Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về thời trang, bạn không thể chỉ dựa vào những video TikTok, hay những bài báo về xu hướng thời trang mới nhất. Bạn cần dành thời gian nghiền ngẫm những cuốn sách, từ tiểu sử về những nhà thiết kế nổi tiếng, cẩm nang về thời trang bền vững, cho đến những mẩu chuyện phiếm thú vị đằng sau hậu trường. Vậy đâu là 12 cuốn sách nhất định phải đọc nếu bạn có ý định tìm hiểu thêm, hoặc “dấn thân” vào lĩnh vực này?
“The Beautiful Fall” bởi Alicia Drake : Cuốn sách xoay quanh hai nhà thiết kế đã định hình cho thập kỷ disco vào những năm 1970 tại Paris. Khi Karl Lagerfeld (21 tuổi) gặp Yves Saint Laurent (18 tuổi) tại một cuộc thi dành cho các nhà thiết kế (NTK) trẻ vào năm 1954, chẳng ai biết họ sẽ có ảnh hưởng lớn tới thời trang đến mức độ nào. Tiếc thay, dù ban đầu rất thân thiết, tình bạn của họ không kéo dài lâu do cạnh tranh trong đời tư lẫn công việc. Alicia Drake đã ghi lại “cuộc chiến” kéo hàng thập kỷ trong “The Beautiful Fall” với những mẩu chuyện cá nhân, những chi tiết lịch sử thời trang hấp dẫn, từ đó vẽ nên bức chân dung về sự suy đồi của thập niên 70 theo cách hoàn hảo nhất. The New York Times đã nhận xét về cuốn sách: “Thật kịch tính… ‘The Beautiful Fall’ khiến tôi vụn vỡ vì phấn khích”
“To Die For: Is Fashion Wearing Out The World?” bởi Lucy Siegle: Ngày nay, rất nhiều sách báo, phim tài liệu nói về thời trang bền vững. Nhưng liệu thông tin nào mới là đúng? Được xuất bản vào năm 2009, “To Die For” của Lucy Siegle là một trong những cẩm nang chuyên sâu, toàn diện đầu tiên về các vấn đề đạo đức và môi trường trong thời trang. Cuốn sách cung cấp góc nhìn về vấn đề thuốc nhuộm gây ô nhiễm như thế nào, đến cuộc đấu tranh của những công nhân may mặc bị trả lương thấp. “To Die For” đã trở thành tài liệu khởi đầu hoàn hảo cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu thêm về mặt tối của ngành thời trang.
“Grace: A Memoir” bởi Grace Coddington: Grace Coddington, cựu Giám đốc Sáng tạo tạp chí Vogue, từng là cánh tay phải của Anna Wintour. Tuy nhiên, tác động của bà đối với thời trang còn sâu sắc hơn thế. Coddington nổi tiếng với việc tạo ra những bộ ảnh lớn, phức tạp và ấn tượng. Cuốn hồi ký này tái hiện lại thời thơ ấu của bà ở vùng nông thôn xứ Wales, đến những ngày làm người mẫu trong những năm 1960 ở London, và cuối cùng là thời gian dài làm việc tại tạp chí Vogue. “Grace: A Memoir” là khởi đầu hoàn hảo cho người muốn hình dung rõ hơn về những đầu việc trong tạp chí thời trang nói riêng, và ngành này nói chung.
“The Most Beautiful Job In The World” bởi Giulia Mensitieri: Việc sáng tạo thời trang được nhiều người ví như là việc vẽ nên một giấc mơ. Nhưng trong cuốn sách của Giulia Mensitieri, bạn sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về ngành này. Trong khi phỏng vấn và quan sát các nhà tạo mẫu, nhiếp ảnh gia, người mẫu và nhà thiết kế, Mensitieri đã phơi bày những điều kiện làm việc khắc nghiệt cũng như chế độ đãi ngộ hà khắc trong ngành thời trang. Cuốn sách như một lời chỉ trích sâu sắc chủ nghĩa tư bản, đồng thời phơi bày những hy sinh to lớn để theo đuổi thành công.
“Gods and Kings” bởi Dana Thomas: Năm 1996, khi John Galliano bắt đầu làm việc tại Dior và Alexander McQueen tới Givenchy, họ đã phá vỡ tất cả các quy tắc trong 2 nhà mốt lâu đời nhất ở Paris, giống như “một cuộc xâm lược của Anh” và tạo những dấu ấn cho riêng mình. Họ nhanh chóng được biết đến trên toàn cầu, nhưng song hành với điều đó là áp lực vô cùng lớn. Tiểu sử của Dana Thomas phơi bày áp lực thương mại đặt lên các NTK trong việc sản xuất hết bộ sưu tập này đến bộ sưu tập khác với tốc độ ngày chóng mặt. “Gods and Kings” từng được bình chọn là cuốn sách hay nhất của tháng tại Amazon, và là tiểu sử đầu tiên về hai biểu tượng thời trang huyền loại Alexander McQueen và John Galliano.
“I Love To Hate Fashion” bởi Loïc Prigent: Nếu bạn đã từng đi ngang qua khu vực 180 The Strand trong Tuần lễ Thời trang London, có lẽ bạn đã nghe được ít nhiều mẩu chuyện thú vị. Vào năm 2014, nhiếp ảnh gia thời trang Loïc Prigent bắt đầu viết lại những câu nói vui nhộn, phù phiếm và điên rồ nhất được thốt ra ở khu vực hậu trường tại Tuần lễ Thời trang. Cuốn sách khiến ta phải cười phá lên bởi những khía cạnh phù phiếm của ngành công nghiệp này. “I Love To Hate Fashion” phù hợp nếu bạn đang kiếm tìm những phút giây thư giãn, vui nhộn sau ngày dài làm việc.
“The Chiffon Trenches” bởi André Leon Talley: André Leon Talley đã qua đời vào đầu năm nay, nhưng ông đã kịp tặng chúng ta “The Voan Trenches”, cuốn hồi ký sôi nổi của ông về những thăng trầm trong ngành thời trang. Đó là sự phơi bày những thú vui xa xỉ khi ngân sách truyền thông còn cao – từ việc các chi phí được thanh toán trọn gói khi ở The Ritz, đến việc Karl Lagerfeld ném những chiếc áo sơ mi sang trọng vào Talley giống như một cảnh trong “The Great Gatsby”. Nhưng những điều hào nhoáng không phải là tất cả. Talley cũng tiết lộ sự phân biệt đối xử mà ông phải đối mặt khi là một người đàn ông da đen ngoại cỡ trong lĩnh vực thời trang, và tình bạn có thể mong manh như thế nào khi bạn quen với những người đứng đầu ngành. “The Chiffon Trenches” hé lộ một sự thật, thời trang không hào nhoáng như ta tưởng.
“Fashion Climbing” bởi Bill Cunningham: Trong nhiều thập kỷ, Bill Cunningham và chiếc máy ảnh của ông đã rong ruổi khắp nơi tại New York, trở thành một biểu tượng của thành phố giống như Tượng Nữ thần Tự do hay The Met (Viện Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan). Trước khi KOLs (những người có tầm ảnh hưởng) được sinh ra, Cunningham đã đạp xe khắp chốn để chụp những người mặc đẹp nhất thành phố. “Fashion Climbing” là một câu chuyện truyền cảm hứng về việc đấu tranh để làm những gì bạn thích, và thực hiện ước mơ của mình tại New York.
“D.V.” bởi Diana Vreeland: Cuốn tự truyện của biên tập viên huyền thoại Diana Vreeland tràn ngập sự hóm hỉnh với những câu văn súc tích và duyên dáng, “D.V.” kể về những năm Vreeland điều hành tạp chí Vogue và Harper’s Bazaar, cũng như những đóng góp của bà cho Viện Trang phục tại The Met. Cuốn sách thể hiện sự phấn khích và nhiệt tình khi Vreeland kể câu chuyện về cuộc đời vĩ đại của mình, giúp mọi người hiểu hơn về những đóng góp của bà cho ngành thời trang.
“Anna: A Biography” bởi Amy Odell: Mặc dù đóng vai chính trong “The September Issue” và có nhiều video cho tạp chí Vogue, cộng thêm cả vai diễn hư cấu trong “The Devil Wears Prada”, Anna Wintour vẫn là một ẩn số. Mọi người đều muốn biết bà thực sự là ai đằng sau mái tóc bồng bềnh và cặp kính râm kia. Cuốn sách này sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về con người của bà qua những nghiên cứu, phỏng vấn chuyên sâu với những người thân thiết nhất của Anna
“The Battle of Versailles” bởi Robin Givhan: Dù cho London có bao nhiêu phát minh, hay chất lượng nghề thủ công Milan tuyệt vời như thế nào, chúng ta thường tin rằng, không ai có thể đánh bại người Pháp trong lĩnh vực thời trang. Nhưng vào một đêm tuyệt vời tại Cung điện Versailles vào tháng 11/1973, bất chấp mọi khó khăn, các nhà thiết kế người Mỹ đã chiến thắng. Trong “The Battle of Versailles”, nhà bình luận thời trang Robin Givhan đã bóc tách cách sự kiện này đã thay đổi tiến trình lịch sử thời trang, khai sinh thời trang Mỹ với bản sắc riêng của nó.
“The Vanity Fair Diaries” bởi Tina Brown: Đây là câu chuyện đầy phong cách và sôi nổi của Tina Brown về 8 năm hoạt động trong ngành thời trang với tư cách là một trong những biên tập viên quyền lực nhất New York. Cuốn sách tiết lộ khung cảnh thời trang excess (dư thừa) của những năm 1980 và bản chất khốc liệt truyền thông. “The Vanity Diaries” kể về những lựa chọn bất khả, deadlines gấp rút và cảm giác tội lỗi khi trở thành một người phụ nữ dường như “có tất cả”.
Tác giả: Nhi Nguyễn