Trong bối cảnh xã hội đang ngày càng quan tâm đến việc tìm hiểu nguồn cội và bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, cuốn sách “Một Tháng Ở Nam Kỳ” của Phạm Quỳnh là một tác phẩm không thể bỏ qua. Được viết sau chuyến hành trình kéo dài hơn một tháng vào năm 1918, đây là một trong những du ký quan trọng và sống động nhất về vùng đất Nam Kỳ đầu thế kỷ 20, khi xứ sở phương Nam vừa khoác lên mình tấm áo hiện đại phương Tây, vừa giữ lại cốt cách truyền thống phương Đông.
Lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Nam Phong năm 1918 và được đăng liên tục trong ba kỳ (số 17, 19 và 20), tác phẩm nhanh chóng thu hút sự chú ý không chỉ nhờ nội dung sắc sảo, mà còn bởi giọng văn chân thật, trí tuệ và đầy xúc cảm. Khi ấy mới 26 tuổi, Phạm Quỳnh đã là cây bút chủ lực của Nam Phong tạp chí, nơi quy tụ những trí thức hàng đầu thời kỳ giao thoa Đông – Tây. Ngày 21-8-1918, ông rời Hà Nội, đi tàu xuống Hải Phòng rồi tiếp tục lên tàu thủy Porthos hướng vào Nam. Chỉ bốn ngày sau, ông đặt chân đến Sài Gòn, bắt đầu hành trình khám phá sâu rộng từ thành thị đến nông thôn Lục tỉnh: từ Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Sa Đéc, Long Xuyên cho đến tận Hà Tiên, Rạch Giá…

Điều đặc biệt ở “Một Tháng Ở Nam Kỳ” không chỉ là những mô tả sinh động về thiên nhiên, con người, mà còn là cái nhìn tinh tế, đa chiều của một người Bắc lần đầu tiếp xúc văn hóa Nam. Phạm Quỳnh quan sát tỉ mỉ, ghi lại mọi điều “mắt thấy tai nghe” từ cảnh quan thành phố, nếp sống đô thị, những cuộc trò chuyện với các học giả, nhà báo trong giới trí thức Nam Kỳ… đến cảm nhận chân thực về sự phát triển, tính cách con người, và đời sống xã hội.
Qua lăng kính của Phạm Quỳnh, Sài Gòn hiện ra không chỉ là “thành phố Tây” sầm uất với những con đường Catinat, Charner, nhà hát, bưu điện, phủ Toàn quyền… mà còn là một chốn giao hòa giữa văn minh mới và bản sắc cũ. Trong lời văn của ông, vùng đất Nam Kỳ không chỉ được khắc họa với niềm yêu mến mà còn là một miền đầy kỳ vọng, nơi “vui mà tin cậy ở cái tương lai”.

Không chỉ đơn thuần là du ký, “Một Tháng Ở Nam Kỳ” là một tác phẩm mang giá trị tư liệu lịch sử , văn hóa quý giá. Những phân tích về báo chí, nghề xuất bản, đời sống cộng đồng, vấn đề nhập cư (họa Chệt, họa Chà), hay những buổi gặp gỡ với các nhân sĩ nổi tiếng như Bùi Quang Chiêu, Diệp Văn Cương, Phủ Bảy Lê Quang Liêm… đều làm nổi bật chân dung một xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ. Tác phẩm đặc biệt phù hợp với độc giả yêu thích Sài Gòn xưa, lịch sử – văn hóa vùng miền, các bạn trẻ muốn tìm hiểu một thời kỳ chuyển giao đầy biến động mà sống động, hoặc đơn giản là người muốn thưởng thức giọng văn giàu cảm xúc của một trí thức Việt thời cận đại.