Đọc sách “Số 0: Tiểu sử một phát kiến nguy hiểm” – Giải mã bí ẩn số 0, nguồn gốc của sự bắt đầu

Vốn dĩ, dưới góc nhìn triết học, số 0 không chỉ là một ký hiệu toán học, mà còn là biểu tượng của hư không, của sự vô hạn. Còn với tôn giáo, hư không không phải là vắng mặt, mà là một hiện diện nguyên sơ, nơi vạn vật được thai nghén. Và có lẽ, tất cả sự thật về con số đặc biệt này đều được gói gắm trong cuốn sách “Số 0: Tiểu sử một phát kiến nguy hiểm” của cây viết Charles Seife.

Số 0 vốn mang một ý nghĩa, sức hút đặc biệt trong khoa học, tôn giáo. Nó có thể ám chỉ sự trống rỗng, lẫn hỗn độn trong trạng thái tự niên, nguyên thủy của vũ trụ, nhưng cũng chất chứa hàm ý của sự hư không, của sự diệt vong. Có bao giờ, ai đó tự hỏi số 0 thực chất có nguồn gốc từ đâu không? Và nó dẫn lối nhân loại đến một thế giới kỳ diệu ra sao?

Tựa sách “Số 0: Tiểu sử một phát kiến nguy hiểm” là công trình nghiên cứu của giáo sư Charles Seife. Quyển sách đưa người đọc theo chân hành trình số 0 ghi dấu trong lịch sử nhân loại, từ thời điểm người Babylon phát minh ra nó, rồi người Hy Lạp cấm đoán nó, sang phương Đông được người Ấn Độ tôn thờ nó, rồi trở lại với Giáo hội phương Tây và được chấp nhận nhờ quá trình thương mại.

Ngay cả những bộ óc vĩ đại như Pythagoras, Aristotle, Newton hay Heisenberg đều bị cuốn hút và tìm cách giải mã bí ẩn của số 0. Dù ủng hộ hay phủ nhận, thì những cuộc đụng độ của họ đã làm rung chuyển nền tảng của triết học, toán học và tôn giáo, tạo nên sự đối đầu giữa đức tin và lý trí. Suốt nhiều thế kỷ, số 0 đã luôn là một phát kiến vừa mê hoặc vừa nguy hiểm; bởi con số ấy vừa là hư không, vừa là tất cả.

Đi cùng với quan điểm về triết học và tôn giáo chính là sự hiện diện của khối óc nhân loại – những nhà tư tưởng đối tượng với mơ hồ và cả những khoảng trống tri thức, để từ “số 0” khai mở những bước chuyển mang tính thời đại. Thông qua lăng kính đó, tác giả dẫn dắt những khối óc hiếu kỳ băng qua từng lớp lang “sự thật” đằng sau số 0 – một con số tưởng chừng như trống rỗng, nhưng lại là điểm xuất phát của mọi sự “bắt đầu”.


From the same category