Đỗ Nhật Nam: "Tôi nghĩ mình chưa đạt được đến chữ 'Thầy' cao quý" - Tạp chí Đẹp

Đỗ Nhật Nam: “Tôi nghĩ mình chưa đạt được đến chữ ‘Thầy’ cao quý”

Sống

Có bố mẹ làm giáo viên vui không?

Câu trả lời của tôi là có cả vui và không vui.

Bố mẹ tôi là giáo viên của một trường đại học. 20/11 năm nào nhà tôi cũng ngập tràn hoa, có lần mẹ phải cắm cả hoa vào… xô mới hết. Bố mẹ luôn hạnh phúc khi gặp lại học trò cũ. Bố đi dạy ở rất nhiều nơi trên đất nước và tôi hay được đi cùng bố, vì thế tôi có điều kiện đặt chân đến hầu hết các tỉnh thành ở Việt Nam. Nhưng vui nhất là đi đến đâu bố cũng rộn ràng khi gặp lại học trò cũ, làm tôi cũng được vui lây với bố.

Có bố mẹ là giáo viên vui vì tôi được “đọc ké” rất nhiều sách dạy học của bố. Bố nghiên cứu về ngôn ngữ nên ngay từ nhỏ, bố đã muốn tôi đọc những sách liên quan đến chuyên ngành này. Tôi đã “lớn lên” rất nhiều từ kho tàng sách vô giá đó. Có bố mẹ là giáo viên vui vì bố mẹ hiểu rất rõ về hình thức giáo dục con cái, cách tiếp cận với con cái cho phù hợp. Nhà tôi ít khi diễn ra “mâu thuẫn” giữa bố mẹ và con, có lẽ nhờ điều đó. Có bố mẹ là giáo viên vui vì khi đến trường có khi chính cô giáo của mình lại là học trò của bố. Nhiều bài của tôi, có lần cô giáo còn hài hước là để về cho bố chấm hộ.

Nhưng có bố mẹ là giáo viên cũng có lúc chưa vui, ví như mỗi khi bố mẹ không hài lòng về cách cư xử của học trò, lúc về nhà mâm cơm sẽ buồn hiu. Có bố mẹ là giáo viên cũng hơi áp lực vì mọi người có thể sẽ nói: “Sao con thầy mà ‘í ẹ’ thế.”

Mồ hôi đã rịn trên tấm lưng của “thầy giáo” Đỗ Nhật Nam, nhưng Nam vẫn say sưa với công việc của mình.

Chữ “thầy” ngày nay

Nghề làm thầy bao giờ cũng là nghề cao quý, tuy nhiên, càng ngày nội hàm của chữ “thầy” càng nên được hiểu rộng ra.

Thầy có thể là người nông dân dạy ta về cách làm ăn trung thực để đem đến những gánh rau sạch, an toàn.
Thầy có thể là người công nhân dạy ta về sự cần mẫn, hết mình với công việc dù đêm hôm sớm tối. Thầy có thể là người lao công dạy ta về tình yêu lao động. Thầy có thể là một em bé dạy ta cách nhìn cuộc đời hồn nhiên, tươi tắn. Hoặc có thể là một người tàn tật dạy ta về nghị lực trong cuộc đời.

Những người thầy đó ai cũng có thể tìm được cho mình. Họ có ở xung quanh. Miễn là ta mở lòng để đón nhận và học hỏi.

“Thầy Việt” có khác “Thầy Mỹ”?

Tôi nghĩ họ giống nhau, bởi trước hết đều là những người làm công việc truyền dạy kiến thức, đều có mối quan tâm chung là học trò.

Nhưng họ cũng khác nhau.

Theo cảm nhận của tôi, dường như làm thầy ở Mỹ ít chịu áp lực hơn về việc “giữ thể diện”. Trong lớp, thầy cô sẵn sàng nhận sai mà không bị học trò đánh giá là chưa tốt, chưa có hiểu biết sâu rộng. Mỗi khi có học trò tìm ra lỗi sai của mình, các thầy cô tỏ ra rất vui và hạnh phúc.

Có lẽ vì vậy học trò ở Mỹ không băn khoăn nếu cần tranh luận với thầy cô, không phải tìm thời cơ thích hợp để hỏi lại thầy về điểm số. Nếu học trò có đủ lý lẽ, sự tự tin để thuyết phục thầy cô chấm lại bài làm của mình thì hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, dù ở đâu, những tranh luận đều phải tuân thủ theo nguyên tắc giao tiếp đúng mực.

Thầy cô ở Mỹ chắc cũng ít bị áp lực vì “cơm áo gạo tiền” hơn. Họ hoàn toàn có thể chuyên tâm cho công việc mà không bị những nỗi lo vật chất làm ảnh hưởng. Tất nhiên, nghề giáo trong xã hội ở đâu cũng luôn gắn liền với chữ “thanh đạm”.

Nhưng bên cạnh đó, các thầy cô ở Mỹ lại phải đối mặt với “nỗi sợ” về việc không theo kịp sự phát triển quá nhanh của công nghệ, của những phương pháp dạy học mới. Những điều này diễn ra như vũ bão mà nếu không chịu khó học hỏi sẽ khó bắt kịp.

Tôi chỉ là người chia sẻ những hiểu biết nho nhỏ

Cá nhân tôi nghĩ mình chưa đạt được đến chữ “thầy” cao quý. Tôi chỉ là người chia sẻ những hiểu biết nho nhỏ của mình cho các bạn giống như một người anh đứng ra tổ chức các trò chơi cho em, thông qua đó, hi vọng các em tìm thấy niềm vui trong bộ môn tiếng Anh.

Khi bắt tay vào làm việc với các em tôi mới thấy để có thể truyền đạt điều mình mong muốn cho mọi người là việc không hề đơn giản.

Có những khi tôi đã “soạn bài” tỉ mỉ, cẩn thận nhưng khi đến lớp, chỉ cần một tình huống xảy ra ngoài ý muốn là coi như bài soạn bị “bể”. Qua đó, tôi thấy rõ sự cực nhọc của việc truyền dạy kiến thức.

Suốt ba tháng hè, hầu như tôi lúc nào cũng ở tình trạng viêm họng, ho. Sáng nào trước khi đến lớp mẹ cũng phải cho tôi ngậm chanh. Và khi làm công việc ấy tôi thực sự thấm thía nỗi vất vả của các thầy cô khi hàng ngày phải giảng dạy “sà sã” trên lớp, tối về lại phải soạn bài.

Gần đây, nhiều bài báo hay nói đến nghề làm thầy với một số định kiến. Cá nhân tôi cho rằng, điều đó làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của xã hội về nghề này. Tôi mong muốn nghề giáo được trả về với sự tôn vinh bằng hai chữ: “cao quý”, có như thế, trong nhà trường mới giữ được bầu không khí tôn trọng.

Tôi mong những thế hệ học sinh khi lớn lên đều mang trong mình hình bóng của những người thầy người cô mến yêu.

– Đỗ Nhật Nam sinh năm 2001, là con một cặp vợ chồng giảng viên của trường Đại học Sư phạm, Hà Nội, được biết đến là một cậu bé nói tiếng Anh như gió từ khi còn rất nhỏ. Nam đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi tiếng Anh, hùng biện trong nước và quốc tế, đồng thời là dịch giả của nhiều đầu sách được xuất bản.

– Năm 2014, Đỗ Nhật Nam giành học bổng theo học ở trường Saint Paul, bang Texas, Mỹ.

– Mùa hè vừa qua, Nam về thăm nhà và tranh thủ tổ chức các lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em. Nam coi đây là công việc tạo ra môi trường giao lưu vui vẻ, thúc đẩy các bạn nhỏ học tiếng Anh.

 

NHỮNG NGƯỜI ĐƯA ĐÒ ĐẶC BIỆT

Có những ngôi trường mà mỗi ngày bố mẹ đón con về không cần hỏi câu quen thuộc: “Hôm nay con được mấy điểm?”. Có những học trò mà mỗi ngày đến trường, ngoài con chữ còn nhận được điều lớn hơn là “sự sẻ chia, để thấy mình không lạc lõng giữa thế giới này”. Có những lớp học mà học trò và thầy giáo chỉ ngang bằng tuổi, vừa học vừa đập tay cười nói rộn ràng như ở trong một thế giới thần tiên nào đấy.

Đó là những lớp học đặc biệt được tạo ra bởi những người thầy đặc biệt. Đẹp đã tìm đến những nơi ấy để hiểu thêm về hai chữ “Làm thầy” và nhận ra thầy giáo nhí của hàng ngàn học trò – Đỗ Nhật Nam – đã đúng khi cho rằng: “Nội hàm của chữ ‘Thầy’ ngày càng được hiểu rộng ra”, để thấm thía lời bà giáo già 86 tuổi hơn 20 năm cặm cụi với một lớp học tình thương dành cho trẻ em khuyết tật: “Tôi thấy mình đang sống!”, khi được hỏi: “Bà nhận được gì?”.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, xin được vinh danh họ – những người đưa đò đặc biệt!

Bài cùng chuyên đề:
– Thầy của kình ngư Ánh Viên: “Thầy trò chúng tôi đều không phải là tài năng”
 Đỗ Nhật Nam: “Tôi nghĩ mình chưa  đạt được đến chữ  ‘Thầy’ cao quý”
– Bà giáo già 86 tuổi Hồ Hương Nam: “Tôi biết mình đang…sống”
 Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thảo Vi: Làm thầy của những học viên áo sọc
– Vũ công Đào Phi Hải: Người thầy  đặc biệt của 3 đứa trẻ  mồ côi mẹ
– Thầy giáo 15 năm cắm bản, dạy trò bằng 5 thứ tiếng
 Góc nhìn hài hước của đạo diễn Lê Hoàng: Thầy phải già và phải nghèo!

Thực hiện: depweb

20/11/2018, 07:00