Những tòa nhà E, A, G tại khu đô thị Đền Lừ, quận Hoàng Mai mới xây dựng từ 2005 nhưng trông đã “xuống cấp” và nhếch nhác bởi “lồng cọp” nhô ra từ các lan can tòa nhà. Đứng từ ngoài đường nhìn lên, tầng 5 của nhà E dày đặc những phần cơi nới rộng chừng 5m2 được quây kín bởi những tấm sắt, tấm nhôm. Hình ảnh này xuất hiện ở hầu hết các tòa nhà chung cư mới ở nơi đây.
Theo ông Nam, sống tại tòa nhà A (tổ 84 phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai), thiết kế phòng ở đây có diện tích gần 60m2 với hai phòng ngủ, phòng khách và bếp. Tuy nhiên, có căn hộ ở tầng 2 được cơi nới ra ngoài lan can và sửa chữa thêm một phòng mới. Còn hầu hết các nhà cơi nới ra lan can khoảng chừng 20 – 30 cm, rào lại bằng thanh sắt để làm chỗ trồng hoa, phơi quần áo.
Bà Hạnh, Tổ trưởng tổ dân phố số 87, phường Hoàng Văn Thụ sống tại tầng 8, nhà E, khu đô thị Đền Lừ cho hay, cho tới thời điểm này, những hộ dân cơi nới tại khu chung cư này chưa hề bị xử lý.
Không chỉ ở khu vực khu đô thị Đền Lừ, nhà G9 ngõ 40 Xuân La cũng rơi vào tình trạng trên. Nhìn phía sau, rất nhiều “chuồng cọp” được cơi nới lơ lửng trên không. Đi từ hướng Xuân Đỉnh ra đường Xuân La, rất ít người nghĩ tòa nhà này là tòa nhà mới được xây dựng vài năm và là chung cư hiện đại.
Đặc biệt, “chuồng cọp” được dựng nhiều tại các tòa nhà N6A, N6D, N6C, N6E… thuộc khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính. Nằm ngay tại khu đô thị hiện đại, văn minh vào bậc nhất của thành phố Hà Nội nhưng nơi đây như biệt lập với sự chỉn chu của một đô thị mới khi có khung cảnh xấu xí với vô số “chuồng cọp” đeo bám các tòa nhà. Từ tầng 2 trở lên cho tới tầng 6, hầu như lan can nhà nào cũng được cơi nới rộng ra từ 20 – 30 cm, thậm chí có nhà cơi nới rộng tới cả 1 m để phơi quần áo, trồng cây cảnh, để làm phòng ngủ… Vào đây, nhiều người lầm tưởng đang ở trong những khu tập thể cũ.
Sống ở nhà G9, Xuân La đã 5 năm, anh Khánh (P804) cho hay, theo quy định của khu dân cư ở đây không nhà nào được phép cơi nới mà chỉ được xin phép sửa chữa lại lan can cho an toàn khi có trẻ nhỏ hoặc để trồng cây, phơi quần áo. Anh Khánh tỏ ra khó hiểu khi những căn hộ mặt sau cơi nới rộng từ 50 – 1 m ở ngoài ban công nhưng vẫn không có ai xử lý.
Quản lý yếu kém
Ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng, việc cơi nới ở các ngôi nhà làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới cuộc sống xung quanh. Những khu đô thị văn minh có những ngôi nhà cơi nới sẽ trở nên nhếch nhác. Đồng thời, việc cơi nới của các căn hộ sẽ gây nguy hiểm.
Ông Chủng lý giải: “Đối với mỗi căn hộ trong tòa nhà khi thiết kế ban đầu không tính toán đến việc sẽ thay đổi và gia cố thêm thì khi sửa chữa, cơi nới sẽ khiến cho hệ thống chịu lực của ngôi nhà bị mất đi. Việc này sẽ ảnh hưởng và khiến cho căn hộ, tòa nhà có khả năng bị biến dạng. Việc mở rộng đuôi ở ngoài lan can (hay thường gọi là “chuồng cọp”) sẽ rất khó khăn cho lực lượng cứu hộ tiếp cận khi xảy ra hỏa hoạn. Theo quy định của pháp luật không cho phép làm như vậy vì làm ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng công trình và có thể gây nguy hiểm đối với cuộc sống của những người dân sống tại công trình đó”.
Theo ông Chủng, nguyên nhân chính là do quản lý nhà tái định cư yếu kém. Người dân bầu ra ban quản lý nhưng ban quản lý không quản nổi. Chính quyền thì bỏ mặc nên một người cơi nới được, nhiều người khác cũng cơi nới được. “Theo quy định của pháp luật không cho phép cơi nới nhà chung cư nhưng không hiểu sao nhiều người vẫn làm thoải mái?”, ông Chủng băn khoăn.
Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cũng cho hay, hiện nay chúng ta chưa quan tâm tới khâu quản lý của các chung cư do thiếu khuôn khổ pháp luật và khuôn khổ thể chế; năng lực của bộ máy làm quản lý yếu; trách nhiệm của chính quyền đối với các loại hình nhà ở, nhất là chung cư cao tầng còn thấp.
“Tại Việt Nam, chúng ta mới chỉ quan tâm tới việc kinh doanh chung cư, làm thế nào để bán nhiều chung cư chứ chưa quan tâm tới việc quản lý sau khi đi vào hoạt động như thế nào. Vì vậy mới dẫn tới những xung đột giữa người dân và chủ đầu tư sau khi sử dụng chung cư một thời gian”, ông Liêm khẳng định.
Để giải quyết vấn đề này, ông Chủng cho rằng cần phải ngăn chặn ngay từ ban đầu và có biện pháp xử lý nghiêm minh. Hơn nữa, người dân sống trong những ngôi nhà chung cư vốn có nhiều thiệt thòi. Vì thế, để người dân sống tốt hơn cần phải quản lý theo mô hình văn minh, phổ biến cho bà con hiểu quy định của pháp luật để cùng xây dựng môi trường sống tốt chứ không thể buông lỏng để ai muốn làm gì làm.
Theo Vietnamnet