tết được nghỉ trước ngày xuất phát để lo việc gia đình.

Tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi trước Tết, anh Huỳnh đã sắm sửa cây quất, cành đào và ăn cùng gia đình bữa cơm tất niên cuối năm.

Bất chợt, đứa con trai học lớp 1 hỏi: “Sao nhà mình ăn Tết sớm thế bố?”. Lúc đó, anh Huỳnh chỉ biết im lặng khua nhanh bát cơm rồi đứng dậy như để giấu đi cảm xúc của mình.

Còn với anh Nguyễn Văn Chung, người có thâm niên ăn Tết 10 năm trời trên cả 5 tuyến tại 3 tỉnh thì mỗi lần giao thừa đến là lúc nước mắt rơi vì nhớ nhà.

“Nói lái tàu quen với ăn Tết xa nhà thành thói quen chỉ là câu cửa miệng để anh em động viên lẫn nhau. Bởi, ai chả muốn bên gia đình lúc này. 10 năm ăn Tết xa nhà thì có tới 9 lần tôi đã khóc” – anh Chung thành thật.

Theo Vietnamnet

From the same category