Đỗ Nhật Nam: “Nổi tiếng cũng là một que kẹo ngọt!” - Tạp chí Đẹp

Đỗ Nhật Nam: “Nổi tiếng cũng là một que kẹo ngọt!”

Sao

Đỗ Nhật Nam – Phương Mỹ Chi: “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”

Hai hành trình ngược chiều, dù trong cùng một kỳ nghỉ hè: Trong khi cô bé hát dân ca Phương Mỹ Chi tranh thủ qua Mỹ bay show để có thêm cơ hội giúp gia đình, thì “thầy giáo 14 tuổi” Đỗ Nhật Nam lại từ Mỹ trở về và dành trọn cả kỳ nghỉ của mình cho lớp dạy tiếng Anh miễn phí tại Hà Nội do em khởi xướng và đứng lớp.

Trẻ con không đơn giản như người lớn nghĩ, nhưng người lớn thì thường phức tạp và ưa “quan trọng hóa vấn đề” hơn trẻ con. Nên bên cạnh những lượt like, cả hai “tài năng nhí” của chúng ta cũng đã từng không ít lần bị “ném đá”, vì lẽ này hay lẽ khác; hoặc gây nghi ngại: Liệu các em có đánh mất tuổi thơ của mình, khi sự nổi tiếng đến quá sớm?
        
“Đẹp + …” Lần này mời thêm nhà thơ Trần Đăng Khoa – “thần đồng thơ” một thuở, để nói với hai “tài năng nhí”, và cả chúng ta, câu chuyện “Ai cũng có một ‘góc sân và khoảng trời’, trong mỗi đời người…” 

Đọc thêm:
Phương Mỹ Chi: “Người thắng cuộc cô đơn lắm!”
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Đọc thơ Đỗ Nhật Nam, phải nói là tôi kinh ngạc”

Lâu lắm rồi tôi mới trở về từ một cuộc phỏng vấn mà tâm trạng lại vừa dễ chịu vừa khó chịu đến thế: gặp “thần đồng” Đỗ Nhật Nam. Bởi cậu bé 14 tuổi ấy, bằng những câu trả lời giàu triết lý và chất thơ đến kinh ngạc, đã khiến tôi bỗng dưng cảm thấy mình là một người lớn… có-vấn-đề: những ước mơ xoàng xĩnh, những tầm nhìn xoàng xĩnh, và cả những cảm xúc xoàng xĩnh nữa…  

Trước khi gặp Nam, tôi từng ước mình giỏi tiếng Anh, nhưng sau khi gặp Nam, tôi lại chỉ muốn mình… nói được tiếng Việt, như em.

Tiếng Anh giúp em đi xa, tiếng Việt giúp em về gần

– Một kỳ nghỉ hè quả thật ý nghĩa: lần đầu tiên có một lớp dạy tiếng Anh miễn phí tại Hà Nội mà lại do một “thầy giáo” 14 tuổi đứng lớp! Nhưng, hẳn là mệt?

– Vâng, lúc đầu thực sự em cũng không tưởng tượng được là phiếu đăng ký lại nhiều đến thế, gấp nhiều lần so với dự kiến, khiến thay vì ngày dạy một buổi, em phải tăng lên 2 buổi. Cũng may kỳ nghỉ hè của em kéo dài 3 tháng (từ 1/6 – 1/9), nên em nghĩ mình vẫn có đủ thời gian để làm điều mình muốn: truyền cảm hứng cho cộng đồng về sở thích học tiếng Anh, về ước mơ được làm một công dân toàn cầu…

– Dần trở thành thần tượng trong mắt nhiều người với định danh “thần đồng”, em có thấy ngày càng sức ép?

– Không, sao lại là sức ép? Vì em chưa bao giờ làm gì vì hai chữ “thần đồng” ấy cả. Em làm gì cũng tự nhiên, đơn giản chỉ vì tình yêu với những gì mình thấy hứng thú, và với mọi người. Khi rủ được mọi người cùng yêu những thứ mình yêu là em vui lắm!

– Từng gây thán phục về trình độ tiếng Anh, nay lại còn thêm cả những dòng thơ, em thấy tiếng Anh hay tiếng Việt mới là bầu khí quyển chính của mình?

– Cả hai. Tiếng Anh, là để em được đi xa. Tiếng Việt, giúp em được về gần. Tiếng Anh là lý trí, tiếng Việt là cảm xúc, với em. Từ lâu em tự thấy mình có một tâm hồn khá thi vị, mà mỗi tiếng Anh không thì sẽ không thể nói hết được những gì em muốn nói và muốn chia sẻ tới mọi người, đặc biệt là người thân của em. Và với tình yêu quá lớn của em dành cho gia đình, nhất là khi đi xa, em không thể không làm thơ được.

– Em có biết câu: “Ngôn ngữ chỉ là cái vỏ của tư duy” không? Em hiểu câu đó thế nào?

“Ngôn ngữ chỉ là cái vỏ của tư duy”, đúng quá! Hoàn toàn đúng. Là cái túi bao bọc những gì chúng ta mong muốn trong đó: muốn được nói ra, được hiểu, được kết nối, được đi từ mình tới mọi người…

“Sao lại đi chế giễu một ước mơ?”

– Em đã xem bộ phim “Ở nhà một mình” chưa? Bạn nhỏ ấy ở nhà một mình, thậm chí không nói gì nhiều và làm đủ thứ ra trò đấy chứ?

– Ô, em chính là fan ruột của bộ phim đó. Có những tập, em thậm chí còn phải xem đi xem lại nhiều lần và tự hỏi: Tại sao thế giới của bạn ấy lại có thể rộng lớn và sinh động đến thế, trong một không gian không lấy gì làm rộng? Một cậu bé hết sức thông minh nhưng vẫn hết sức hồn nhiên!

– Em có nghĩ mình cũng là một cậu bé như vậy không? Hay sự hồn nhiên, rất có thể, đã bị đánh cắp?

– Đương nhiên em hồn nhiên chứ! Em hồn nhiên vì em tự nhiên. Em có một tuổi thơ viên mãn vì luôn được cười, được làm những điều mình muốn mà không bị ảnh hưởng bởi ý muốn của người khác, hay bởi chính những thành tích đã đạt được của mình.

– Em không thấy mình trông như một “ông cụ non” sao?

– Không thể đánh giá ai đó qua vẻ bề ngoài hay nghề nghiệp của người đó, nhất là với một đứa trẻ.

– Sự hồn nhiên, em nghĩ có quan trọng không?

– Rất quan trọng, ngay cả khi ta đã lớn. Hồn nhiên, để có được sự thư thái trong cuộc sống, để không bị ảnh hưởng bởi tiền tài, danh vọng và những sự phù phiếm khác. Nhưng một mặt, cũng đừng hồn nhiên quá đến mức làm phiền người khác và làm khó bản thân.

– Em hay xem những game show nhí không? Có biết bạn Phương Mỹ Chi?

– Em không hay xem, nhưng Phương Mỹ Chi thì em biết, và cũng đã khá nhiều lần được nghe bạn ấy hát. Giọng bạn ấy rất có chất. Một bạn nhỏ mà lại hát dân ca, thật thú vị!

– Vậy nhưng không ít người lại cho rằng không nên để Phương Mỹ Chi cũng như các tài năng nhí khác sớm bước chân vào showbiz, khi mà tự các bạn ấy chưa có đủ sức đề kháng trước cám dỗ. Mà ngôi sao phim “Ở nhà một mình” Macaulay Culkin, như em cũng biết đấy, là một ví dụ điển hình…

– Không, em nghĩ không hẳn thế đâu! Sao lại đi chế giễu, đi lo cho một ước mơ, và một người dám theo đuổi nó?

Những cú trượt, chưa chắc đã là do sự nổi tiếng. Chẳng qua trong giới showbiz nó dễ bị nhận biết hơn mà thôi. Sự cám dỗ không chỉ với riêng ai, thậm chí với cả người già, huống hồ một trẻ vị thành niên. Để đề kháng, cách duy nhất theo em chỉ có thể là từng bước bồi đắp cho mình một lối sống lành mạnh, đi về phía những ước mơ để bớt lại gần những cám dỗ…

– Không hẳn lúc nào cũng là cám dỗ, mà có khi chỉ đơn giản là mong muốn đỡ đần bố mẹ thôi. Người thì lo: các bạn nhỏ sẽ “đánh mất tuổi thơ”. Lại có người bảo: nhà nghèo thì làm gì có tuổi thơ mà mất! Em thấy sao?

– Ai chẳng có tuổi thơ? Sao lại không có gì để mất? Bất kỳ ai cũng có tuổi thơ cả, dù tuổi thơ đó được rải đầy hoa, hay không có kẹo. Nổi tiếng cũng là một hạnh phúc, một que kẹo ngọt cho tuổi thơ. Và khi que kẹo ấy được bảo quản bằng tình yêu thương của gia đình, khán giả, và cộng đồng, thì nó sẽ giữ nguyên vị ngọt đến hết cuộc đời, em nghĩ thế…

Một cuộc đời không có ước mơ thì mới là lãng phí

– Những ước mơ của em được bồi đắp thế nào? Có thay đổi nhiều qua từng giai đoạn?

– Có chứ, xoành xoạch ạ (cười)! Vì nó thường đến rất chi tự nhiên, không phải do mình điều khiển. Chẳng hạn như khi nghiên cứu về sinh vật học, thì mong muốn của em là trở thành một nhà sinh vật học. Nhưng đến khi nghiên cứu về tâm lý học, em lại muốn trở thành một nhà tâm lý học. Hay gần đây nhất là… nhà vật lý nguyên tử. Ước mơ của em thường được đặt tên theo bộ môn mà em nghiên cứu ở thời điểm đó.

– Câu hỏi thú vị nhất trong bộ môn vật lý nguyên tử là gì?

– Điểm bắt đầu và kết thúc của vũ trụ là gì? Trái đất được hình thành thế nào? Chúng ta từ đâu đến?… Một câu hỏi nhưng lại có quá nhiều giả thuyết, và giả thuyết nào cũng thú vị!

– Vậy em nghĩ mình từ đâu đến?

– Từ tình thương của ông, bà, bố, mẹ và cả từ chính em nữa. Vì em muốn được có mặt trên cuộc đời này.

– Em có biết là có những cuộc đời lỡ dở, không đi đến đâu cũng chỉ vì ôm đồm quá nhiều ước mơ, hoặc khoác lên mình chiếc áo quá rộng không?

– Ước mơ, em nghĩ không bao giờ là quá cả! Không quá (ít nhất là ở thời điểm đó), thì sao gọi là ước mơ! Em nghĩ một cuộc đời cần có nhiều ước mơ, thì đó mới là một cuộc đời đẹp, kể cả khi ước mơ đó không thành. Nhưng ít nhất, mình đã biết ước mơ và quan trọng đã từng cố gắng hết sức để theo đuổi nó.

– Không lãng phí thời gian sao?

“Sự hồn nhiên rất quan trọng, ngay cả khi ta đã lớn. Hồn nhiên, để có được sự thư thái trong cuộc sống, để không bị ảnh hưởng bởi tiền tài, danh vọng và những sự phù phiếm khác. Nhưng một mặt, cũng đừng hồn nhiên quá đến mức làm phiền người khác và làm khó bản thân…”
– Không có ước mơ thì mới là lãng phí thời gian, lãng phí cả cuộc đời mình. Dĩ nhiên, em không bao giờ đặt ra mục tiêu cho mình chỉ sau một đêm học mà phải sau một quá trình tích lũy dần dần. Hình thành ước mơ không khó, nhưng nuôi ước mơ thì cần phải biết cách.

– Cách của em là gì?

– Đầu tiên là phải tìm hiểu đã. Phải tìm đủ mọi cách khiến cho niềm đam mê của mình trở nên cháy bỏng hơn: đọc sách chưa đủ, còn phải xem phim, xem clip về thế giới ấy, những câu chuyện và con người thuộc về thế giới ấy… Rồi khi tự cảm thấy “đầy” rồi, thì em bắt đầu soi kỹ, xem em có điểm yếu/điểm mạnh nào, nếu như bước chân vào thế giới ấy. Nếu điểm yếu nhiều hơn điểm mạnh, em sẽ đành chia tay với giấc mơ ấy để tìm đến một giấc mơ khác, mà ở đó có thể mình có được nhiều điểm mạnh hơn. Để đến gần hiện thực, ước mơ = đam mê + nghị lực + sự kiên trì, và cả sự linh hoạt, thông minh nữa.

– Tới giờ này, em đã biết mình muốn làm nghề gì chưa? Kỹ sư vật lý nguyên tử? Nhà diễn thuyết? Hay… nhà thơ?

– Em muốn làm nghề gì đó mà được đi chu du khắp thế giới, thay vì phải ngồi thu lu trong phòng thí nghiệm. Có thể thi thoảng em sẽ đổi nghề, để được sống trong nhiều cảm xúc, nhưng các nghề đó đều phải liên quan đến hòa bình.

– Tổng thư ký Liên hợp quốc?

– (Cười). Như em đã nói, nếu là ước mơ, thì cũng không có gì là quá cả! Chị có biết lúc mới 5 tuổi, ước mơ của em là gì không? Trở thành người bá chủ thế giới (Em thậm chí còn gần như làm một bài luận về vấn đề này). Và tương lai vẫn còn ở phía trước.

– Em sẽ làm gì, nếu là bá chủ thế giới?

– Đầu tiên, em sẽ giới thiệu cho cả thế giới biết đâu là nơi đã sinh ra em và hun đúc em trở thành con người vĩ đại ấy (cười). Trái đất sẽ trở thành một miền đất hứa tốt đẹp hơn, vì em không chỉ… hứa. Xong em sẽ mời những vị khách lạ ngoài trái đất tới, để cùng tận hưởng và làm cho trái đất có thêm nhiều điều lạ hơn…

Điểm yếu của “tay bá chủ” ấy là gì?
Là hắn ta vô cùng vụng về và hậu đậu.

– Bá chủ Nobita?

– Vâng, chính hắn!

“Cuộc đời là một chuỗi nắm tay”

– Sai lầm lớn nhất từ trước tới giờ của em?

– Là đã dồn hết số tiền đầu tiên mình có được (năm lớp 6) để mua một cái máy ảnh.

– “Muốn ai đó phá sản thì tốt nhất hãy tặng anh ta một cái máy ảnh” – Có câu đó, đúng! Nhưng, đó là thời máy ảnh phim thôi chứ?

– Không, chỉ là chọn nhầm loại không tốt thôi.

– Việc làm đúng nhất từ trước đến giờ?

– Là… lại đi mua một cái máy ảnh. Nhưng phải mãi gần đây mới mua được.

– Em thích chụp ảnh vì sao?

– Vì em luôn thích nhìn cuộc sống cũng như những người thân của mình qua ống kính máy ảnh, kể cả khi nó… đã hỏng.

– Chỉ là một khoảnh khắc thôi mà?

– Nhưng qua đó, đôi khi ta có thể thấy cả một quá trình.

– Vậy nếu làm một phóng sự ảnh về cuộc đời em từ trước đến giờ, em sẽ chọn những bức ảnh nào?

– (Nhẩm tính một lúc). Em nghĩ là sẽ có 4 bức. Bức thứ nhất là khoảnh khắc em chào đời và lần đầu tiên được chạm vào vòng tay của bố mẹ. Bức thứ hai là lúc bố mẹ dắt tay em tập đi. Bức thứ ba là buổi đầu tiên bố mẹ dẫn em đến lớp tiếng Anh và đặt vào tay cô giáo. Bức thứ tư là giây phút bố mẹ đưa em ra sân bay, tiễn em qua Mỹ… Cuộc đời là một chuỗi những cái nắm tay…

– Sự trả giá, phải chăng chính là những… cú thả tay?

– Đúng vậy! Để được cầm tay cơ hội, và đi được đến cùng tới những ước mơ, buộc lòng em đã phải nhiều lần thả tay: thả tay bố mẹ – để có được bước đi chập chững đầu tiên trong đời; thả tay bố mẹ – để bắt đầu những bài học tiếng Anh đầu tiên; và cũng lại thả tay bố mẹ – để lên máy bay đến với một vùng đất lạ thuộc về thứ tiếng mà em khá quen thuộc…

– Lúc soi gương, em thường để ý điểm gì nhất trên mặt mình?

– Cái nốt ruồi. Vì mẹ em cũng có một nốt ruồi mọc đúng ở vị trí đó. Đấy như một sợi dây kết nối em và mẹ…

 Thực hiện: Thư Quỳnh

Nhiếp ảnh: Lê Lai (Lieta Studio)

logo

Thực hiện: depweb

03/08/2015, 10:51