Đối diện với lời từ chối - Tạp chí Đẹp

Đối diện với lời từ chối

Sống

doi-dien-voi-loi-tu-choi-2

1. Chấp nhận cảm xúc của bản thân

Thay vì tự nhủ “chuyện chẳng có gì to tát”, hãy thành thật với cảm xúc của bản thân bạn, cho dù đó là nỗi tức giận, thất vọng, xấu hổ hay lo lắng. Đối mặt với những cảm giác chẳng mấy dễ chịu này chính là bài tập tinh thần lành mạnh và cần thiết để bạn có thể nhanh chóng lấy lại cân bằng.

2. Thay đổi cái nhìn về sự từ chối

Nếu bạn coi việc mình bị từ chối chẳng khác gì một thất bại ê chề, bạn đã bỏ lỡ một trải nghiệm thú vị nên có trong đời. Dưới góc độ tích cực, bị từ chối cho bạn cơ hội bước ra khỏi vùng an toàn của mình để mạo hiểm với những điều mới mẻ. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy bạn đang nỗ lực sống một cách trọn vẹn và ý nghĩa.

3. Không để cảm giác bị từ chối định hình con người bạn

Một thất bại không thể phản ánh toàn bộ con người bạn. Nếu một công ty không muốn nhận bạn, không có nghĩa là bạn kém cỏi. Khi người bạn yêu thương từ chối mối quan hệ, đừng vội trách móc bản thân. Hãy nhớ rằng, ngay cả những người bạn ngưỡng mộ cũng từng phải trải qua những cảm xúc tương tự như bạn mà thôi.

4. Đặt ra những kì vọng hợp lý

Cho dù bạn đang nộp đơn xin việc hay tỏ tình với một ai đó, hãy dự tính xác suất thành công dựa trên những thông tin mà bạn có được. Điều đó sẽ giúp bạn giảm nhẹ cảm giác thất vọng hay xấu hổ nếu bị từ chối. Tuy vậy, cũng đừng để những khó khăn trước mắt ngăn cản bạn thử sức với những điều mới mẻ.

doi-dien-voi-loi-tu-choi-3

5. Chia sẻ với bạn bè và người thân

Khi đối mặt với cảm giác bị từ chối, sự cô đơn sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Hãy cho phép bản thân than phiền hay trút nỗi tâm sự với một ai đó mà bạn tin tưởng. Sau đó, tiếp tục chuẩn bị thật tốt cho những cơ hội sau. Sự cảm thông thật ấm áp, nhưng đừng quá phụ thuộc vào nó.

6. Tiếp tục học hỏi

Đã bao nhiêu lần bạn nhìn lại quá khứ và nhận ra những bài học kinh nghiệm quý giá từ thất bại của bản thân? Thay vì gặm nhấm nỗi đau, hãy thẳng thắn nhìn nhận vấn đề và tự hỏi: “Mình học được gì từ trải nghiệm này?” hay “Mình làm chưa tốt ở điểm nào?”. Hãy biến mọi tình huống xảy đến với bạn thành cơ hội để mạnh mẽ và trưởng thành hơn.

Thực hiện: depweb

26/03/2018, 10:35