Tôi vừa bước qua tuổi 36 vào tuần trước. Thật kỳ lạ, hồi 30 rồi 35 tuổi, những cột mốc mà người ta hay sợ hãi, tôi thấy cũng bình thường, không có mấy khác biệt. Nhưng 36, chà, nó khiến tôi hoang mang nhiều hơn tôi tưởng.
Buổi sáng ngày tôi 36 tuổi, tôi bất giác tự hỏi: “Vậy nghĩa là mình đã gần 40, liệu được gọi là trung niên chưa nhỉ?”. Ngày hôm đó, tôi soi gương và nhận thấy những nếp nhăn ở đuôi mắt mình đã trở nên rõ hơn, mặc cho bao nhiêu lọ mỹ phẩm chống lão hóa mà tôi đã thành kính bôi đắp trong suốt nhiều năm qua, bao nhiêu ống collagen thần thánh tôi đã kiên nhẫn nạp vào người.
Cũng trong buổi sáng hôm ấy, tôi có chút lo lắng khi nghĩ về buồng trứng và cả khả năng tình dục của mình. Lần đầu tiên tôi thấy sợ hãi thời gian, tôi sợ mình sẽ già đi, tôi sợ sức khỏe và nhiệt huyết của mình sẽ vơi cạn dần theo năm tháng, tôi sợ những ước mơ và kế hoạch của mình sẽ không thành…
Nghĩ mông lung, tôi mở máy tính và lên mạng xã hội, có chút thở phào khi nhận ra hầu hết bạn bè tôi ở tuổi 36 đều trông như là 36: họ cũng có đầy những nếp nhăn vì bao lo toan, nhọc nhằn của đời sống, có lẽ vài người trong số họ đang thực sự gặp vấn đề về buồng trứng và khả năng tình dục, họ cũng than thở sao thời gian trôi qua nhanh quá, và họ cũng có những lo nghĩ về tương lai.
Tôi vốn luôn nghĩ mình mạnh mẽ. Mọi người xung quanh cũng thường xem tôi như một ví dụ điển hình của kiểu phụ nữ độc lập, có chính kiến, chu du khắp nơi, chuyên hô hào nữ quyền và luôn trông có vẻ ổn dù chuyện gì xảy ra. Nhưng vào buổi sáng năm tôi 36 tuổi, tôi chợt nghĩ rằng có lẽ đã đến lúc tôi cần một cuộc đối thoại chân thành với cái phần xúc động, mong manh, dễ khóc, dễ buồn bên trong mình. Cái phần mà tôi biết là nó vẫn luôn ở đó, luôn song hành cùng tôi qua bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu hành trình nội tâm nhưng chưa bao giờ được tôi thừa nhận. Tôi thường cố giấu đi sự u sầu yếu đuối của mình và nhấn nó chìm sâu dưới muôn ngàn lớp cảm xúc khác. Tôi không thể nhớ nổi lần cuối cùng mình khóc trước mặt người khác là khi nào, có lẽ là rất nhiều năm trước rồi, khi tôi còn trẻ. Nhưng tôi lại nhớ rất rõ lần gần đây nhất mình đã khóc một mình, thì vừa tối qua thôi, sau khi xem xong bộ phim cảm động về một chú chó trung thành.
Nhà viết kịch và hoạt động nữ quyền người Mỹ Eve Ensler trong cuốn sách mới nhất của mình có tựa đề “I am an emotional creature: The secret life of girls around the world” (tạm dịch: “Tôi là một tạo vật của cảm xúc: Cuộc đời bí mật của các cô gái khắp thế giới”) đã gọi cái phần ưu tư đó là “inner girl” – phần tính nữ nguyên bản ẩn nấp và ít được thừa nhận bên trong mỗi chúng ta.
Cuốn sách tập hợp các câu chuyện xúc động, phi thường, đầy cảm hứng về cách những người phụ nữ khắp nơi đã vượt qua nỗi đau hay những sự kiện khủng khiếp, cách họ đối mặt với trầm cảm, u sầu, tự kỷ, tự hủy hoại… Bằng việc đối diện, chấp nhận, thành thật và tự hào về từng tế bào nữ tính bên trong, rất nhiều phụ nữ đã vượt qua sự sợ hãi để trở thành một phiên bản mới của chính mình, nơi mọi hình thái cảm xúc đều được tôn vinh.
Chẳng có gì sai khi phụ nữ khóc hết nước mắt cho một cuộc tình sâu nặng không thành hay một bộ phim xúc động. Chẳng có gì xấu hổ khi cô ấy đứng lên tố cáo những kẻ đã lạm dụng, hành hạ phụ nữ, hoặc tranh luận thẳng thắn về việc có nên sử dụng đồ chơi tình dục trong lần làm tình sắp tới với người yêu. Chẳng có gì sai khi thỉnh thoảng, một nụ hôn có thể cuốn phăng đi lý trí của cô ấy. Chẳng có gì sai khi cô mở cánh cửa lòng mình để những dòng chảy cảm xúc trào ra tự do, đẹp đẽ, chân thành. Trong cuốn sách, Eve Ensler đã khẳng định đầy mạnh mẽ:
“Tôi là một tạo vật của cảm xúc
Tôi biết khi nào thì trái dừa sắp rơi
Tôi biết anh ấy sẽ không trở lại
Tôi biết các chàng trai cũng đầy sợ hãi
Và những gã bạo lực không được sinh ra, mà trở thành
Đừng ai bảo tôi ngừng khóc
Đừng ai dè bỉu đó chỉ là chuyện đàn bà
Tôi được sinh ra như vậy, một tạo vật của cảm xúc
Nó giúp tôi mạnh mẽ
Nó giúp tôi vượt qua
Nó giúp tôi hiện diện”
Vậy nên, dù có chút hoang mang trong buổi sáng năm tôi 36 tuổi, tôi vẫn thấy lòng đầy biết ơn khi mình ngày càng thành thật với chính mình. Từng chuyển động, cách suy nghĩ, cách đối mặt, cách vượt qua, cách yêu thương, từng niềm vui, từng nỗi buồn, sự cô độc, sự thất vọng, sự mãn nguyện… tất cả trở thành một bộ ảnh chân dung toàn vẹn và chính xác về người phụ nữ mới mà tôi trở thành.
Tôi muốn tạo một mối quan hệ tốt với cuộc đời. Có thể vì trong thâm tâm, tôi luôn muốn được chấp nhận và hòa hợp với bản ngã của chính mình. Trong suốt nhiều năm, tôi đã không chắc chắn lắm về vài việc mình làm, vài điều mình chọn, vài con đường mình đi, vài người mình yêu. Đã luôn có một tiếng nói bên trong thì thầm với tôi: “Cô lại làm sai rồi, tôi không thích vậy, tôi không chấp nhận, tôi không thấy vui, tôi không an lòng!”. Giờ đây tôi muốn làm lành với tiếng nói ấy, tôi muốn mình giống như ốc đảo, mang trong lòng một nguồn sống lặng lẽ mà kiên cường. Tôi muốn tin vào những cảm xúc nữ tính diệu kỳ, tôi muốn tin nhiều hơn nữa vào tình yêu.
Ngày tôi 36 tuổi, đó là một ngày tuyệt vời để sống.
Bài: Candy Thị