Đời “cô Biển” của “Sóng ở đáy sông”: Hồng nhan đa đoan

Người nghệ sĩ mang những giọt nước mắt trong phim vào đời

Diễn viên Minh Nguyệt

12 năm trước, sau khi thi trường sư phạm ở Hải Phòng, Minh Nguyệt đến thăm người dì ruột (chênh nhau 1 tuổi) đang học trường Trung học Âm nhạc ở Thành phố Hải Phòng chơi. Khi ấy, cô gái Minh Nguyệt có vẻ bề ngoài nhí nhảnh với đôi mắt to tròn, sâu thăm thẳm, cánh mũi cong vút, khuôn miệng tươi tắn và đặc biệt là có mái tóc dài tới đầu gối thật trẻ trung, xinh đẹp, dồi dào sức trẻ. Khi hai dì cháu đi qua sân trường, vô tình gặp thầy Phó hiệu trưởng trường là Nguyễn Nguyên Hải, chính thầy đã phát hiện ra tố chất nghệ thuật của Minh Nguyệt và khuyên chị nên theo nghệ thuật.

Dường như có duyên với con đường nghệ thuật, mặc dù ước mơ của Minh Nguyệt lúc ấy là trở thành một cô giáo nhưng trong kì thi vào trường sư phạm, chị lại thiếu 1 điểm. Giấc mộng không thành, giữa lúc cô cháu gái chưa biết sẽ đi học gì thì người dì ruột “dụ” tới trường mình học. Khi ấy, Minh Nguyệt chỉ nghĩ chuyện đi học cho vui, cộng với lời khuyên của thầy Hải đã khiến chị tặc lưỡi đồng ý.

Bước vào trường, Minh Nguyệt không có một chút cơ bản về nghệ thuật, chị không biết chèo, tuồng hay kịch gì là. Thế nhưng khi nhìn thấy các chị, các thầy cô trong lớp kịch, lớp chèo đều muốn Minh Nguyệt về lớp mình, bởi các thầy cô tin, khuôn mặt đậm chất biểu cảm sẽ giúp chị trở thành một nghệ sĩ tài năng. Có một cô giáo phụ trách lớp chèo nhất quyết đòi chị về cho bằng được vì: “Cái mặt nó như vậy chỉ hợp với diễn chèo nhất”. Nhưng rồi cuối cùng Minh Nguyệt lại xin vào học lớp kịch của thầy Nguyễn Nguyên Hải.

Minh Nguyệt nhanh nhẹn, hòa đồng nên trong suốt 2 năm học, chị là cô lớp trưởng học giỏi, luôn ẵm những học bổng của Thụy Điển tài trợ cho trường. Thời ấy, chị vẫn được biết tới với danh hiệu Nguyệt “tóc dài”, bởi mái tóc đen dài tới đầu gối luôn thả ra sau lưng hay được tết đuôi sam. Vẻ đẹp thuần khiết và sáng trong của chị được nhiều đạo diễn một số Đoàn kịch, Đài truyền hình ở Hải Phòng chú ý tới rất sớm. Ngay từ năm đầu tiên, Minh Nguyệt đã bắt đầu kí hợp đồng dẫn chương trình kết quả sổ xố của thành phố. Số tiền lương hàng tháng cũng đủ để chị tự lập mà không cần phải xin tiền trợ cấp của bố mẹ. Bắt đầu năm thứ hai, chị được mời tham dự một số dự án phim truyền hình, phim dài tập cho Văn nghệ Chủ nhật.

Bộ phim đầu tay chị tham gia “Người đàn bà hủi”, của Hãng phim truyện Việt Nam, chị được mời vào vai chính. Đó là dịp chị về Hải Dương quay một bộ phim ngắn, cũng tại phim trường ngày hôm ấy, ê kíp của đoàn làm phim “Người đàn bà hủi” cũng tới “săn” diễn viên nhân vật chính cho bộ phim. Khi 2 đoàn làm phim chạm trán, anh Trọng Hùng thoáng nhìn thấy một cô gái tóc dài lướt qua trước mặt, anh reo lên “Đây mới là nhân vật tôi cần tìm”. Bị “ốp” từ ngay lần đầu tiên nhưng đó lại là duyên cơ để sự nghiệp của Minh Nguyệt bước sang trang mới, đưa tên tuổi chị ra khỏi Hải Phòng để được khán giả cả nước biết tới.

Nhiều đồng nghiệp nhận xét: “Minh Nguyệt vào vai “điên” rất ngọt”. Đó có thể là một lời khen cho khả năng diễn xuất của chị, nhưng nó cũng như một định mệnh gắn luôn vào cuộc đời chị mà từ sau vai diễn đầu tiên và cho kể tới sau này, cái tên Minh Nguyệt vẫn là sự lựa chọn sáng giá cho những vai diễn góc cạnh, có chiều sâu nội tâm. Lúc thì chị vào vai những cô du kích, những phụ nữ chất phác chịu thương chịu khó nhưng chịu nhiều đắng cay, tủi nhục. Còn cao hơn sẽ là những vai điên dở, chất chứa đầy tâm trạng của số phận. Sau vai Biển của “Sóng ở đáy sông”, Minh Nguyệt được nhiều nhà đạo diễn tìm gặp để làm nên Lanh (“Những đứa con vùng đồi”), cô Thơm (“Nếp nhà”) …, những vai diễn ấy đã lấy bao nhiêu giọt nước mắt của khán giả từ chính những giọt nước mắt của chị.

Mỗi lần gặp chị, thấy đôi mắt đỏ hoe thì chắc chắn rằng chị vừa vào một vai diễn cần tới những giọt nước mắt. “Người diễn viên muốn vào vai giỏi, kể cả diễn khóc, cười, hay điên, trước hết người ta phải sống với nhân vật ấy”. Như một cảnh quay của bộ phim “Bí mật tam giác vàng” sắp được trình chiếu trên VTV, trong một phân cảnh, đạo diễn yêu cầu một cô diễn viên phải diễn cảnh khóc khi cha mất thật cảm động. Thế mà không hiểu sao, cô diễn viên kia lại cứ “thộn” mặt ra tới hơn 30 phút đồng hồ mà vẫn chưa diễn được dù sự thật cô ấy vừa mất cha hơn 3 tháng. Thấy vậy, đạo diễn đẩy chị vào để “dụ” cô diễn viên kia. Chị khóc ngon lành, khóc tức tưởi, khóc không thành tiếng mà nước mắt cứ lã chã trên khuôn mặt … thế là lại thêm một phân cảnh cho Minh Nguyệt.

Trong số những nghệ sĩ thân thiết và yêu quý Minh Nguyệt nhất, có lẽ phải kể tới Nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền. Thanh Thanh Hiền cũng là một nghệ sĩ có nhiều những nỗi niềm tương đồng cảnh ngộ với Minh Nguyệt. Ít nhất giữa họ cũng có nỗi đồng cảm của người đàn bà cô đơn sau khi đường tơ duyên hôn nhân đứt gánh giữa chừng. Minh Nguyệt và Thanh Thanh Hiền mới quen nhau chỉ một hai năm nay, nhưng Thanh Thanh Hiền đã từng xem nhiều bộ phim của Nguyệt, đặc biệt ấn tượng sâu đậm với nhân vật Nga (tên nhân vật trong “Người đàn bà hủi”). Chính Nga trong phim đã lấy đi những giọt nước mắt của Thanh Thanh Hiền, thành ra cứ nhất định Nguyệt là Nga chứ không phải là tên nào khác.

Nhưng có lẽ Minh Nguyệt không nghĩ rằng chính những vai diễn cô Nga, cô Lanh … đều là một cô Nga, cô Lanh thật ngoài đời. Người xưa thường bảo, “hồng nhan bạc phận”, bây giờ câu nói ấy dường như không thực sự còn phù hợp với thời đại ngày nay khi mà hồng nhan đã thành bạc vàng nhưng với Nguyệt, chị lại rơi vào chính cái vòng xoáy nghiệt ngã ấy. Vẻ đẹp mặn mòi, rạng rỡ đã khiến bao con mắt phải ngỡ ngàng khi biết chị đã gần 40 tuổi, cũng chẳng ai nghĩ đó là một người phụ nữ gặp nhiều những trắc trở trong cuộc sống. Ai đó gặp chị, nghe chị cười nói, chị hồn nhiên, không một lời than rằng: “Đời mình buồn lắm”. Hơn 15 năm buồn có, vui có, cả những vấp ngã và thăng hoa trong sự nghiệp chị đã học được cách lạc quan, nhìn về hiện tại để sống.

“Sóng ở đáy sông” của người đàn bà “giỏi” khóc

Hồi đi học, Minh Nguyệt vẫn thường hay để tóc cột bím hai bên trông thật dịu dàng, xinh đẹp, biết bao người theo đuổi, mê mẩn chị. Trong đó có anh, người mà sau này chị vẫn gọi là “bố thằng cu con”. Anh học trên chị một khóa khi ở trong trường Trung học Nghệ thuật. Anh cũng như bao nhiêu “cây si” khác, cũng hâm mộ cô gái tóc dài mà vẻ đẹp và tài năng đã nổi như “cồn” trong trường. Những ngày đầu chị không để ý tới anh bởi lịch học và lịch làm thêm, đi quay phim, đi diễn dày đặc nhưng anh vẫn kiên trì theo đuổi chị. Một năm sau, chị nhận lời yêu anh, chị đến với anh là mối tình đầu tiên nên chị hoàn toàn yêu và ngây thơ và tình đầu sáng trong.

Còn anh, vì quá yêu nên lúc nào cũng bên cạnh lo lắng, chăm sóc cho chị, dần dần tình yêu trở thành nỗi bao bọc thái quá. Nhất là khi chị liên tiếp được mời vào tham gia nhiều dự án phim, khiến cho anh ngày càng có những nỗi ám ảnh sẽ mất người yêu. Vì vậy, chị đi đâu làm gì cũng phải nói với anh biết hết, hoặc phải có anh “tháp tùng”. Nhiều khi chị cảm thấy mệt mỏi và bó buộc nhưng yêu anh, chị lại tự nhủ rằng cũng chỉ vì anh quá yêu mình nên mới như vậy.

Khi Minh Nguyệt tham gia bộ phim “Sóng ở đáy sông”, phim trường cách nhà gần 15km, trời nắng chang chang nhưng anh vẫn đạp xe đưa đón chị đi về cho bằng được. Nhiều lần anh còn nhất quyết ở lại chờ chị diễn xong rồi đèo chị về luôn và điều ấy không ít lần ảnh hưởng tới việc đóng phim của chị. Nhiều lần như vậy, diễn viên Xuân Bắc khi đó đóng vai anh Núi (anh trai của cô Biển) gặp anh là trêu: “Chào người chăm chỉ nhất Hải Phòng …”

Khi ra trường được một năm, mối tình của anh chị phát triển thành hôn nhân. Anh vì muốn được gần chị, nên bắt vợ chuyển từ Đoàn kịch Hải Phòng sang Đoàn kịch Sóng biển. Chị yêu anh nên đồng ý chuyển cơ quan nhưng không ngờ đó lại là một trong những nguyên nhân tan vỡ khi mức độ ghen tuông của anh ngày càng nghiêm trọng. Sau khi sang cơ quan mới, Minh Nguyệt luôn được sắm vào vai chính nhưng số lương 300 nghìn đồng/tháng không đủ cho vợ chồng và đứa con sắp chào đời. Vậy là ngoài những vai diễn, chị lại có thêm việc tìm những hợp đồng biểu diễn cho đoàn để có thêm thu nhập cho anh em. Thế nhưng điều ấy lại khiến anh khó chịu.

Sau khi Minh Nguyệt sinh con được mấy tháng, chưa hết thời gian “nằm ổ”, chị lại đi làm trở lại vì nhớ nghề và cần tiền để lo cho con. Cứ như thế, Minh Nguyệt bị cuốn vào cuộc sống, cơm áo gạo tiền, chăm sóc chồng con. Những tưởng như vậy, chồng sẽ hiểu và trân trọng chị nhưng anh ngày càng kiềm tỏa vợ hơn. Đã bao lần chị tìm cách tâm sự, khuyên nhủ chồng nhưng anh cũng chỉ nghe được vài ba ngày, còn đâu lại vào đấy bởi đó đã là con người, bản chất của anh. Mặc dù cũng là nghệ sĩ nhưng trong quãng thời gian là vợ chồng, Minh Nguyệt đi đâu làm gì cũng phải được phép của anh. Ngoài giờ làm việc trên cơ quan, chị chỉ được làm một bộ phim ngắn, còn nhiều bộ phim lớn, chị phải từ chối.

Hai sự bất đồng quá lớn nhưng không có một tiếng nói chung đã khiến cho tình cảm vợ chồng ngày càng rạn nứt, không khí gia đình ngày một nặng nề, căng thẳng mà chị không thể tự mình cứu vãn nổi. Mặc dù luôn kiềm tỏa vợ, nhưng anh lại dành nhiều thời gian cho những thú vui khác bên ngoài. Trong khi đó mọi gánh vác cuộc sống đều đè lên đôi vai gầy của chị. Chị phải bon chen kiếm tiền nuôi con nhưng trong suốt 5 năm ấy, chị không được là mình, không được làm nghề. Trước đây, mỗi khi xung đột với anh, chị đều rất buồn, lúc nào mắt chị cũng đỏ hoe chực khóc. Đôi lúc chị thấy hối hận vì đã quá ngây thơ trong chuyện tình cảm, giá như hồi ấy chị biết nghĩ sâu sắc hơn.

Gần chục năm rồi, giờ khi chị đã là người đàn bà từng trải, chị đã không còn buồn hay trách cho sự lỡ làng của mình. Chị xem đó là số phận của cuộc đời: “Chỉ như vậy chị mới cảm thấy mình sống thanh thản, nhẹ nhàng hơn…” Khi hai vợ chồng chị chia tay, mong muốn lớn nhất của chị là được nuôi con trai bởi đó là tài sản quý giá nhất của chị. Ngôi nhà mà anh chị cóp nhặt, vay mượn để mua được ở Hải Phòng là nơi chứa nhiều kỉ niệm của gia đình chị. Đáng lẽ nó phải được bán đi nhưng chị nhất định muốn giữ lại cho con trai nên đã chạy vạy vay mượn bạn bè để đưa cho anh số tiền giá trị bằng nửa căn nhà.

4 “nguyên tắc” dạy con trưởng thành của bà mẹ đơn thân

Sau khi chia tay, Minh Nguyệt nhận ra rằng chị không có điều gì trong tay, trong suốt 7 năm qua, chị đã mất mát quá nhiều, sự nghiệp, thời gian, tình yêu … vì anh, trong nhiều năm qua, chị đã không dám nhận bất cứ vai diễn phim nào, họa chăng chỉ là những phim ngắn, vở kịch của đoàn. 7 năm sau khi chị lấy chồng, sinh con và mất bóng trên phim trường, chị đã trở lại làm lại từ đầu. Nhiều đạo diễn, nhà làm phim nhớ tới chị đã xuống tận Hải Phòng mời chị tham gia vào những dự án phim lớn. Cơ hội trở lại với nghề là một niềm hạnh phúc, là cơ hội để chị tạo dựng lại vị trí nghệ thuật của mình. Nhưng giữa lúc vợ chồng chia tay, bé Nhật Long mới 6 tuổi, con trai cần có sự quan tâm gấp đôi của người mẹ, chị không đành lòng bỏ con cho bố mẹ đẻ để đi quay phim hàng tháng trời.

Vậy là một lần nữa chị lại ngậm ngùi từ chối những vai diễn dài hơi, chỉ dám nhận những vai ngắn chỉ quay vài ba ngày. Ngày ngày, sáng đi tối về, chị phải đi về gần 30 cây số từ cơ quan về nhà mẹ đẻ để được gần gũi chăm sóc cho con. Cứ thế vài năm, chị chăm chỉ đi làm, những vai nhỏ, vai quần chúng, chị đều nhận, chỉ mong kiếm được tiền trang trải cho cuộc sống hai mẹ con mà không cần bất cứ một đồng trợ cấp nào từ “bố thằng cu con”. Cho tới khi Nhật Long đã hơn 10 tuổi, chị mới dám nhận những vai diễn đi xa một chút. Vài năm gần đây, chị đã trở lại với nhiều vai diễn dài hơi trong một số bộ phim nổi tiếng, có vấn đề xã hội cao như: “Những đứa con vùng đồi”, “Nếp nhà”, “Cổ vật”, “Cỏ lông chông” …

Minh Nguyệt tâm sự, khi còn con gái, chị khá chậm chạp nhưng kể từ khi lấy chồng, có chị, chị “phải” trở nên nhanh nhẹn đến nỗi cha mẹ và người thân, bạn bè đều phải kinh ngạc. Đơn giản như ngôi nhà 4 tầng, chị có thể lau dọn sạch sẽ trong vòng 30 phút, bát đĩa lúc nào cũng chỉ rửa trong 5 phút mà vẫn sạch bóng. Đối với Nhật Long, cậu được mẹ dạy dỗ cẩn thận, đặc biệt là cách ăn nói, cư xử và làm việc sao cho đúng cách và đúng khoa học. Những lúc chị đi quay phim, công việc ở nhà, chị giao cho con phải được làm hết trước khi chị về. Nếu cậu bé làm không đúng yêu cầu hay làm chậm, chị sẽ bắt làm lại cho lúc nào đúng “tiêu chuẩn” thì thôi. Minh Nguyệt không là người kĩ tính, thích hoàn hảo, ngược lại chị rất dễ tính, nhưng sự nghiêm khắc với con trai chính là để cho con có thể tự lập trong cuộc sống: “Mình không muốn Nhật Long ra đời mà bỡ ngỡ như “gà con lạc mẹ” vậy …”

Làm diễn viên vô cùng vất vả khi phải thường xuyên di chuyển và xa nhà nên bố mẹ chị luôn có ý chăm sóc Nhật Long cho con gái yên tâm đi làm nhưng chị không đồng ý bởi chị sợ con được ông bà nuông chiều mà sinh hư. Bên cạnh đó, Minh Nguyệt sợ rằng việc không có mẹ bên cạnh khiến con trai không có sự định hướng rỡ ràng trong giáo dục khi chịu ảnh hưởng nhiều cách giáo dục khác nhau. Minh Nguyệt biết làm một bà mẹ đơn thân thật chẳng dễ dàng gì khi thiếu đi tiếng nói của người đàn ông. Nhiều người từng sợ chị sẽ không đủ sức để vừa làm cha vừa làm mẹ nhưng sự thật chuyện giáo dục con của chị khiến người ta ngạc nhiên.

Minh Nguyệt đặt ra 4 nguyên tắc cho con trai ghi nhớ. Điều đầu tiên là mẹ không phải là nghệ sĩ giàu, vì vậy không phải con muốn gì cũng được. Đơn giản như chuyện đóng tiền học của Nhật Long, có khi chị đưa cho con đóng sớm, có khi chị lại đóng muộn, thậm chí để cô giáo nhắc tên bởi chị muốn con hiểu được đồng tiền chị kiếm được vất vả thế nào. Chị vẫn thường nói với con trai rằng: “Mẹ không ép con phải cố gắng thông minh như các bạn khác, chỉ cần con tập trung học hành để không phí phạm thời gian và mồ hôi nước mắt mẹ làm để nuôi con …” Điều thứ hai: giờ giấc đi về luôn đúng quy định. Nếu về muộn quá 30 phút, không có lí do chính đáng thì con trai sẽ bị phạt. Nhật Long từng kể với tôi rằng: “Khi nào cháu phạm lỗi, mẹ cháu có nhiều biện pháp xử lí lắm nhưng sợ nhất vẫn là việc mẹ cháu không nói chuyện với cháu, điều ấy còn sợ hơn cả đòn roi cô ạ”. Điều thứ ba là mọi công việc trong nhà đều phải phụ giúp mẹ, những việc gì làm được phải tự làm và học làm không được ỷ lại cho người khác. Điều thứ tư là mẹ luôn bình đẳng, tôn trọng con. Vì vậy, kể cả chuyện chị mặc gì, mua gì, chị đều mong muốn con trai góp ý.  Nhật Long 14 tuổi nhưng so với những bạn cùng lứa, cậu ngoan ngoãn và chững chạc lắm.

“Con trai muốn tôi lấy chồng”

Minh Nguyệt lên Hà Nội lập nghiệp tại Đoàn kịch Hà Nội cách đây 2 năm, sau khi ổn định công việc, chị đón con trai lên ở cùng cũng được 1 năm nay. Một tháng đôi ba lần, hai mẹ con chị lại tranh thủ ngày nghỉ chạy xe máy về Hải Phòng. Nhiều khi bận việc, con trai muốn về nhà, cậu có thể tự bắt xe ô tô về nhà chơi với ông bà và bạn bè ở Hải Phòng. Ngôi nhà ở Hải Phòng là nơi chứa nhiều kỉ niệm của gia đình, chị muốn dành ngôi nhà ấy cho con cũng là để có chốn đi về cho hai mẹ con. Vì vậy mà bạn bè bảo chị bán nhà đi để lên Hà Nội mua nhà mới nhưng chị không đồng ý bởi: nếu bán nhà thì tiền ấy cũng chỉ đủ mua được 1/10 ngôi nhà nhỏ mà chị đang ở trong ngõ Thông Phong (Tôn Đức Thắng) bây giờ.

Từ khi con trai chị lên Hà Nội, chị đã chuyển nhà tới 4 lần, lần thứ 4 chị may mắn thuê được một ngôi nhà tuy nhỏ hẹp nhưng lại được cho thuê lâu dài. Lên thủ đô, Minh Nguyệt có nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp nhưng cuộc sống nơi đô thành vô cùng vất vả với người mẹ đơn thân như chị. Hiện tại, lương Nhà hát kịch chỉ gần đủ cho chị trả tiền nhà ở, còn nguồn thu khác trang trải cho cuộc sống mẹ con chị đều ở cát xê đóng phim. Nhưng những dự án phim chị nhận được cũng rất bấp bênh, tháng có tháng không và tiền cát xê chỉ thường dao động dăm ba triệu cho một bộ phim ngắn. Thu nhập ấy cũng chỉ mới tạm đủ sống chứ nói gì tới chuyện mua nhà trên Hà Nội.

Đã gần 10 năm nay, Minh Nguyệt chưa thật sự mở lòng mình với ai. Một người phụ nữ xinh đẹp và tài năng như chị dù có nhiều người theo đuổi nhưng cũng thật sự khó khăn. Bởi ngoài tình yêu, chị còn bị ràng buộc bởi con trai và tình yêu nghề nên đôi khi tình yêu với chị cũng có những sự tính toán cẩn thận để mọi thứ không là “vết xe đổ” lần thứ hai. Minh Nguyệt sợ rằng nếu mình lấy “người ta” rồi, Nhật Long sẽ bị san sẻ tình cảm của mẹ, thậm chí không được quan tâm như trước. Kể từ khi chia tay chồng, mọi tình yêu thương chị dành hết cho con, chị xem đó như là tài sản, là hạnh phúc lớn nhất mà chị có thể hy sinh hạnh phúc riêng cho con. Nhiều khi thấy những sợi tóc bạc lấm tấm trên mái tóc đen mượt của mẹ, lại thêm căn bệnh đau dạ dày, con trai lại muốn chị nên tìm ai đó để làm chỗ dựa cho mình. Nhưng chuyện ấy thật chẳng dễ dàng.

Từng có người đàn ông giàu có muốn tới với chị nhưng lại muốn chị gửi con về ngoại, hàng tháng anh sẽ chu cấp đầy đủ cho con. Nghe vậy, chị đã từ chối thẳng: “Con em phải ở với em”. Có người đàn ông tuy không giàu nhưng tốt bụng, yêu thương cả hai mẹ con chị, vẫn theo đuổi chị nhiều năm nay. Thậm chí cậu con trai cũng rất yêu quý “người ấy”, nhiều lần còn phải khuyên chị nên đồng ý nhưng chị cũng từ chối bởi lấy anh, chị phải bỏ nghề, ở nhà làm bà nội trợ. Minh Nguyệt không ngại ngần nói với người đó rằng: Diễn viên không chỉ là một nghề để chị nuôi sống mình và con trai mà còn là một niềm đam mê của cuộc đời mà chị không thể rời bỏ nó.

Đôi khi quá mệt mỏi vì suy nghĩ, chị lại tặc lưỡi, tự nhủ: “Cứ sống như thế này là tốt nhất, chẳng phải lo nghĩ nhiều. Đợi khi con trai trưởng thành nếu ai yêu thương thạt mình cũng sẽ tính. Còn bây giờ cứ đến đâu hay đến đó.” Mong ước lớn nhất của người phụ nữ ấy bây giờ là cả hai mẹ con có được sức khỏe tốt, còn tiền thì kiếm được bao nhiêu thì cũng được. “Kể cả có rau ăn rau, có mắm ăn mắm nhưng chỉ mong hai mẹ con cứ sống mạnh khỏe, vui vẻ như bây giờ …”

Sao Chi (theo Đang yêu)


From the same category