Do kém tài nên phải khen nhau - Tạp chí Đẹp

Do kém tài nên phải khen nhau

Sống

Cứ mỗi lần mở tivi, gặp một chương trình nào đó có các “Em xi” đang giao lưu với các ca sĩ, diễn viên, nhạc sĩ… tôi hay nổi… da gà, mặc dù tôi rõ ràng không phải… gà. Bởi vì những lời nói qua nói lại giữa hai bên, phần lớn là… khen nhau. Nào khen hát hay, nào khen trẻ đẹp, nào khen dễ thương, khen nhiệt tình, khen… đủ thứ.

Thực ra trong lĩnh vực nào cũng thế, người thực sự giỏi luôn luôn hiếm, và công chúng phần lớn đã biết rồi, chẳng cần phải quảng cáo thêm nhiều quá.

Nhưng chương trình thì nhiều, cơ hội cũng cần mở ra cho số đông, đấy cũng là điều phải lắm. Và trong cuộc sống ai cũng cần động viên, khuyến khích, ai cũng thích nghe những lời tốt đẹp, kể cả người bình thường, kể chi đến nghệ sĩ biểu diễn, luôn luôn cần tới thanh danh.

Nhưng rõ ràng động viên, khích lệ và lịch sự chả đồng nghĩa với khen vô tội
 vạ. Ông bà có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, nhưng là chào chứ đâu phải là khen.

Và nếu nghiêm khắc nhìn rộng ra các bộ môn nghệ thuật của chúng ta nhìn chung còn đầy vấn đề, từ điện ảnh đến ca nhạc, từ sân khấu đến văn thơ luôn luôn nhiều “phức tạp”, “tồn tại” hay nói thẳng là yếu kém, so với mặt bằng văn hóa của các nước phát triển cần phải cố gắng rất nhiều, nghĩa là nếu nhìn chung thì chắc chắn khen không phải là chủ yếu.

Màn hình ti vi rõ ràng không phải là… phòng khách, luôn luôn vang những câu xã giao. Nó còn là nơi mổ xẻ, trao đổi tâm tình, bộc lộ trăn trở một cách thẳng thắn rất nhiều vấn đề của cuộc sống.

Muốn công chúng chú ý và đồng cảm thực sự, thì mọi thứ đều phải “thực chất”. Nghĩa là khi chứng kiến một cuộc giao lưu, công chúng muốn những cảm nhận của mình được phân tích và chú giải một cách đúng mức, chính xác và thành thực.

Muốn vậy những người dẫn chương trình cần nắm thật vững đối tượng và lĩnh vực mà mình đảm nhận, có hiểu thấu đáo thực sự, khi trò chuyện có hỏi, có đồng ý, không đồng ý hoặc tranh luận, mới làm nên sự hứng thú chân chính nơi khán giả.

Đằng này do hời hợt, do cẩu thả, và có lẽ quan trọng nhất, do thói quen cứ nghĩ nghề dẫn chương trình là nghề cốt sao nói cho đẹp và nói sao cho trôi chảy, “Em xi” đã cố gắng học thuộc lòng hàng loạt từ hoa mỹ, nói thẳng thắn là sáo rỗng, tuôn ra hàng tràng, gây nhàm chán và mỏi mệt vô cùng.

Không phải bây giờ công luận mới chú ý tới vấn đề này. Đã có nhiều người gọi các cuộc trao đổi trước khán giả đó là “anh khen chị, chị khen anh” hoặc hay hơn “tự túm tóc mình lôi lên”.

Càng giỏi càng xa với chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa “sến” và chủ nghĩa “đãi bôi”. Nhưng đáng tiếc là điều đó hình như không được nhấn mạnh. Cho nên trong một cuộc thi “người dẫn chương trình” gần đây, tôi thấy các thí sinh đang hi vọng vào nghề thi nhau triển khai những mỹ từ liên tiếp dài dằng dặc, phủ lên mọi nhân vật, mọi thời điểm những câu chúc tụng cũ mòn. Cứ theo họ, thì bất cứ ai đang đứng chỗ này đều là các tinh tú rực sáng mà công chúng đang may mắn hội ngộ!

Không chỉ sáo bằng lời, chúng ta còn sáo bằng cả… tác phong. Thực ra người dẫn chương trình rất nhiều khi không cần comple, cà vạt hoặc cần ngồi “ ngay đơ” làm gì. Màn ảnh nhỏ có giá trị hơn màn ảnh lớn ở điểm gần gũi, ở chỗ ai cũng có thể thấy vấn đề mà nhân vật “rút ruột” với mình, rộng mở thoải mái, không gò bó, không “nghiêm trọng” cũng chính là nghệ thuật.

Trên thế giới có những ngôi sao truyền hình nổi tiếng hơn những ngôi sao điện ảnh. Họ không hề đẹp, cũng không hề “nói khôn nói khéo” mà chỉ là những người có kiến thức sâu sắc, biết “ lôi” tất cả mọi vấn đề ra cho công chúng thấy một cách dí dỏm và bất ngờ. Sức mạnh của các ngôi sao này không phải là thuộc nhiều những câu “tâng bốc” mà ở chỗ họ gây được nhiều hứng khởi thực sự cho cả hai phía. Đối tượng và người xem.

Muốn thế trí óc phải nhanh chứ không phải mồm. Lời trao đổi phải nhiều chứ không phải lời khen!

Thực hiện: depweb

06/10/2006, 15:57