Đồ vô ý thức! Ai thế?

Khu phố may mắn…

Đường đi trong khu phố tôi ở lúc nào cũng khá sạch. Nhà đối diện nơi tôi ở có một bà giúp việc sáng sớm nào cũng quét dọc khu phố. Chẳng ai bắt bà làm thế cả, có lẽ bà thấy nếu chỉ quét trước nhà mình chả mấy chốc gió lại thổi rác qua, bà phải quét lại; hay bà “nhà quê” rảnh, buồn tay?… Không có ai thắc mắc thành tiếng cả. Chỉ thấy người nào cũng hài lòng. Vài người thỉnh thoảng dúi vào tay bà vài chục nghìn, gọi là tiền trà nước, kèm theo nụ cười thay lời cảm ơn. Vâng, đó không gọi là trả công…

Nhà hàng xóm có con chó to, đêm nào hai vợ chồng cũng dắt ra ngoài cho nó “vui vẻ”. Hai người luôn sẵn sàng tay chổi, tay xô nước để làm sạch ngay đồ thải của thú cưng, không để lại dấu vết nào. Như thế nên cũng không gây lời ra, tiếng vào từ những người láng giềng.

Các nhà trong khu phố tôi ở hiếm khi nào thấy mở nhạc lớn hay cãi vã to tiếng nhất là về đêm. Không có tiếng nẹt pô xe. Hôm nào về khuya lỡ tay đóng mạnh cửa tôi chợt thấy áy náy và có phần tự mắc cỡ và giỏng tai nghe ngóng xem có tiếng hàng xóm “phàn nàn” không, rồi tự nhủ lần sau nhớ nhẹ tay…

vo-y-thuc-3

Ý thức – mi ở đâu?
Hàng ngày, ở nhà, ngoài xã hội, trong cơ quan chúng ta đều chứng kiến rất nhiều điều “chướng tai, gai mắt” đến mức nghịch lý: cứ chỗ nào có bảng cấm thì người ta lại làm điều ngược lại! Cấm xả rác thì dưới là đống rác. Cấm tiểu thì… ôi khai quá. Đèn đỏ mà không có cảnh sát giao thông thì cũng như đang… đèn xanh! Cái gì thuộc về “công cộng”, “chung” thường đồng nghĩa với “Không thuộc về ai – Cứ thỏa mái – Không sao cả”.

Từ lâu, chúng ta đã có luật yêu cầu người ngồi trên phương tiện xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm. Nhưng nhiều năm tình trạng không đội là phổ biến. Các phương tiện truyền thông nói “Ý thức của người tham gia giao thông kém, coi thường tính mạng của mình.” Thử hỏi ai không sợ chết nhỉ? Nhưng sao ít người chịu đội? Từ 15/12/2007 tỷ lệ đội mũ bảo hiểm tăng đột ngột, có nơi gần 100%. Ý thức dân ta tăng ấn tượng? Người thạo chuyện thì cười: “Ấy là do tiền phạt “đủ đô”, cảnh sát giao thông hiện diện khắp chỗ, chứ thử nhìn xem người ta đội nón gì, có đúng chất lượng, đúng cách không?” Vậy là người ta mới chỉ “có ý thức” với tiền phạt, với “vẻ đẹp thời trang” chứ chưa thực sự có ý thức đối với sự an toàn tính mạng của bản thân mình khi chọn mua nón.

 vo-y-thuc-4

Ý thức là gì?

Theo từ điển tiếng Việt, ý thức là sự nhận thức đúng đắn, biểu hiện bằng thái độ, hành động cần phải có. Ví dụ: có ý thức giữ gìn vệ sinh chung là cần hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích của việc giữ gìn vệ sinh chung, hiểu giữ vệ sinh là phải làm gì, làm như thế nào, vào lúc nào; và phải làm đúng như thế ngay cả khi chỉ có một mình, khi thấy ai xả rác cần tỏ thái độ không đồng tình và nhắc nhở họ làm đúng. Thêm ví dụ về ý thức trách nhiệm: tức là khi đảm nhiệm một vị trí (đóng một vai) bạn cần nhận rõ những công việc, kết quả mình phải hoàn thành, phạm vi quyền hạn được quyết định và những điều không được làm, và làm tròn các trách nhiệm đó một cách kịp thời, đúng luật.

Theo nghĩa trên, để có ý thức đầy đủ về một việc nào đó quả là không dễ, nhưng không phải bất khả thi. Người ta (nước khác) làm được thì tại sao ta không thể? Người Việt Nam thông minh, kiên cường trong chiến tranh giành độc lập không lẽ gì lại ngưng lại trong việc đạt đến sự văn minh cho chính mình.

Làm sao để có ý thức?

Có những người không nhận thức được việc mình làm có hại gì, có người nhận thức được nhưng không đầy đủ. Nhiều người nhận thức rõ về ảnh hưởng có hại do hành động của mình, nhưng vì lợi ích, sự tiện lợi trước mắt cho bản thân mà họ vẫn chọn làm điều mà họ phản đối nếu người khác làm. Nhận thấy hành vi thiếu ý thức ở người khác đã thành thói quen của nhiều người, nhưng để có sự cải thiện khả quan thì chúng ta nhìn nhận bản thân mình thực sự đã có ý thức đó hay chưa và, trước hết, làm cho mình trở nên có ý thức đầy đủ hơn. Vâng, tự phê bình rồi hãy phê bình; tự chỉnh mình rồi chỉnh người.

Để có ý thức với vấn đề gì điều kiện cần là phải có hiểu biết đầy đủ về nó và điều kiện đủ là phải chứng minh (thể hiện) bằng những thái độ, hành động cụ thể. Để đạt được sự hiểu biết phải tự học và/hoặc được giáo dục đúng thứ cần phải nắm vững, thực hiện đúng cách, tới mức độ đủ để “thấm”. Hiểu biết ở đây không dừng lại ở mục đích, bản chất, lợi ích của việc cần làm mà còn biết cả cách làm, cách thể hiện mà bản thân có thể thực hành. Sau đó, điều kiện đủ để thể hiện ý thức là phải chứng minh bằng hành động cụ thể, một cách nhất quán, bền vững.

Nhưng nếu không nhớ và thiếu động lực tác động (bên trong, bên ngoài) thì sự tuân thủ sẽ mang tính nhất thời, phong trào thậm chí không diễn ra. Với bản thân thì bạn nên suy nghĩ đến ý nghĩa, lợi ích lâu dài trong hành động của mình đối với chính mình để có động cơ. Nếu ở vai trò quản lý, bạn nên tổ chức tuyên truyền, huấn luyện kiến thức, kiểm tra, đôn đốc, tuyên dương thành tích, người tốt, việc tốt thành chu kỳ lâu dài; kèm đó là các biện pháp chế tài “đủ đô” – tức đủ khiến người ta thay đổi hành vi. Không đội nón bảo hiểm phạt 150.000đ là ví dụ điển hình!

Nếu làm nửa vời, hành vi mới chưa trở thành thói quen mới, ta sẽ “ngựa quen đường cũ”. Khi việc kiểm tra lơ là, giảm, việc tuyên truyền nhắc nhớ giảm thì tỷ lệ không đội nón bảo hiểm lại… tăng. Do đó, phải làm đủ lâu, thậm chí thành nhiệm vụ thường trực.

Nếu hô hào làm mà không chuẩn bị đủ nguồn lực cần thiết thì cũng không thay đổi được gì, thậm chí còn làm tăng tình trạng “lờn thuốc”. Chúng ta treo banner “bỏ rác vào thùng” khắp phố, nhưng kiếm đỏ mắt không thấy thùng đâu, và ném rác ở đâu cũng… chẳng sao cả. Làm “tướng lên đài” cũng “nhục” lắm, nhưng bí quá mà chẳng thấy nhà vệ sinh công cộng đâu, và có làm thế cũng chẳng gặp rắc rối gì. Vậy thì kết quả sau đó là gì, không nói ra nhưng ai cũng rõ.

Mỗi hành động đều xuất phát từ một suy nghĩ. Do vậy, trước khi chọn làm việc gì, hãy suy nghĩ đầy đủ, hệ thống, nếu thấy có lợi cho mình và cho người khác thì mới làm. Đã hiểu lợi ích, đã nói là làm, đã làm là làm cho đến nơi, đến chốn, cho thành thói quen hay, thành nếp tốt đẹp.

Những việc hôm nay ta nhận thức là đúng ngày mai chưa hẳn còn đúng, vì thế, ta cần phải nâng tầm hiểu biết của mình lên bằng cách tự học liên tục. Học mọi nơi, mọi lúc, từ bản thân và từ mọi người, từ mọi nguồn. Học để làm, để nâng cao ý thức,để góp phần tạo một cuộc sống có ý nghĩa hơn cho chính mình và người thân yêu của mình. Làm được thế bản thân bạn là tấm gương sáng về ý thức rồi.

Theo Tinnhanh


From the same category