Đọc sách “Câu chuyện nghệ thuật”: Thực ra chẳng có Nghệ thuật, mà chỉ có Nghệ sỹ? - Tạp chí Đẹp

Đọc sách “Câu chuyện nghệ thuật”: Thực ra chẳng có Nghệ thuật, mà chỉ có Nghệ sỹ?

Review

Lịch sử nghệ thuật là gì nếu không phải chính là tiến trình lịch sử tư duy của nhân loại từ thưở hồng hoang cho đến thời hiện đại, với việc qua hàng nghìn năm, chúng ta dần dần nhận biết về thế giới, vũ trụ, cây cỏ, đồng loại và rồi tìm cách để phản ánh lại những điều ấy thông qua những hình thức mà sau này gọi là nghệ thuật? Và nữa, nghệ thuật là gì nếu không phải là một quá trình tự hoàn thiện mình để hướng đến cái đẹp? Tất cả sẽ có trong “Câu chuyện Nghệ thuật” được chắp bút bởi sử gia nghệ thuật lỗi lạc Ernst Gombrich. Thân mời độc giả của Đẹp cùng lắng nghe chia sẻ của dịch giả Trịnh Lữ và nhà báo Trương Anh Ngọc về tác phẩm đồ sộ này

Dịch giả Trịnh Lữ: Tác phẩm không lỗi thời

“Câu chuyện Nghệ thuật” được mở đầu bằng một câu nổi tiếng: “Thực ra là chả có Nghệ thuật. Mà chỉ có nghệ sỹ.” Tác giả phân biệt khái niệm “Nghệ thuật” phải viết hoa với “nghệ thuật” không viết hoa, nói rõ rằng cụ chỉ để ý đến nghệ thuật không viết hoa, vì “Nghệ thuật với nghĩa phải viết hoa ấy đã thành ra một thứ ma quái đáng sợ, một thứ bùa ngải.” Nghĩa là người viết coi nghệ thuật là sản phẩm của lao động sáng tạo điêu luyện có mục đích và công dụng rõ ràng, mỗi thời mỗi khác, mỗi nơi mỗi khác. Và tác giả để tâm đến cá nhân các nghệ sỹ hơn là trào lưu thời thượng.

Trịnh Lữ là dịch giả của nhiều tác phẩm ngoại văn nổi tiếng. Ảnh: FBNV

Vì vậy mà người viết không soạn một biên niên các phong cách và trào lưu nghệ thuật như các sách lịch sử thông thường. Tác giả hướng dẫn ta cách nhìn, so sánh, suy tưởng, cho ta biết bối cảnh ra đời của chúng, khiến ta vỡ nhẽ một cách tự nhiên về mục đích của người nghệ sỹ, giải pháp nghề nghiệp của họ để đạt được mục đích ấy, những kế thừa và tài năng sáng tạo của họ…

Đó là câu chuyện về sáng tạo nghệ thuật thị giác xuyên suốt lịch sử nhân loại, diễn biến bởi hai thứ thôi thúc có tính mâu thuẫn nhau, là diễn đạt cái “biết” nhờ nhận thức và diễn đạt cái “thấy” bằng mắt nhìn, như đã diễn ra từ Ai Cập cổ đại đến phong cách Ấn tượng cuối thế kỷ 19. Thái độ cực đoan của các họa sỹ Ấn tượng đã chấm dứt mâu thuẫn ấy, khi người ta nhận ra rằng cái “biết” và cái “nhìn” không thể tách rời nhau, và không có cái “nhìn” nào là “ngây thơ” cả. Và nghệ thuật hiện đại đã ra đời từ sự đứt gãy ấy, cùng với sự ra đời của nhiếp ảnh, với những thách thức và giải pháp thử nghiệm mới.

Ngay từ đầu, tác giả cũng đã dặn là: “Yêu một bức tượng hay bức tranh thì vì lý do gì cũng vẫn đúng.” Còn “Hễ thấy ghét một tác phẩm nghệ thuật, thì thể nào cũng có những lý do không chính đáng.”
Nhà báo Trương Anh Ngọc: Ai cũng có những dạng thức nghệ sĩ ẩn náu 

Tôi luôn tự hỏi mình điều đó trong rất nhiều năm qua, kể từ khi bắt đầu cầm cọ trong một lớp học vẽ ở Cung thiếu nhi Hà Nội vào năm 6 tuổi, và rồi sau này chứng kiến chính con gái mình nguệch ngoạc những nét vẽ đầu tiên ở tuổi lên 3 trên tường phòng ngủ, phòng ăn và toilet. Khi đó, tôi mới hiểu rằng, thực ra, phản ánh thế giới theo tư duy của bản thân là một bản năng rất con người. Nhưng để nâng lên thành nghệ thuật, thành người dẫn đường trong một trường phái nào đó và gây tiếng vang thì đòi hỏi hơn thế rất nhiều. Không chỉ là bản năng, nghệ thuật còn cần sự nhạy cảm và tinh tế mà chỉ số ít đặc biệt mới có thể sở hữu được.

Nhà báo Trương Anh Ngọc. Ảnh: FBNV

Nhưng như vậy không có nghĩa số đông không thể làm và không có khả năng cảm thụ nghệ thuật. Bởi trong mỗi chúng ta, ai cũng có những dạng thức nghệ sĩ ẩn náu chỉ chờ được đánh thức đúng lúc đúng chỗ mà thôi. Nghệ thuật ở ngay gần chúng ta, xung quanh chúng ta và thậm chí ở bên trong con người của chính chúng ta. Nhưng nó cần được kích thích và khơi gợi bằng những hướng dẫn, chỉ bảo một cách khoa học.

Sách sẽ giúp người đọc có được khả năng thưởng thức nghệ thuật với quan điểm lịch sử có tính khoa học đúng đắn chứ không bị hoa mắt bởi những thuật ngữ hoa mỹ và khái niệm viển vông.

Giống như một ai đó cầm tay dẫn ta vào khu vườn hoa, giáo dục thẩm mỹ nói chung trong nhà trường và gia đình hay sách về nghệ thuật như của Gombrich nói riêng, giải thích cho chúng ta về cái đẹp, nói rõ nó đến từ đâu, nó đẹp theo những dạng thức nào, làm thế nào để biết nó đẹp, và cái đẹp ấy qua năm tháng, với sự phát triển của các quan niệm sống, triết lý sống, tôn giáo, tiến trình lịch sử và những tác động xã hội khác nhau ra sao. Nghệ thuật phát triển song song với sự tiến bộ của nhận thức con người, hoặc thậm chí có lúc đã đi trước cả thời đại.

Tác giả: Đẹp Entertainment (ghi)

26/11/2020, 19:57