Đoán thì tương lai của nhạc đại chúng: Tha hồ mà “nghịch nhạc”! - Tạp chí Đẹp

Đoán thì tương lai của nhạc đại chúng: Tha hồ mà “nghịch nhạc”!

Giải Trí

Tương lai là ngày mai, là 5 năm, 10 năm, 20 hoặc 100 năm nữa. Ai cũng biết tương lai… ở đó, nhưng phác thảo về nó, không hề đơn giản. Bởi song hành cùng những háo hức, thú vị về tương lai, người ta không tránh khỏi  trăn trở.

Nhưng tại sao cứ phải nghĩ về tương lai? Vì có lẽ A.Einstein nói đúng: “Đôi khi tưởng tượng còn quan trọng hơn cả hiểu biết” (Imagination is more important than knowledge). Chính sự tưởng tượng sẽ tạo nên tương lai!

Đó là lý do, đầu năm mới, Đẹp mời bạn đọc cùng du hành trên những chuyến tàu đến tương lai. 

Nếu bạn là người thường xuyên theo dõi các tạp chí hoặc trang web về âm nhạc đại chúng uy tín như Rolling Stone, Billboard hay Spin…, sẽ thấy: Cứ cuối năm lại có những bài viết dạng “10 gương mặt sẽ nổi bật trong làng nhạc năm tới”. Nhưng thực tế, đa số các dự đoán đó thường là… sai. 10 người giỏi lắm được 1 người, thậm chí… chẳng được ai.

Vậy thì để trả lời câu hỏi: “Tương lai của âm nhạc đại chúng là gì”, khác nào một “điệp vụ bất khả thi”!

Nhưng liệu chúng ta có manh mối nào đó cho câu hỏi này không? Bài viết này, tôi muốn nói về 2 manh mối thú vị mà với cá nhân người viết, nó cho một cảm giác tương đối rõ nét về thì tương lai của nhạc đại chúng…

Album “Biophilia” của Bjork

Nhạc = Nghe + Tương tác

Giờ đây có lẽ rất hiếm ca sĩ hay nhóm nhạc đại chúng nào khi phát hành album mới lại không kèm một music video (MV) để chiếu trên các kênh truyền hình hoặc YouTube. Đó là minh chứng rõ ràng về khái niệm nhạc với bao hàm không chỉ “nghe” mà còn phải “nhìn” hay “xem”. Nhưng chắc chắn sẽ có ngày mà việc “xem + nghe” ấy trở nên lỗi thời. Đó là khi “xem” không còn đủ nữa, người ta còn có thể tương tác với nhạc hay nói cách khác là… nghịch nhạc!

Chuyện này thực ra cũng chẳng có gì phải tưởng tượng nhiều. Nếu bạn có một chiếc iPhone hay iPad, hãy thử tải về ứng dụng “Biophilia” của ca sĩ Bjork, bạn sẽ được trải nghiệm thế nào là “nghịch nhạc”.

Ứng dụng này không mới mẻ gì. Nó ra đời năm 2011 cùng với album phòng thu thứ 8 của nữ ca sĩ tiên phong người Iceland. Có thể miêu tả đơn giản ứng dụng này là 10 ca khúc của đĩa nhạc được chuyển hóa thành 10 trò chơi tương tác, người dùng có thể tùy biến phần âm nhạc của các ca khúc tương ứng với nội dung. Chẳng hạn, bạn được rơi vào hành trình tương tác giữa các tế bào trong ca khúc “Virus”, hay có thể vẽ âm thanh bằng từ tính trong ca khúc “Thunderbolt”.

Bjork giải thích “Biophilia” không chỉ là đĩa nhạc mà còn là một dự án nghệ thuật kết hợp 3 yếu tố: âm nhạc, tự nhiên và khoa học. Cô muốn “vật lý hóa” âm nhạc và tạo ra những phương thức hưởng thụ âm nhạc mới. Năm ngoái, dự án của Bjork đã chính thức đi vào một số trường tiểu học ở Bắc Âu với hình thức các tiết học tương tác qua iPad để kích thích các cô cậu nhóc tì thích thú với vật lý cũng như âm nhạc.

Đến đây, thử đặt một câu hỏi khác: ai sẽ tạo nên tương lai của nhạc đại chúng? Khán giả, những người tạo ra công nghệ mới hay nghệ sĩ? Tôi nghĩ đó là các nghệ sĩ. Hãy thử bàn tiếp về một trường hợp khác…

Album “Biophilia” của Bjork

Nhạc của tôi, mời quý vị… chơi!

Năm 2012, nam ca sĩ/nhạc sĩ người Mỹ Beck gây bất ngờ với một dự án khá thú vị. Anh không phát hành đĩa nhạc trên CD, LP hay thậm chí bằng phiên bản nhạc số bán trên iTunes, mà là một tập sách nhạc. “Song reader” in 12 bản nhạc mà Beck viết ra nhưng anh không thu âm chúng mà mời mọi người, khi mua cuốn sách nhạc thì hãy tự chơi các ca khúc.

Thực ra tôi nghĩ chuyện này có vẻ giống với cách các nhạc sĩ đã làm cách đây vài thế kỷ, khi chưa có công nghệ ghi âm, và đó hẳn là cách duy nhất để họ xuất bản các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, những công nghệ như YouTube hay Soundcloud đã tạo ra hàng trăm, thậm chí cả ngàn phiên bản khác nhau của album “Song reader”, được thực hiện bởi những nghệ sĩ và những người có khả năng đọc bản nhạc trên khắp thế giới. Đó hẳn là sự khác biệt giữa nghệ sĩ Beck của thế kỷ 21 với (chẳng hạn) một ông Beethoven soạn nhạc thiên tài của thế kỷ 17. Mặc dù không khó khăn gì để chơi một bài hát nếu bạn biết đọc bản nhạc và chơi nhạc, nhưng việc làm vừa mới lạ vừa “cũ mèm” của Beck đã đánh động một vấn đề khác, đó là sự vô hạn của sáng tạo. Tờ Rolling Stone xếp album không bản ghi âm của Beck vào danh sách 50 album hay nhất năm 2013. Nhưng họ cũng bình luận đây là một tác phẩm âm nhạc “đáng ghét với những ai không thể đọc bản nhạc và không biết chơi nhạc mà chỉ thích nghe nhạc mà thôi”! Còn ngược lại, nếu bạn biết đọc bản nhạc và chơi nhạc, 12 bài hát của Beck đã trở thành 12 ca khúc của bạn.

Album “Song Reader” của Beck

Chính sự tưởng tượng sẽ tạo nên tương lai!     

Vậy tương lai nào ở một chuyện có vẻ không mới mà chỉ lạ? Tôi tin sẽ có những công cụ ra đời để một hôm nào đó, một người thích nhạc Beck mà không biết đọc bản nhạc như tôi có thể tống cái đống nốt nhạc trên giấy loằng ngoằng đó vào và những giai điệu sẽ từ đó chui ra. Xa hơn nữa, tôi có thể tương tác như cách Bjork rủ bạn “nghịch” nhạc, với những thứ được chuyển hóa đó và thay đổi chúng một cách hoàn toàn cảm tính chứ chả cần hiểu biết gì cả. Và tất nhiên, nếu điều đó xảy ra, tôi tin rằng khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả sẽ thay đổi đáng kể. Khi mà bạn không chỉ nghe thứ người khác tạo ra, bạn nghe thứ bạn tạo ra, thứ bạn “tùy biến” theo khẩu vị của mình, thứ mà có thể người khác cũng sẽ thích nghe, vậy thì bạn là khán giả hay nghệ sĩ?

Khi mà bạn không chỉ nghe thứ người khác tạo ra, bạn nghe thứ bạn tạo ra, thứ bạn “tùy biến” theo khẩu vị của mình, vậy thì bạn là khán giả hay nghệ sĩ?
Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng một trải nghiệm khác, bộ phim “Doraemon – Stand by me” tôi mới được xem. Tôi cố thử tìm xem trong những món đồ thần kỳ mà chú mèo máy từ tương lai mang tới cho cậu bé Nobita ở thế kỷ 20 có món nào đã xuất hiện ở hôm nay, năm thứ 14 của thế kỷ 21? Ít nhất, bức ảnh điện tử của Doraemon khiến tôi nghĩ ngay tới những khung ảnh điện tử mà thực ra đã lỗi mốt.  Tương lai có thể rất xa nhưng cũng có thể ngay gần. Và thậm chí, tương lai tôi vừa “chém” với bạn sẽ chẳng đúng như những dự báo về nghệ sĩ sẽ nổi tiếng trong 12 tháng tới. Nhưng tại sao cứ phải nghĩ về tương lai? Vì có lẽ A.Einstein nói đúng: “Đôi khi tưởng tượng còn quan trọng hơn cả hiểu biết” (Imagination is more important than knowledge).

Chính sự tưởng tượng sẽ tạo nên tương lai!

Bài: Độc Cầm

logo

Thực hiện: depweb

30/12/2014, 16:05