Đọc lại quá khứ - Tạp chí Đẹp

Đọc lại quá khứ

Review

 Người đọc

Bernhard Schlink

Lê Quang dịch, Nhã Nam & NXB Hội nhà văn

Chừng nào thì dân tộc tính trở thành một đối tượng của tiểu thuyết, một nhân vật để kể? Dĩ nhiên, trước tiên người ta phải quy giản nó thành một tính cách thuần chất, cô đặc, có thể phát triển thành một chuỗi logic các hình thức phản vệ trước mối nguy hại của ngoại cảnh, giống như một nhân vật hợp lý trong một câu chuyện hợp lý. Nhưng câu hỏi cốt yếu hơn là tại sao phải kể câu chuyện ấy, tại sao cứ phải nhắc về Thế chiến, về Lò thiêu, về một thời để yêu và một thời để chết? Để biện minh rằng nỗi đau và tội ác không từ chối một ai, hay để được quyền thanh thản mà khép lại quá khứ?

Ta nhớ lại trong “Người Mỹ trầm lặng” của Graham Greene, qua mối tình tay ba với những đẩy đưa, mắc míu, níu kéo và đổ vỡ, tác giả muốn lý giải bi kịch của một dân tộc bị dày vò giữa những cuộc chiến, bị kìm kẹp giữa các thế lực muốn áp đặt sự ảnh hưởng. Ông xây dựng nhân vật Phượng như là ẩn dụ về đất nước nơi cô sinh ra. Cô chới với, do dự, lung lạc giữa một ký giả người Anh và một thanh niên Mỹ. Lão người Anh yêu Phượng từ tốn mà da diết, muốn lấy cô nhưng không thể chia tay vợ. Tay người Mỹ thì trầm lặng (tất nhiên, vì anh là mật vụ OSS) muốn sở hữu cô bằng toan tính và sự thao túng như chính nhiệm vụ của anh vậy.

Người đọc

Cùng dùng nhân vật để khắc họa số phận một dân tộc, trong khi lối viết của Graham Greene nhiều ẩn ý, dùng logic sự kiện để nêu tính tất yếu của lựa chọn và sự vô nghĩa của chiến tranh, thì Bernhard Schlink viết nên “Người đọc” (Lê Quang dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn tái bản năm 2014) bằng sự rõ ràng, bộc trực, nhìn về quá khứ với nỗ lực công bằng như một thẩm phán, để lật lại tất thảy ý nghĩa có thể của biến cố. Khác biệt ấy cũng dễ hiểu khi ngoài đời thực, Greene vốn là phóng viên chiến trường và nhân viên là giáo sư pháp lý.

Hai phần đầu của “Người đọc” là hai trạng thái đọc vênh nhau. Đầu tiên là chuyện tình lãng mạn giữa cậu bé 15 tuổi và người phụ nữ soát vé xe điện ở Neustadt, dễ khiến người ta liên tưởng đến thị trấn yên bình nào đó chứ không phải một thành phố Tây Đức day dứt tìm quên thời hậu chiến. Dư vị êm đềm tạo một quãng hụt hẫng khi người đọc giở sang phần hai. Sau khi họ chia cách, cậu bé Mi-chael Berg trở thành sinh viên trường luật, dự thính phiên tòa về tội ác chiến tranh, còn bị cáo lại chính là Hanna Schmitz: cô từng là nhân viên SS, canh gác trại tập trung Auschwitz.

Tuy “lăng kính” của người kể ở hai phần khác biệt (phần một: người tình; phần hai: sinh viên luật), nhưng nhân vật xưng tôi có cùng một cách phản vệ. Cậu bé Berg từng mong muốn áp đặt sự ràng buộc lên người tình lớn tuổi, sau này sẽ cật vấn về chỗ đứng của một phạm nhân chiến tranh trong thế giới của cậu. Liệu Berg có đủ công bằng khi dính dáng quá gần với người gây tội? Qua lăng kính của Berg, tác giả đưa Hanna, ẩn dụ về nước Đức, ra làm chủ thể để giải trừ những mối dằn vặt, để một lần nữa đặt nước Đức – không phải thời Quốc Xã mà là thời hậu chiến – lên bàn giải phẫu đạo đức.

Đòi hỏi ấy cũng tham vọng và quá sức như suy nghĩ của Michael ở phần ba (giai đoạn cứu rỗi) sau khi phiên tòa đã khép lại: “Nỗi đau khổ của tôi khi yêu Hanna xét về khía cạnh nào đó là số phận của thế hệ tôi, số phận Đức, số phận mà tôi khó trốn tránh hơn, khó che đậy hơn những người khác” (tr. 167). Chính việc “hơn những người khác”, tức là ôm mọi thứ vào thế giới đạo đức của riêng mình, Michael sẽ mãi không được giải thoát và phải sống trong những câu hỏi không thể hóa giải.

Sài Gòn năm 1952, người ta yêu không sợ hãi. Tây Đức năm 1958, một cậu học sinh trốn học để đọc sách cho người tình. “Người đọc”, cũng như “Người Mỹ trầm lặng”, đều được chuyển thể thành những bộ phim chính kịch xuất sắc. Thế nhưng chỉ có đọc tác phẩm, ta mới cảm nhận được hết mối ngăn cách giữa Hanna và thế giới bên ngoài trong cuộc đấu tranh tìm đến chân lý của riêng cô. Một sự thật sẽ dần hé lộ; Hanna có một khiếm khuyết giúp cô được cáo lỗi trước nỗi đau và cái ác nguyên thủy: cô đến với việc đọc trước tiên bằng xúc giác.

Này chiến trận, này cuồng si
Rafael Sabatini    
Lê Đình Chi dịch, Nhã Nam & NXB Phụ Nữ

Này chiến trận, này cuồng si

“Chiến trận” và “cuồng si” là hai thành tố hiển hiện trong đời sống các nhà quý tộc Ý thời Phục hưng – một xã hội xa hoa, lý tưởng hóa nhưng cũng đầy sự tranh giành và tao loạn. Một hiệp sĩ bất bại và nhà thao lược như bá tước Aquila cũng không tránh khỏi “đòn yêu” của một công chúa xứ lạ. Hãy nhớ câu khẩu quyết để bước vào thế giới của các hiệp sĩ: bất chấp những vấp ngã ngô nghê thế nào, bổn phận của họ vẫn là phụng sự các công nương trong cơn hoạn nạn.    

Hỏa ngục
Dan Brown
Nguyễn Xuân Hồng dịch, Bách Việt & NXB Thời Đại

Hỏa ngục

Cuộc phiêu lưu mới nhất của giáo sư biểu tượng học Robert Langdon đưa người đọc khám phá ba thành phố có bề dày kiến trúc và lịch sử: Florence, Venice và Istanbul. Để giải mã thứ vũ khí hóa học do một gã thiên tài tạo ra để đe dọa loài người, Langdon phải dựa vào một tác phẩm kinh điển viết về địa ngục: Thần khúc của Dante. Hỗ trợ anh hết mực và cũng là mối lo ngấm ngầm của Langdon trong hành trình lần này là nữ bác sĩ đồng hành xinh đẹp, với chỉ số IQ 208.

 

Bài: Trần Quốc Tân

>>> Có thể bạn quan tâm: Murakami lồng vào tác phẩm đậm đặc chất hư ảo. Người đọc, người kể chuyện, và cả nhân vật khi đóng vai người kể chuyện (như Tengo khi kể về thành phố mèo), không ai biết hết mọi thứ. Dù được người quan sát (chính là “người tí hon”) dẫn dắt từ đầu đến cuối, nhưng sự gắn kết giữa hiện thực trong 1Q84 với những gì quan sát được chỉ là tương đối.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

05/04/2014, 15:23