“Nam Hoa kinh” cùng với “Đạo đức kinh” là hai tác phẩm quan trọng nhất của Đạo giáo. Tuy thường được biết đến với vai trò của một tác phẩm triết học, song “Nam Hoa kinh” được đánh giá là một trong những áng văn chương vĩ đại nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc.
Cuốn sách được viết bởi Trang Chu, cũng được gọi là Trang Tử, một tư tưởng gia, tác gia nổi tiếng của Đạo giáo. Cuốn sách là tập hợp các giai thoại, ngụ ngôn, trọng ngôn và chi ngôn được thể hiện bằng thủ pháp nghệ thuật đặc sắc. Các giai thoại và ngụ ngôn trong “Nam Hoa kinh” trình bày quan điểm tư tưởng triết lí nhân sinh, cũng như cách nhìn nhận của con người về thị phi, thiện ác, sinh tử và mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Khác với các tác phẩm văn học cổ Trung Quốc khác, các mẫu chuyện ngụ ngôn trong “Nam Hoa kinh” không được dựa trên các truyền thuyết, hay thành ngữ, tục ngữ đã được lưu truyền trong dân gian mà dường như đều do đích thân Trang Chu sáng tác.
Trong hơn ba mươi ba thiên, sách nói đi nói lại hơn mười vạn chữ. Đại ý là: tỏ rõ đạo đức; rẻ rúng nhân nghĩa; coi một sống với chết; xem bằng phải với trái; hư tĩnh; điềm đạm; vắng lặng; không làm. Các giai thoại trong Nam Hoa kinh đa phần đều tương đối ngắn, ví dụ như câu chuyện vua Nam Hải tên là “Mau Lẹ” và vua Bắc Hải tên là “Thình Lình” đục bảy lỗ lên người vua Trung Ương là “Hỗn Độn” (thiên 7), hay câu chuyện Trang Chu ngồi xoạc chân gõ nhịp vào một cái vò và hát khi vợ ông mất (thiên 18). Tuy nhiên, “Nam Hoa kinh” cũng có một số giai thoại tương đối dài, ví dụ như câu chuyện về Liệt Ngư Khấu và Vu Hàm (thiên 7) hay khúc tấu của Hoàng Đế (thiên 14). Không giống với phần lớn các văn bản thời Tiên Tần khác, “Nam Hoa kinh” không được viết theo lối luận mà viết theo lối ngụ ngôn hoặc đối đáp. Các mẫu chuyện thường hóm hỉnh, giàu cảm xúc và không bị giới hạn bởi những thứ trần tục, thực tế.
Cuốn sách phù hợp với các bạn độc giả yêu thích sách kinh điển, muốn tìm hiểu về Đạo giáo hay về tư tưởng Trung Quốc.