Nữ doanh nhân Bùi Thị Mỹ Cảnh – Tổng giám đốc thương hiệu Long Beach Pearl – có một sự thanh lịch, nền nã hiếm thấy ở một nhà lãnh đạo. Cô tự nhận rằng mình không đủ “sắt đá” để làm công việc điều hành, thế nhưng 10 năm qua, cũng chính cô là người thuyền trưởng đã chèo lái Long Beach Pearl từ một ý tưởng tình cờ khởi sinh trở thành một thương hiệu ngọc trai Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Hành trình của chị với Long Beach Pearl đã bắt đầu như thế nào?
10 năm trước khi tôi và ông xã về Phú Quốc làm việc, tôi nhận thấy ngọc trai là một thị trường đầy tiềm năng, có cầu nhưng chưa có nguồn cung tốt. Là một người yêu ngọc trai và say mê cái đẹp, tôi quyết định thành lập công ty, nghiên cứu chế tác để tạo nên một thương hiệu trang sức chất lượng và có tính thẩm mỹ cao.
Thời điểm đó mọi người thường quan niệm ngọc trai chỉ để đeo vào những dịp quan trọng và dành cho những người đứng tuổi. Nhiều năm qua, tôi cùng đội ngũ đã nghiên cứu sáng tạo những thiết kế mới để ngọc trai vừa giữ được sự sang trọng vốn có, vừa có tính ứng dụng cao.
Là đơn vị chế tác vương miện độc quyền cho các cuộc thi sắc đẹp uy tín tại Việt Nam, điều mà Long Beach Pearl mong muốn truyền tải là gì, thưa chị?
Cũng như mỗi viên ngọc trai là duy nhất, mỗi người phụ nữ đều ánh lên hào quang của riêng mình. Để tạo nên một viên ngọc trai cần nhiều năm bồi đắp, cũng như thế, tôi nghĩ một người phụ nữ để đạt tới vẻ đẹp trọn vẹn cần thời gian mài giũa và vun đắp cho mình những trải nghiệm.
Người làm thời trang nói chung thường mang trong mình “máu” nghệ sĩ. Giữa doanh nhân và nghệ sĩ, chị thấy phần nào áp đảo con người mình?
Chắc tôi phải có cả hai ngang nhau mới nhào nặn nên được Long Beach Pearl như ngày hôm nay. Tính nghệ sĩ giúp tôi rung động trước cái đẹp, nhạy bén với xu hướng, còn “máu” doanh nhân khiến tôi sáng suốt để biết đâu là thứ phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nếu quá nghệ sĩ, hẳn tôi sẽ tạo ra những món trang sức không ai đeo mất!
Chị thấy mình là một người lãnh đạo như thế nào?
Tôi thường cảm thấy mình thiếu sự mạnh mẽ và không thật phù hợp với công việc điều hành. Vậy nên từ lâu tôi chỉ đóng vai một thuyền trưởng, là người đưa ra định hướng, chiến lược và nhường công việc điều hành cho người khác. Tôi không tự nhận mình là một nhà lãnh đạo thấu cảm nhưng việc chia sẻ, chăm sóc nhân viên, tôi tự tin rằng mình làm rất tốt. Trong công ty mọi người hay gọi vui tôi là “cô tiên” đấy! (cười)
Chị có nghĩ phụ nữ quá mềm mại để làm sếp không?
Đúng là phụ nữ có sự mềm mại, nhưng dùng cái mềm mại ấy để thu phục người khác cũng hay chứ? Sự dữ dằn có thể khiến người ta nể nhưng không phục. Với tôi, không có ranh giới giữa sếp nam và nữ. Sếp nào cũng cần phải có tâm và có tầm, vậy mới khiến nhân viên nể phục.
Là một người bận rộn, chị làm sao để cân bằng giữa công việc và gia đình?
Trước đây tôi dành toàn bộ thời gian cho công việc. Đại dịch ập đến cho tôi thời gian học cách cân bằng. Hiện tại tôi chỉ làm việc đến hai giờ chiều mỗi ngày, sau đó là thời gian cho gia đình. Còn thời gian cho bản thân chắc là lúc… lên giường đi ngủ, tôi đơn giản lắm!
Tôi thường lập ra thời khóa biểu cho cả nhà, khung giờ nào làm việc gì đều rất rõ ràng để không lãng phí thời gian.
Có thể nói chị vận hành gia đình cũng như cách chị vận hành công ty?
Đúng vậy, cái gì “trật” kế hoạch đều phải báo cáo ngay! (cười)
Stylist: Pun Hồ
Nhiếp ảnh: Kiệt Võ