Độc thoại mùa đông

Mùa đông, mùa đông
Bài hát ru nghe buồn không, buồn không
Bờ đê, bờ đê
Dài mãi những con đường quê, đường về quê
Thương con cò trắng bay, lạc lối trong mây trời
Thương em lạnh cóng môi
Bài hát ru nghe xa vời
Nhắn nhủ trời xanh khuất sau làn mây
Nhắn nhủ mùa xuân chớm sau hàng cây
Kìa mưa, phùn ơi
Kìa tiếng ru em à ơi à ơi
Dòng sông Hồng trôi
Lặng lẽ tiếng ru về khơi, về khơi.
(…)

(“Bài hát ru mùa đông” – Dương Thụ)

“Mùa đông em ơi mùa đông
cơn gió hú gào tên ai trên đồng vắng
cơn gió vật vã đuổi ai
cơn mưa bay nhoà phai cả dáng hình
lá khô vương mãi tặng ai”

Câu thơ ấy, tôi nhớ, mỗi khi gió mùa đông bắc thổi. Cơn gió đông bắc đầu tiên trong năm. Tôi nhớ, bởi đó là bài thơ tình nhận được khi tôi 18 tuổi, lần đầu tiên trong đời. Vu vơ suốt mấy chục năm qua vẫn nhớ.

Nếu sinh ra trong một xứ sở không có mùa đông. Tôi không biết những câu thơ như thế có ý nghĩa gì không. Chắc vẫn có nghĩa để nói về một tâm trạng, nhưng không dễ nhớ lại như khi mỗi năm gió mùa đông bắc bắt đầu. Mùa đông không phải ở đâu cũng có. Những vần thơ riêng cho mùa đông cũng vậy.

Chẳng cần nhắm mắt cũng nhớ ra một lô ấn phẩm thơ ca nhạc hoạ liên quan đến rét. Chẳng hạn “Nỗi nhớ mùa đông”, “Bản tình ca mùa đông”, “Trái tim mùa đông”, từ ta sang Hàn rồi từ Hàn sang ta… Văn chương nghệ thuật dành cho mùa đông đâu đâu cũng ủy mỵ thế thôi. Cái rét, cũng như tình yêu, phải trải qua rồi mới hiểu.

Nhưng nhắm mắt để nhớ lại mùa đông, mùa đông thật sự, những màu đông đã có trong đời, thì nhiều lắm. Cứ hỏi tại sao mùa đông nhiều đám cưới thế. Bởi người ta sợ nhớ lại những mùa đông lạnh lẽo, cô độc, rét mướt tăng gấp đôi nếu chỉ có một mình

Một năm rất xa, quãng đầu những năm 90 của thập kỷ trước, thú vui ở Hà Nội chẳng có mấy, chỉ la cà quán cà phê là đủ. Tôi nhớ bà chủ quán cà phê đầu phố Quang Trung. Bà ấy năm đó quãng trên 50 rồi, chúng tôi gọi vụng là Bobolina (tên bà goá trong cuốn Alecxi Zorba của Nikos Kazantzakis), bà chủ quán da trắng phốp pháp, ướp mình trong hương Chanel số 5, nửa lít mỗi ngày.

Goá chồng mùa hè, thổn thức suốt mùa thu vì nỗi đau cô đơn, đến một ngày rất nhanh không ngờ nào đó bảo chúng tôi, lũ khách quen mỗi tối qua quán nghe nhạc cổ điển, thường chịu khó một tách cà phê đen cho tổ khúc Bốn mùa của Vivandi, rằng cô phải lần nữa lấy chồng thôi, cô không chịu nổi mùa đông đâu.

Các cháu có biết mùa đông Việt Nam kinh khủng thế nào không? Đấy là lần đầu tiên tôi nghe một người đàn bà nói rằng không chịu nổi mùa đông. Ba tuần liền ở quán cà phê chúng tôi nghe auto divert “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương “Đêm đông, ôi ta nhớ mong đường về xa xa…” Vâng! Chúng cháu hiểu, chúng tôi thành kính trả lời. Vấn đề mùa đông kinh khủng sẽ là ở chỗ ai chia sẻ mùa đông cùng với cô. Nhưng nghĩ không dám nói!

Cái việc không chịu nổi mùa đông mãi về sau này tôi mới biết. Dạo đó, mùa đông là một phần tất yếu của cuộc sống. Chúng tôi là lũ trẻ sinh ra miền Bắc. Hỏi đứa nào cũng có thể tóm tắt những ngày lịch sử Hà Nội mùa đông năm 46 không cần cuốn phim truyện hay phim tài liệu nào.

Một trong những lý do quan trọng để tôi không vào sống phía Nam, dẫu chỗ làm và lương hấp dẫn hơn ngày mới ra trường, đơn giản vì người miền Nam hay hát “Nơi đây quanh năm không có mùa đông”, thấy tiếc đám khăn áo len đan rất dày công xếp đầy trong tủ.

Không mùa đông, cuộc đời hình như chẳng còn thi vị gì. Không có xốn xang lúc trời đột nhiên trở gió. Không có những món ăn nghi ngút khói trên mâm, dù dân trong ấy hay ăn lẩu. Không có khăn và áo choàng để làm duyên, càng không có nỗi khát thèm một vòng tay, một đôi môi ấm, như quà tặng vô giá của cuộc đời trong những ngày lạnh giá.

Không có mùa đông, là sẽ phải bịa chuyện kiểu như “dường như mùa đông đã về”, nghe mãi vẫn thương. Mà khi đã có mùa đông, không có ai để nhắc rất bình thường mỗi sáng “Sao không cài khuy áo lại đi anh; Trời lạnh đấy hôm nay trời trở rét…” cũng là rất thiệt thòi. Nghĩ thế thôi, là yêu mùa đông lên gấp mấy lần.

Cái lối nghĩ cực đoan ấy khiến mình đôi khi nhớ ra rằng nếu cuộc sống kém chút ít so với bạn bè đã hành phương Nam, thì cũng tất nhiên. Khư khư giữ mùa đông cho cuộc đời mình, cho gió mùa đông bắc, cho mưa phùn gió bấc, cho lạnh buốt má, tê cóng tay mỗi khi ra đường những ngày mùa đông… đều là lựa chọn của mình, riêng mình. Có muốn trách ai vì mùa đông, thì cứ soi gương mà tự trách!

Mùa đông chắc chắn là lựa chọn của riêng tôi, khi đã từ khước miền Nam nắng ấm để chờ đợi một năm vài ba tháng trời se se. Chờ mưa phùn gió bấc, chờ những tái tê bên ngoài để làm dịu tê tái bên trong.

Khí hậu nói cho cùng vẫn quyết định tâm hồn người ta nhiều hơn biến động kinh tế toàn cầu. Có nhiều khi, đi trên phố chỉ muốn đâu đó mùi hương hoa sữa…, chẳng quan tâm xem tượng đài đã dựng trong thành phố đến đâu.

Mùa đông, nói cho cùng, là một mùa không thể riêng tư, dù nỗi cô đơn trong mùa đông tăng gấp bội.

Nếu có thế, đừng đổ lỗi cho mùa đông, đừng đổ lỗi cho ai khác, ngoài mình.!

Bài: Hà Thị – Ảnh: XuanlamHN


From the same category