Đôi điều về bức tranh từ thiện mùa dịch bệnh - Tạp chí Đẹp

Đôi điều về bức tranh từ thiện mùa dịch bệnh

Sống

Nhóm từ thiện chính là phao cứu sinh, giúp người có hoàn cảnh khó khăn đứng vững giữa những trận càn quét của dịch bệnh. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh làm từ thiện mùa dịch, có lẽ vẫn còn nhiều điểm nên được nghĩ lại, và làm lại.

Ai cần được cứu trợ?

Từ hàm ý rộng lớn của “trong trận chiến này sẽ không có ai bị bỏ lại”, ta có thể hiểu “trong trận chiến này không một ai đáng bị phân biệt đối xử”. Ai cũng phải đối mặt với dịch bệnh, nhưng không phải ai cũng chịu ảnh hưởng ở mức ngang nhau. Thực tế, người nghèo và nhóm yếu thế phải chịu nhiều rủi ro nhất cũng như thiếu khả năng hồi phục nhất.

Nhiều người đã lãng quên một sự thật rằng, bất bình đẳng và chênh lệch giàu nghèo luôn là vấn đề ở các đô thị và thành phố lớn như TP.HCM. Và khó khăn từ dịch bệnh chỉ khiến vấn đề này nổi cộm hơn.

Nhóm xã hội chịu nhiều thiệt hại hơn cả chính là tầng lớp thu nhập thấp và dễ tổn thương như người già, người vô gia cư, thiếu kĩ năng lao động, người khuyết tật, di cư, người sống dựa vào nền kinh tế vỉa hè, người phụ thuộc vào chợ dân sinh truyền thống. Theo nghiên cứu, các đối tượng này được xếp vào nhóm nguy cơ vì các yếu tố sau: 1, chỗ ở chật chội tăng nguy cơ lây nhiễm; 2, lao động trong cách ngành nghề giản đơn không thể làm tại nhà; 3, Điều kiện lao động thấp và thu nhập không ổn định; 4, Nền tảng sức khỏe yếu hơn các nhóm xã hội khác; 5, Gặp nhiều cản trở khi tiếp cận dịch vụ y tế do rào cản ngôn ngữ, thái độ nhân viên.

Khi đối diện với lệnh phong tỏa, các nhóm xã hội này sẽ dần kiệt sức. Họ buộc phải đặt sức khỏe cộng đồng và kế sinh nhai lên bàn cân. Nếu căn cứ vào tháp nhu cầu của Maslow, bàn cân ấy chắc chắn bao giờ cũng lệch. Lúc này, các gói cứu trợ bằng tiền hoặc bằng lương thực phẩm, các mô hình từ thiện công và tư sẽ phần nào bù đắp vào khoản chênh lệch đó.

Các mô hình từ thiện hiện có

Trong đợt bùng dịch thứ 4, TP.HCM xuất hiện nhiều mô hình từ thiện 0 đồng. Chiếc tủ dinh dưỡng, tủ lạnh Thạch Sanh, siêu thị mini 0 đồng, gian hàng 0 đồng, thực phẩm lướt ống, ATM gạo, bánh mì 0 đồng, bếp ăn từ thiện,…vv… Tất cả đều được xây dựng trên tinh thần vắng tiền bạc nhưng đầy nghĩa tình giữa người với người, hướng sự giúp đỡ tới những người bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh (chủ yếu là người nghèo và nhóm yếu thế). Nhìn chung, các mô hình này đều đặt lương thực phẩm làm trọng tâm. Vì đây là cái cơ bản, cái thiết yếu, một phần vì nó mà những người lao động nghèo buộc phải ra đường bất chấp rủi ro lây nhiễm. Ngoài ra, mức sống ở các đô thị như TP.HCM xếp hàng cao trong cả nước, người dân nghèo nói riêng phải trầy trật để trả chi phí chỗ ở, tiền điện nước và các nhu cầu y tế. Vì vậy, họ cần tìm đến sự hỗ trợ thức ăn để bù trừ cho những chi phí kia.

Người nghèo và nhóm yếu thế vừa là nhóm nguy cơ vừa là nhóm cần nhận được nhiều chế độ an sinh xã hội.

Với người dân nghèo ở TP.HCM thời điểm này, những mô hình từ thiện chính là phao cứu sinh giữa trận càn quét của đại dịch. Khi thế giới bắt đầu xoay chuyển theo một trật tự mới, thì ở đó những sự bất bình thường cũng trở nên bình thường. Thì ở đó, một túi gạo mới tinh, một chai dầu ăn, một hộp sữa cũng có thể làm người ta bật khóc. Và biết đâu đấy, họ vốn dĩ đã kiệt sức và muốn buông xuôi, nhưng vì những nghĩa tình kia mà còn trụ lại.

Người nghèo và yếu thế vốn được đặt vào nhóm nguy cơ, và cùng một lúc đó, họ cũng nên được coi là nhóm cần nhận được nhiều nhất chế độ an sinh xã hội. Họ không có khoản dự trữ, tiết kiệm, cái khó khăn trước mắt khiến họ chưa thể nghĩ được cái khó xa hơn. Vì phải kiếm kế sinh nhai, chấp hành giãn cách với nhóm xã hội này là điều không thể nếu không có bất kì sự hỗ trợ nào. Chừng nào vẫn còn người “bần cùng” sinh ra phải vi phạm giãn cách, chừng ấy vẫn còn nhiều tiềm ẩn bất ổn xã hội.

Dưới chân ngọn nến

Trên mạng “nổi như cồn” video ông chú hào sảng, hoảng hồn đuổi theo anh xe ôm công nghệ để đưa cơm, nhắc nhiều về Sài Gòn bị “ốm”, Sài Gòn nghĩa tình. Nhưng bên cạnh những khoảng sáng, vẫn còn bóng tối dưới chân ngọn nến. Đó là bà cụ méo mó nói rằng, xin có miếng cơm mà người ta làm bà ngại quá. Hay chú bảo vệ đứng bên vệ đường, chưng hửng nghe người ta hỏi sao “không có mì tôm ăn mà mập vậy”.

Bài toán từ thiện xoay quanh câu nói “của cho không bằng cách cho”.

Những ngày vừa qua, cư dân mạng đặt nhiều câu hỏi về “cách cho”. “Đi xin đồ từ thiện thì không được mập”, người ta mỉa mai khi nhắc đến. Thực tình, cách nói “đi xin đồ từ thiện” đã phá hủy dường như tất cả. Giữa người cho và người nhận bỗng không còn vị thế cân bằng, mối quan hệ đó bỗng trở thành bề trên và bề dưới, người ban ơn và người chịu ơn. Tính nhân văn của việc làm từ thiện, cứu trợ bỗng chốc bay biến hết, thậm chí một vài bộ phận nghĩ tiêu cực về các nhóm làm từ thiện, tất cả suy cho cùng là vì “cách cho”. Bên cạnh video chú Năm Sang hào sảng, chạy theo đưa cơm

Rõ ràng, việc cho đi đã là đáng quý, nhưng cách cho cũng là một phần quan trọng. Cho mà không xúc phạm, không làm tổn thương ai, không cố tình làm người nhận cảm thấy “chịu ơn”, là người ở vị thế thấp hơn. Có thế thì việc làm từ thiện mới không vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Vì không đạt mục tiêu kiểm soát dịch, TP.HCM buộc phải tiếp tục giãn cách mà không biết khi nào sẽ kết thúc. Càng về sau cuộc chiến, mọi thứ càng trở nên căng thẳng. Giãn cách kéo dài khiến những người nghèo, người lao động phi chính thức càng thêm mệt mỏi. Đến một thời điểm nào đó trong cuộc chiến này, lòng tốt của con người cũng bị buộc phải lựa chọn. Có người cho rằng làm từ thiện là một bài toán. Bài toán về tấm lòng nên không có đơn vị đo đếm, và vì thế mà cũng là một bài toán khó, cần phải phân bua cho xong bên đúng bên sai rồi mới làm tiếp. Nhưng hãy nhìn vào bức tranh dịch tễ, nhìn vào số lượng lớn người cần cứu trợ khẩn cấp, nhìn vào tình hình ngày càng trở nên căng thẳng, nhìn thẳng vào lòng mình, và tự hỏi xem, liệu chúng ta có cần thiết phải chăm chú giải bài toán ấy nữa hay không? Khi chưa biết cách đặt bản thân vào hoàn cảnh của người yếu thế thì đừng nên làm từ thiện.

Tác giả: Hằng Trần

02/08/2021, 20:07