“Đọc vị” sức khỏe qua da - Tạp chí Đẹp

“Đọc vị” sức khỏe qua da

Sức Khỏe

Da là cơ quan lớn nhất, cũng là hàng rào bảo vệ cơ thể, chống chọi với môi trường bên ngoài. Việc quan sát, chăm sóc da không chỉ là khoản đầu tư cho vẻ ngoài tuyệt mỹ, mà còn là cách bạn quan tâm tới những vấn đề sức khỏe tổng thể của chính mình. Bởi làn da có thể phản ánh nhiều bệnh lý tiềm ẩn, phát tín hiệu cho bạn nhận diện tình trạng sức khỏe bản thân.

Da khô bất thường

Collagen đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cấu trúc cho da. Chúng làm tăng sự đàn hồi da và chống lão hóa, đồng thời giúp xương; tóc; răng; móng được chắc khỏe. Tuy nhiên, càng lớn tuổi lượng collagen suy giảm nhanh chóng, dẫn đến tình trạng khô da. Bên cạnh đó, thời tiết, môi trường thiếu độ ẩm, thói quen tắm nước nóng, uống không đủ nước, sử dụng mỹ phẩm không phù hợp cũng là những nguyên nhân góp phần làm khô da. Mặt khác, nếu tình trạng da khô không xuất phát từ các yếu tố trên, bạn nên trao đổi với bác sĩ vì có thể sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề. Đây là một trong những dấu hiệu của chứng suy giáp trạng, đái tháo đường, viêm da dị ứng, cơ thể thiếu dưỡng chất. Nếu tình trạng này tác động đến vùng da ở khu vực chân, đây cũng có thể là triệu chứng của xơ vữa động mạch, hẹp động mạch…

Nhiều mảng sẫm màu

Tình trạng da biến đổi màu sắc ở các nếp nhăn, nếp gấp xung quanh vùng nách và cổ thường được gọi là gai đen – acanthosis nigricans. Đây có thể là tín hiệu cảnh báo sớm của bệnh đái tháo đường loại 2, căn bệnh có tương quan với lượng hormone insulin tăng cao. Lượng insulin dư thừa trong máu có thể gây ra sự tăng trưởng bất thường của các tế bào da. Acanthosis nigricans cũng có thể là dấu hiệu nguy hiểm của khối u ung thư trong các cơ quan như dạ dày hoặc gan, do tế bào ung thư tiết ra một hợp chất gây đen da. 

Những mảng màu trắng

Không chỉ các mảng sẫm màu, mà những mảng trắng trên cơ thể cũng có thể tiềm ẩn nhiều điều đáng lưu tâm. Các mảng da trắng thường xuất hiện ở những nơi mà melanin (tế bào tạo ra sắc tố da hoặc màu da) đã bị phá hủy. Đây thường là biểu hiện của bệnh bạch biến, khởi phát tại các vị trí dễ bị cọ xát và ánh sáng chiếu trực tiếp vào như mặt, cổ, mu bàn tay, ngón tay… Đôi khi, đốm trắng trên móng tay còn đang báo hiệu sự thiếu hụt lượng vitamin và khoáng chất, cũng như bệnh lý về gan và thận.

Làn da, môi, niêm mạc nhợt nhạt

Nếu không phải do thời tiết hay chấn thương thì đây có thể là dấu hiệu thường thấy ở những người bị thiếu máu. Nguyên nhân do lượng sắt trong cơ thể không đủ tạo ra huyết sắc tố hemoglobin – loại protein có trong tế bào hồng cầu, tạo nên màu đỏ tươi của máu. Tông màu trắng nhợt nhạt này cũng phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng từ vitamin B12, loại vitamin hình thành nên các tế bào hồng cầu. Không chỉ vậy, làn da hay niêm mạc nhợt nhạt cũng là một trong những triệu chứng của tình trạng hạ đường huyết, do dư thừa insulin trong cơ thể. 

Bọng mắt

Khi thấy bọng mắt, chúng ta thường nghĩ ngay đến lý do thiếu ngủ. Tuy nhiên, đây cũng là biểu hiện của một chế độ ăn nhiều muối, các thực phẩm giàu natri, thúc đẩy sự tích tụ nước trong cơ thể, trong đó có vùng da dưới mắt. Một số chứng dị ứng mãn tính cũng có thể để lại dấu tích trên đôi mắt bằng cách làm giãn các mạch máu và khiến cho chúng rò rỉ, từ đó gây ra tình trạng phù, bọng và thâm quầng ở mắt. Bọng mắt thường vô hại, nhưng nếu tình trạng này ảnh hưởng đến thị lực, gây kích ứng, đau đầu kèm theo phát ban da thì bạn nên thăm khám, điều trị trong thời gian sớm. Vì đó có thể là triệu chứng của bệnh mắt tuyến giáp, nhiễm trùng, bệnh mô liên kết hoặc dị ứng.

Nếp nhăn sâu

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người có nhiều nếp nhăn sâu ở cổ và mặt thường có mật độ xương thấp ở hông, xương sống và gót chân. Nếp nhăn càng sâu thì mật độ xương càng thấp, dễ làm tăng nguy cơ loãng xương. Hơn hết, lượng collagen trên da và trong xương tương tự nhau, cho nên sự thiếu hụt collagen gây ra nếp nhăn cũng có thể làm tình trạng xương xấu đi. Nghiêm trọng hơn, nếp nhăn xuất hiện trên thùy tai có thể đang cảnh báo các vấn đề về tim mạch. Nguyên nhân do sự “sụp đổ” của các mạch máu nhỏ chảy đến tai ảnh hưởng từ những thay đổi của mạch máu bao quanh tim. Ngoài ra, các nếp nhăn cũng là tín hiệu trực quan phản ánh chế độ ăn uống thường ngày đang chứa nhiều đường. Việc tiêu thụ nhiều đồ ngọt có thể khiến làm tăng tốc độ lão hóa da, hình thành các nếp nhăn và vết chân chim. 

Hàm dưới và cằm có nhiều mụn

Đây là dấu hiệu của sự mất cân bằng hormone, chẳng hạn như hội chứng đa nang buồng trứng. Với tình trạng bệnh này, ngoài mụn ở đường viền hàm dưới và cằm còn đi kèm với lông ở ria mép, cằm hoặc ngực phát triển rậm hơn mức bình thường. Các nốt mụn ở vùng cằm cũng là tín hiệu cho thấy tâm trí của bạn đang bị quá tải và căng thẳng. Khi đó, cơ thể sẽ giải phóng hormone căng thẳng cortisol, làm tăng lưu lượng máu lên mặt và kích thích tuyến bã nhờn sản xuất nhiều dầu hơn. Điều này có thể dẫn đến phát ban, mẩn đỏ và gây mụn ở đường viền hàm. Mặt khác, rối loạn giấc ngủ có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, làm tăng lượng đường trong máu, thúc đẩy các nốt mụn phát triển mạnh mẽ hơn. 

Quan sát nốt ruồi

Đa số các nốt ruồi đều vô hại nhưng cũng có một số loại có thể phát triển thành khối u ác tính, dẫn đến ung thư da. Thời gian tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời gay gắt có thể gây hại cho da, bởi tia UV có thể phá hủy DNA bên trong tế bào hắc tố, làm da xuất hiện những nốt ruồi bất thường. Vì thế, bạn cần quan sát kỹ màu sắc, hình dạng, kích thước ở các nốt ruồi trên da để kịp thời phát hiện bệnh. Đặc biệt, nốt ruồi đột nhiên to dần lên, ngứa, sưng đỏ, kèm các nốt ruồi “vệ tinh” nhỏ hơn bên cạnh là dấu hiệu của u ác tính. Nếu nốt ruồi như hình con nhện (đường kính khoảng 0.2 – 2cm, có chấm nhỏ ở giữa, nhiều sợi dây màu đỏ xung quanh, khi ấn vào thì mạng nhện biến mất), có thể là dấu hiệu của bệnh xơ gan.

Dù là hàng rào bảo vệ cơ thể, song làn da vẫn “mỏng manh” trước nhiều yếu tố gây hại của môi trường. Làn da có thể dễ dàng phản ánh trực quan các tổn thương của cơ thể, giúp bạn nhanh chóng phát hiện những bất thường về sức khỏe. Chính vì thế, bạn nên xây dựng quy trình chăm sóc da khoa học và dành thời gian thư giãn, vận động thể chất, duy trì lối sống lành mạnh để chăm sóc bản thân từ sâu bên trong, cũng như ngăn ngừa các vấn đề bệnh lý tiềm ẩn. 

Tác giả: Như Thảo

11/09/2024, 12:24