Đỗ Thanh Hải: Vì món ăn đó không thể nấu nữa

Năm đầu tiên đảm nhận cương vị mới: Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN (VFC), đạo diễn Đỗ Thanh Hải có một năm áp lực hơn bao giờ. Anh chia sẻ với Đẹp về cách thích ứng với vai trò mới, về những thay đổi ngoài mong muốn của làn sóng xã hội hóa truyền hình, và cả về quyết định khó khăn nhất trong năm đối với VFC: Dừng phát sóng bộ phim hài sitcom “Những người độc thân vui vẻ”…

Một năm “đứng mũi chịu sào” trên cương vị mới, áp lực công việc với vị tân Giám đốc VFC có nặng hơn nhiều? Cách nào để anh cân bằng giữa “trái tim nóng“ của một người làm công việc sáng tạo và “cái đầu lạnh” của một nhà quản lý?

Khi mình đảm trách một công việc mới, lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên giai đoạn đầu tiên là thời gian để học, trao đổi và lựa chọn các giải pháp. Đương nhiên, làm công tác quản lý thì những sáng tạo cá nhân, những cách nghĩ của mình cũng phải điều chỉnh để hướng đến cả một tập thể với nhiều cá tính nghệ sỹ.

“Cái tôi” của bản thân vì vậy mà lắm khi phải gác lại, để tìm kiếm tiếng nói chung hiệu quả nhất. Những lúc ấy, “trái tim nóng” cần đem lại nhiệt huyết cho mọi người. Hay khi mình thấy đồng nghiệp làm phim, dù có thoáng chút chạnh lòng, tiếc nuối thì lại phải dùng đến “cái đầu lạnh” để xác định rõ công việc mình đang phải gánh vác.

Riêng với VFC, một đơn vị sản xuất phim thì các công việc chuyên môn vẫn trong guồng hoạt động hết công suất nên không phải vì làm quản lý mới có áp lực mà với chúng tôi, luôn có một áp lực rất lớn là phải làm các chương trình, các bộ phim có nội dung hấp dẫn.

Năm 2009. VFC vẫn duy trì được những chương trình có chất lượng, thu hút khán giả như Táo quân, cho lên sóng chương trình Giải trí cuối tuần Rubic 8 gồm phim truyền hình và các chuyên mục giải trí phát sóng chiều thứ 7 và chủ nhật…

Phim truyền hình VN trong năm qua vẻ như nghiêng nhiều về mảng phim giải trí, thành thị, thay vì đề tài nông thôn miền Bắc – vốn là thế mạnh của phim truyền hình VN. Nhìn vào những bộ phim dài tập sẽ phát sóng trong năm nay, anh thấy có thay đổi nào là đáng kể?

Có thể thấy, phim truyền hình (TH) VN năm 2009 phát triển nhanh về số lượng, có sự tham gia sản xuất của nhiều đơn vị làm phim mới. Và cũng thẳng thắn nhận xét là chất lượng phim chưa cao, không có những tác phẩm gây được dấu ấn về nội dung.

Có thể nhiều người nói đây là một xu hướng tiếp cận khán giả nhưng tôi cho rằng đây là cách làm phim bị chi phối về kinh doanh thương mại. Các nhà làm phim chịu tác động từ đơn vị bỏ tiền đầu tư nên buộc phải thỏa hiệp để đưa vào bộ phim những yếu tố “màu mè”.

Một món ăn ngon trước hết phải được nấu giỏi, đúng liều lượng và phụ thuộc nhiều nhất vào tay nghề của người đầu bếp, các loại “rau thơm” bày biện lên đó chỉ giúp món ăn thêm hấp dẫn. Nếu các bộ phim TH cứ chỉ loanh quanh đời sống thành phố, tình yêu tay ba, tay tư với quần áo đẹp, xe đẹp thì dù có đẹp đến mấy, sang trọng đến mấy, khán giả cũng sẽ chán.

Một bộ phim khi phát sóng cần để lại cho người xem những cảm xúc nhất định, một suy nghĩ nào đó về những điều gần gũi, gắn với cuộc sống quanh mình. Bởi vậy, tôi hy vọng đợt phim giải trí năm vừa rồi chỉ giống như cơn gió lạnh ào qua, đem chút cảm giác mới lạ cho khán giả. Còn để phát triển lâu dài, phim TH phải là những câu chuyện khai thác được nhiều góc độ tình cảm với các thân phận con người đa dạng trong xã hội.

Vì vậy năm 2009, thay vì chạy theo sự khai thác ào ạt đề tài đô thị hiện đại, tình yêu thanh niên có lối sống giàu sang, VFC lại âm thầm chuẩn bị những bộ phim khai thác những câu chuyện giản dị, gắn với những con người thực sự đáng trân trọng như 50 tập “Bí thư Tỉnh ủy” nói về một giai đoạn trong cuộc đời của bí thư Kim Ngọc, các chiến sỹ cảnh sát với những chiến công thầm lặng qua các phim “Cảnh sát điều tra”…

Có thể những bộ phim này không dễ dàng được các nhà kinh doanh lựa chọn để quảng cáo nhưng chúng tôi nghĩ, một nền phim THVN không thể phát triển bền vững dựa trên sự định hướng của các nhà thương mại quảng cáo.

Lúc này, nhìn lại quyết định khó khăn: Ngừng phát sóng “Những người độc thân vui vẻ”, tâm trạng của anh thế nào? Với kinh nghiệm thu được, liệu VFC có đủ can đảm phiêu lưu một lần nữa với kịch bản hài nhập ngoại nói chung và sitcom nói riêng?

Việc dừng “Những người độc thân vui vẻ” chỉ đơn giản vì món ăn đó không thể nấu nữa, khi khán giả muốn lựa chọn thực đơn khác. Do vậy ở đây không có gì trầm trọng hóa như một số bài viết báo chí đã khai thác.

Việc làm phim có kịch bản nước ngoài hay sitcom thì chắc chắn sẽ vẫn làm, bởi so với thế giới và các nước trong khu vực, đội ngũ làm phim nói chung và những người viết kịch bản của chúng ta nói riêng vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm như các bạn nghề nước ngoài.

Nhất là với phim TH dài tập, rõ ràng chúng ta mới chỉ tiếp cận vài năm nay và tự mày mò, đúc kết kinh nghiệm là chính, chứ rất ít người được đào tạo cơ bản. Vậy tại sao lại từ chối những kinh nghiệm, hay những thành quả mà họ đã làm tốt, làm giỏi hơn mình? Vấn đề chỉ là cách lựa chọn nội dung nào cho phù hợp để khi chuyển thể thành bộ phim chiếu cho khán giả VN, sẽ có được những món ăn vừa miệng hơn.

“Thương hiệu” Đỗ Thanh Hải luôn gắn liền với “Táo quân” – chương trình truyền hình được chờ đợi nhất trong năm. Xin anh một vài bật mí về chương trình Táo quân năm nay, liệu có gì mới so với Táo quân 2009?

Để có được một chương trình Táo quân hấp dẫn, xứng đáng với thương hiệu của nhà đài, kịch bản chương trình phải kinh qua rất nhiều lần đào xới, chỉnh sửa, ngay cả khi đã lên sàn tập. Nội dung Táo quân năm nay thì chắc vẫn là những vấn đề gắn liền với xã hội năm qua, là những sự kiện gắn liền với đời sống người dân như chuyện đi lại, vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyện học hành và nỗi ám ảnh về các khoản chi tiêu ngày càng tăng trong các gia đình hiện nay…

Nhưng quan trọng hơn vẫn là cách thể hiện thế nào cho hấp dẫn để đem lại những tiếng cười nhiều ý nghĩa cho khán giả trong đêm 30 tiễn biệt năm cũ. Muốn vậy, đương nhiên phải có những “mẹo” mới để khán giả không thấy chương trình bị lặp lại. Tuy nhiên, muốn biết Táo quân 2010 sẽ có sự “đổi món” thế nào, xin hãy chờ đến đêm 30 Tết!


Thực hiện: Thư Quỳnh


From the same category