Kinh doanh khốn khó.
Từ đầu năm đến nay, nhất là từ cuối tháng 4, khi có quyết định 780 cho phép ngân hàng cơ cấu lại nợ, thì tăng trưởng tín dụng ở nhiều ngân hàng phần lớn là từ đảo nợ. Song, đến nay nhiều doanh nghiệp làm ăn khó khăn không còn muốn đảo nợ nữa.
Anh T., nhân viên tại chi nhánh của một ngân hàng thương mại nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng ở chi nhánh của anh trong 7 – 8 tháng đầu năm là nhờ đảo nợ, nhưng đến nay thì việc đảo nợ đã giảm mạnh, vì nhiều doanh nghiệp đã không còn nhu cầu này.
Không buồn đi đảo nợ
“Họ không bán được hàng hay hàng hóa không được giá. Làm ăn ngày càng khó khăn, nhiều nơi chẳng muốn đảo nợ”, nhân viên tín dụng trên nói. Chẳng hạn, ngành nông nghiệp, cụ thể là chăn nuôi heo gà năm nay thất bại, khi giá bán cho thương lái cứ giảm dù giá bán lẻ ngoài thị trường vẫn tăng, chỉ đủ thu hồi tiền thức ăn và tiền công, còn tiền heo, gà giống thì lỗ.
Một nhân viên tín dụng khác cho biết, một lý do nữa là hiện giờ cho vay đảo nợ khó khăn hơn, vì ngày càng nhiều cơ sở kinh doanh thất bại, đảo nợ là ngân hàng gặp rủi ro mất luôn cả tiền đảo nợ. “Sự tin tưởng của nhân viên cho vay đảo nợ không còn như trước. Có những người trốn, chấp nhận bỏ luôn cả tài sản thế chấp. Nhưng có những món tiền vay lớn hơn tài sản bảo đảm nên nhiều nhân viên méo mặt không biết xử lý sao” , nhân viên này kể.
Có trên 60% doanh nghiệp lo ngại vấn đề hàng tồn kho
Đảo nợ, không kể đến những doanh nghiệp may mắn được ngân hàng cơ cấu lại nợ theo quyết định 780 của ngân hàng Nhà nước, là những doanh nghiệp đến hạn trả nợ mà không trả được, phải đi vay bên ngoài trả vào ngân hàng, rồi ngân hàng cho vay lại. Nay, theo các nhân viên ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã “xù nợ” luôn người cho vay bên ngoài, và cũng không quay lại ngân hàng vay lại món tiền đã trả. “Bây giờ người cho vay đảo nợ bên ngoài cũng thận trọng hơn”, nhân viên ngân hàng tên T. nói.
Báo cáo động thái doanh nghiệp Việt Nam quý 3/2012 do phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, trong quý 3 hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có chiều hướng xấu đi tại nhiều doanh nghiệp. Theo báo cáo, trần lãi suất cho vay hiện là 15% nhưng chỉ có 0,6% số doanh nghiệp cho rằng mức lãi vay này là hợp lý trong thời điểm hiện tại. Nếu buộc phải chấp nhận mức lãi suất 15% thì chỉ có 44,1 % doanh nghiệp thấy có thể chịu được trong thời gian lâu dài. Nghĩa là, 55,9% doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nếu phải chịu mức lãi vay này trong lâu dài. Có 31,1% doanh nghiệp cho rằng mức lãi suất hợp lý từ 10 – 11%, và 31,7% cho là mức 8 – 9%. Có 63,1% doanh nghiệp cho rằng hàng tồn kho thực sự là mối lo ngại của doanh nghiệp trong giai đoạn này, trong đó 34,7% doanh nghiệp có hàng tồn kho quý 3 tăng lên so với quý 2 và 33,5% bằng với quý 2.
Tín dụng chưa có lối ra
Báo cáo của VCCI cho biết, trong chín tháng đầu năm 2012, có khoảng 40.200 doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011. Theo số liệu của bộ Kế hoạch và đầu tư, năm 2011 có 53.000 doanh nghiệp đóng cửa và phá sản. Như vậy, con số doanh nghiệp phải đóng cửa trong hai năm 2011 và 2012 chiếm khoảng 40% tổng số doanh nghiệp phải đóng cửa kể từ khi đổi mới đến nay.
Ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc ngân hàng Eximbank cho biết, tăng trưởng tín dụng đến nay của Eximbank âm gần 3% so với mức âm 2,3% của tám tháng trước. “Các khoản cho vay mới lãi suất rất thấp, chỉ 9 – 10%. Hợp đồng cũ thì cũng đã kéo lãi suất về hết rồi, nhưng tín dụng vẫn chưa khơi thông được”, ông Phước nói. Theo ông Phước, nhiều doanh nghiệp không bán được hàng hóa, hàng tồn kho tăng cao, dòng tiền gần như không có lưu chuyển, Eximbank chủ động giảm bớt cho vay để bảo đảm an toàn vốn. Ngoài ra, làm ăn không được nên hầu như không ai đi vay mới, ở Eximbank hiện đa số tín dụng mới là các khoản vay nhỏ lẻ.
Tương tự như vậy, nhân viên của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn khác cho biết, “lệnh” từ lãnh đạo là hạn chế cho vay mặc dù ngân hàng còn chỉ tiêu nhiều.
Theo báo cáo vĩ mô chín tháng của công ty chứng khoán VCBS, mức tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng thương mại lớn có nhiều khoản vay liên quan đến dự án của Chính phủ và các gói hỗ trợ vẫn tiếp tục được cải thiện, nhưng hoạt động cho vay ở các ngân hàng khác vẫn cầm chừng hoặc chỉ tập trung thu hồi nợ xấu. Theo VCBS, vấn đề lãi suất không còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Thay vào đó, việc giải quyết nợ xấu, xử lý những yếu tố tồn tại của nền kinh tế, gồm tổng cầu – sức mua thấp, hàng tồn kho tăng cao mới là những tác nhân chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Theo ông Trương Văn Phước, ba tháng tới đây, khi sức cầu của nền kinh tế vẫn chưa cải thiện, lưu chuyển hàng hóa vẫn khó khăn thì tín dụng vẫn sẽ tiếp tục bấp bênh. “Tập trung thu hồi nợ, xử lý nợ xấu, hạn chế giải ngân mới là ưu tiên hàng đầu, và như vậy chúng tôi chấp nhận cái giá phải trả là tín dụng âm”, lãnh đạo một ngân hàng khác cho biết.
Theo SGTT