"Đọc" các ký hiệu trên đồ điện tử và điện gia dụng - Tạp chí Đẹp

“Đọc” các ký hiệu trên đồ điện tử và điện gia dụng

Công Nghệ

Đương nhiên, nếu sản phẩm có càng nhiều các ký hiệu trong số dưới đây thì càng được ưa chuộng vì đã trải qua sự đánh giá chất lượng, an toàn và hợp chuẩn của nhiều tổ chức đánh giá chuyên nghiệp và khắt khe ở các quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển nhất. Bạn nên chọn mua các sản phẩm có những ký hiệu chất lượng của các tổ chức danh tiếng. Tuy nhiên có một điều quan trọng nhất là tất cả các ký hiệu này phải nằm trên nhãn của sản phẩm chính hãng còn nếu chúng xuất hiện trên một sản phẩm nhái thì vô nghĩa. 

Nhãn Energy Star

Đây là một tiêu chuẩn chứng nhận đã có từ năm 1992, được sử dụng ở các quốc gia phát triển như Liên minh châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Úc và New Zealand. Những sản phẩm có chứng nhận này thường tiêu thụ năng lượng ít hơn 20-30% so với tiêu chuẩn.

Ký hiệu TÜV Rheinland

Đây là chứng nhận chỉ được sử dụng tại thị trường Đức, do tập đoàn tiêu chuẩn chất lượng TÜV Rheinland của Đức cấp. Tuy chỉ là tiêu chuẩn Đức, nhưng rất được các nhà sản xuất trân trọng vì đây là tiêu chuẩn chặt chẽ và đáng tin cậy cho người dùng.

Ký hiệu RoHS

Ký hiệu RoHS hoặc RoHS Compliant – Đây là tiêu chuẩn của châu Âu, những thiết bị có nhãn này đã được chứng nhận là không sử dụng các chất liệu nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe con người, như cadimi, thủy ngân, chì v.v. Mọi thiết bị bày bán ở châu Âu đều phải đạt tiêu chuẩn này, nhưng không phải bao giờ ký hiệu này cũng được ghi rõ trên sản phẩm.

Ký hiệu UL

Viết tắt của Underwriters Laboratories, những thiết bị có ký hiệu này đã vượt qua được sự kiểm tra chặt chẽ về mức độ nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Chứng nhận này thường thấy ở những thiết bị bán tại Bắc Mỹ và Mexico.

Ký hiệu CSA

Có hình chữ SA nằm trong lòng chữ C lớn, do công ty CSA International chứng nhận. Sản phẩm có ký hiệu này thường thấy ở Mỹ và Canada.

Ký hiệu FCC

FCC – Federal Communications Commission (Ủy ban Truyền thông Liên Bang, Mỹ). Gồm chữ F và hai chữ C, một chữ nằm trong lòng chữ còn lại, có thể bắt gặp ở nhiều thiết bị điện tử đặc biệt là smartphone. Bất cứ thiết bị nào có khả năng phát sóng radio được bày bán trên thị trường thế giới đều phải có chứng nhận này, nó thể hiện rằng mức sóng mà thiết bị phát ra không quá cao, không gây hại tới sức khỏe con người và ảnh hưởng tới những thiết bị điện tử khác.

Ký hiệu WEEE

WEEE (Waste Electric & Electronic Equipment). Ký hiệu này có hình thùng rác bị gạch chéo, và ý nghĩa của nó cũng rất dễ hiểu: sản phẩm này không được phép vứt bỏ vào thùng rác thông thường mà phải được bỏ riêng và xử lý đặc biệt, bởi chúng chứa những chất có thể gây độc nếu bị rò rỉ, hoặc có khả năng cháy nổ v.v.

Ký hiệu CE

Viết tắt của Conformité Européenne, đây là ký hiệu bắt buộc phải có ở những sản phẩm điện tử được bán ở châu Âu thể hiện rằng sản phẩm đã vượt qua những yêu cầu tối thiểu về thiết bị điện tử của Liên minh châu Âu. Đằng sau ký hiệu CE thường có 4 chữ số, đó là mã số của công ty chịu trách nhiệm kiểm tra sản phẩm. Đôi lúc, ký hiệu CE đi kèm với một dấu chấm than trong vòng tròn – ký hiệu bổ sung này cho biết rằng trong một số trường hợp, thiết bị này có thể vi phạm một vài yêu cầu của một số quốc gia nhất định (nhưng vẫn được phép bán ở các quốc gia đó).

Ký hiệu CCC

CCC (China Compulsory Certificate). Chứng chỉ này thường thấy trên các sản phẩm của trung Quốc hoặc nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Nó được cấp bởi công ty quản lý chất lượng và an toàn của Trung Quốc CCIB. Ký hiệu này là bắt buộc với hầu hết sản phẩm của Trung Quốc.

Chứng nhận FDA

Chứng nhận này chủ yếu được cấp cho thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm y tế, nhưng đôi lúc cũng bắt gặp ở một số thiết bị điện tử, nhất là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Nó chứng minh là sản phẩm này chỉ phát ra các bức xạ ở mức an toàn cho người sử dụng.

Ký hiệu REC

Hoặc là kèm theo 3 mũi tên uốn cong thành hình tam giác. Ký hiệu này cho biết vật liệu làm sản phẩm có thể tái chế được.

Nhãn năng lượng

Tại Việt Nam, các sản phẩm gia dụng như quạt, máy lạnh, tủ lạnh, đồ điện.v.v. hều hết được dán nhãn năng lượng. Nhãn này được bộ công thương cấp tại Việt Nam, được ghi bằng tiếng Việt nên rất dễ hiểu: số sao càng nhiều thì thiết bị càng tiết kiệm điện năng (tối đa 5 sao). Ngoài ra, những thông tin khác như hãng sản xuất, nơi chế tạo và công suất thiết bị cũng được ghi rõ ràng, đầy đủ.

 

Bài và ảnh: Kim Thạch
logo

 

                                                                            

                                                                                                                                    

Thực hiện: depweb

11/05/2016, 18:35