Doanh thu phim hè: điệp vụ có khả thi?

Hè thường là dịp để các tay tung tiền làm phim lấy lại vốn và mua sắm thêm nhà cửa, ruộng vườn. Vậy mà, không chỉ mùa màng trên ruộng lúa biết hai chữ "mất mùa", cả ruộng "phim" cũng phải nếm mùi thất bát. Năm tài chính vừa qua đánh dấu mức suy sụp cao nhất trong lịch sử tính trên số tiền vé thu được, từ các xuất phẩm của Hollywood.

Có người đổ lỗi cho các máy chơi game đã đóng đinh người lớn cũng như trẻ con trước màn hình TV, có người lại cho rằng việc tải phim lậu trên mạng quá dễ dàng khiến người ta không còn nghĩ đến chuyện mua vé xem phim. Năm nay, máy chơi game bán vẫn chạy, phim lậu trên mạng vẫn tải rất trơn tru, vậy thể loại phim gì có thể hái về nhiều quả lợi cho các tay địa chủ Hollywood?
 
Hành động chăng? Những người đã tự tin bỏ tiền vào những màn lao ra từ cửa sổ nhà cao tầng, súng bắn không tiếc đạn, xe đua đâm nhau rầm rầm hẳn cũng phải tự tin rằng khán giả đã và sẽ vẫn ủng hộ loại phim cảm giác mạnh như đi tàu lượn cao tốc này.

Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng những phim có doanh thu cao nhất, phim hành động bắn súng đua xe chỉ có mỗi "Nhiệm vụ bất khả thi 3" ở vị trí thứ 8. Trong phần phim mới này, Tom Cruise vào vai điệp viên Ethan Hunt cùng đồng đội đối mặt với một tên trùm buôn vũ khí máu lạnh. Truyện phim được khen vì được xây dựng mạch lạc hơn phần một và hấp dẫn hơn phần hai. Vai diễn Ethan Hunt cũng đã khai thác được thế mạnh về hình thể của Tom Cruise.

Tạp chí LA Weekly bình luận: "Tom Cruise không phải là diễn viên xuất sắc nhưng ở thể loại phim hành động này, anh không có đối thủ". Như vậy, khi mà phim vẫn giữ được chất hành động và các vai diễn cũng khá tròn trịa thì việc lượng vé bán ra có phần suy giảm có lẽ vì khán giả đã cảm thấy no nê với những pha cháy nổ.
 
Tình cảm – hài hước chăng? Quả cũng khó cho một phim nhẹ nhàng về nội dung và hình ảnh mà lại muốn nặng kí về doanh thu. Sau một năm tài chính, phim tình cảm hài hước hiếm khi nào đạt vị trí cao trong bảng thống kê tiền vé. Chẳng hạn, năm 2005, bộ phim "Kẻ phá đám cưới" là phim tình cảm hài hước có doanh thu cao nhất tại Mỹ cũng chỉ đứng vị trí thứ sáu trong bảng xếp hạng.
 
Năm nay, có hai bộ phim thuộc thể loại tình cảm hài hước nằm trong top 10, đó là "Bấm nút" với anh chàng láu lỉnh Adam Sandler và "Chia tay" với cô đào Jennifer Aniston. 
 
“Sau khi gặp gỡ, rung động, say đắm và dọn đến ở chung để xây dựng tổ ấm thì chuyện lục đục xảy ra, để rồi chàng và nàng quyết định chia tay dù vẫn mặt đối mặt, dưới một mái nhà”.

Bộ phim "Chia tay" được đánh giá là thông minh hơn những câu quảng cáo trên. Chàng và nàng với sự thể hiện của Vince Vaughn và Jennifer Aniston cũng được tờ Nhật báo New York khen là khá nhất trong sự nghiệp của hai diễn viên này.

Tuy nhiên, phim bị chê là thiếu tính chặt chẽ; những màn chọc người này phá người kia cũng không thật sự hài hước và dễ nhàm chán sau gần hai tiếng xem phim. Phim "Chia tay" ở vị trí thứ mười trong bảng xếp hạng. 
 
Trong khi đó, bộ phim tình cảm – hài hước còn lại, "Bấm nút", nhân vật chính Michael Newman (Adam Sandler) vô tình sở hữu một chiếc rê-mốt đa năng có thể điều chỉnh mọi vật: quay ngược thời gian, tua nhanh kẹt xe, ngưng mọi chuyển động. Ý tưởng thú vị này có lẽ kích thích trí tò mò bởi hẳn ai cũng muốn có một chiếc rê-mốt như thế. Do vậy, mới công chiếu, nhưng "Bấm nút" đã đạt doanh thu trên 120 triệu đô la và đứng vị trí thứ chín.
 
Trí tò mò có lẽ cũng là nơi các nhà làm phim với đề tài thần bí nhắm tới. Năm nay, bộ phim "Mật mã Da Vinci" không chỉ thúc giục các độc giả của cuốn tiểu thuyết cùng tên đến rạp mà cả những người chưa từng đụng tới một trang sách cũng bị lôi kéo, nhất là bởi sự ồn ào của dư luận xung quanh cuốn tiểu thuyết này. 
 
Nhà phê bình báo The Globe and Mail (Canada) cho rằng đạo diễn Ron Howard như tay giả kim luyện, đã luyện vàng thành chì, xây dựng bộ phim với chất lượng giảm hơn hẳn so cuốn tiểu thuyết của Dan Brown. Các nhà báo tại Seattle – Mỹ lại cho rằng, qua bàn tay của Ron, bộ phim còn làm họ thỏa mãn hơn cả truyện.

Phim bị phản đối ở nhiều nơi vì vấn đề tôn giáo và bị cấm chiếu ở Phi-líp-pin. Tuy vậy, càng dấy lên dư luận, càng nhiều kẻ khen người chê, trái ngược nhau chừng nào thì khán giả lại càng háo hức đi xem chừng ấy. Cụ thể là trong bảng xếp hạng vé bán ra tại Mỹ, "Mật mã Da Vinci" đứng ở vị trí thứ tư, còn xét trên toàn cầu, bộ phim đang dẫn đầu với trên 730 triệu đôla Mỹ tiền vé.
 
Đứng sau "Mật mã Da Vinci" trên bảng xếp hạng toàn cầu là "Kỉ băng hà 2", phim hoạt hình của hãng Fox, với trên 600 triệu đôla tiền vé, đứng trước "Mật mã Da Vinci" tại Mỹ cũng lại là một phim hoạt hình: "Xe" của hãng Disney/Pixar. Như vậy, có thể nói, phim hoạt hình có một thế mạnh riêng.

Trước hết, đối tượng nhắm đến của phim hoạt hình là các em thiếu nhi. Rạp chiếu phim có thể phát không kẹo bánh và bóng bay cho các em mà vẫn lãi rất cao bởi một em có thể xem mỗi phim vài ba lần và lần nào cũng phải có tiền vé cho phụ huynh kèm theo.

Tiếp theo, không chỉ trẻ em thích xem phim hoạt hình mà cả người lớn cũng không ngoại lệ. Chẳng hạn, bộ phim hoạt hình "Chằn tinh 2" đã đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu tại Mỹ năm 2004, trên cả "Người nhện 2".
 
Cũng như phim hoạt hình, một thể loại phim khác có thể theo chân người ta từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, đó chính là thể loại phim siêu anh hùng. Ai đã từng chúi mũi vào các truyện tranh siêu nhân, người dơi, người điện quang, người đột biến thì giờ đã có những bộ phim về các siêu anh hùng này với nhiều màn kĩ xảo hoành tráng hệt như trong trí tưởng tượng thời thơ bé.

Thể loại siêu anh hùng đánh vào tâm lí mộng mơ, vượt ra khỏi hiện thực bát nháo và xám xịt bằng sức mạnh khôn lường, trông chờ một tương lai nơi cái thiện sẽ chiến thắng cái ác.

Liều thuốc mê thời gian tác dụng ngắn này thật ra vẫn còn hiệu quả. Bộ phim "Người đột biến 3" đang đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng doanh thu tại Mỹ và "Siêu nhân trở về" cũng đang vươn lên vị trí thứ 6.

Đem đến cho khán giả những màn anh hùng diệt gian trừ bạo có lẽ vẫn chưa đủ. Vì vậy, Jerry Bruckheimer và đạo diễn Gore Verbinski đã thêm vào hương vị của những chuyến phiêu lưu mạo hiểm qua loạt phim "Những tên cướp biển vùng Ca-ri-bê".

Trong phần phim mới, "Chiếc rương của tử thần", các kịch bản gia còn kết hợp nét lãng tử và trào phúng của nhân vật Jack Sparrow với truyền thuyết về con tàu Flying Dutchman (Người Hà Lan Bay) để làm tăng tính huyền bí và hấp dẫn. Họ đã thắng lớn! Bộ phim không những đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu tại Mỹ mà còn phá kỉ lục sồ tiền vé thu được nhanh nhất trong những ngày đầu công chiếu.

Đến thời điểm này, doanh thu của phần 2 này đã đạt mức 400 triệu USD tại Bắc Mỹ, một con số không ngờ tới của nhà sản xuất. Một phần không nhỏ sự thành công của phim được dành cho nam diễn viên Johnny Depp bởi cách khắc họa nhân vật Jack Sparrow thật khó quên. Anh đã từng được đề cử giải Oscar "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất" cho vai diễn này trong phần một của bộ phim.
 
Một nhà làm phim dày dặn kinh nghiệm đã từng thổ lộ với tờ Washington Post: muốn kéo khán giả đến rạp thì phải chú trọng vào mảng đề tài phim gia đình, phim nhiều kĩ xảo hoành tráng và phim dành cho tuổi xì-tin. Nhưng nếu muốn làm một phim siêu ăn khách thì phải biết kết hợp cả ba mảng trên mà "Những tên cướp biển vùng Ca-ri-bê" là một minh chứng cụ thể./.


From the same category