Đồ ăn ngoại có thực sự lý tưởng?

Từ chuyện sữa hộp…

Mới đây thôi, có bà mẹ lên mục tâm sự của báo mạng kể lể chuyện nuôi con mỗi tháng hết đến vài chục triệu đồng. Tôi đọc mà phì cười. Chuyện nghe rất ảo. Ảo không phải vì số tiền ấy lớn – vài chục triệu đồng có thể lớn với người này nhưng chỉ là khoản tiêu vặt đối với nhiều người khác. Lý do nó ảo là ở chỗ, danh sách bà mẹ này chi tiêu những khoản tiền rất “giời ơi”. Những người thật sự giỏi kiếm tiền, mỗi tháng có thể chi tiêu hàng chục triệu cho con, họ suy nghĩ về hiệu quả, lợi ích đồng tiền khôn ngoan lắm. Họ cũng biết phân biệt giá trị đích thực của hàng hóa tinh nhạy hơn nhiều. Điển hình như chuyện sữa ngoại, thuốc bổ của ngoại và hoa quả ngoại, là những khoản tiền “vớ vẩn” đầu tiên.

 

Tôi không cực đoan đến mức lên án sữa công thức. Nhưng chuyện lạm dụng, dựa dẫm sữa công thức, và dựa dẫm cả vào thương hiệu của sữa công thức vốn đang được quảng cáo thổi phồng, tung hô là có thật. Lòng tin “sữa ngoại tốt hơn sữa nội” của một số bà mẹ sính ngoại đang được rất nhiều doanh nghiệp tìm cách trục lợi. Hơn nữa, sữa xuất khẩu từ một quốc gia phương Tây không hẳn phải theo tiêu chuẩn của chính quốc gia đó, vì nó không được sử dụng trong nội địa. Nó chỉ cần phù hợp với tiêu chuẩn được công bố trên giấy tờ kiểm nghiệm của đất nước nhập về. Sữa từ quốc gia X hoàn toàn có thể không thể không theo tiêu chuẩn và sự kiểm tra của chính quốc gia ấy, mà đơn giản, nó chỉ dành cho những nước nhập khẩu hàng hóa đó! Cho dù chúng có giống nhau về nhãn mác, trùng một tên gọi thì vẫn là hai loại sữa khác nhau về tiêu chuẩn! Tất nhiên, tiêu chuẩn của đất nước nhập khẩu hộp sữa ấy về có thể vẫn có thể là tiêu chuẩn tốt và đảm bảo, thế thì vì sao, chúng ta phải mua những hộp sữa tương đương sữa nội, đi nửa vòng trái đất, và đội lên đến mấy lần chi phí?

Sẽ có người cho rằng, sữa nội sản xuất trong điều kiện không đảm bảo nên dù cùng một tiêu chuẩn công bố trên giấy tờ thì sữa ngoại vẫn hơn? Về điều này thì tôi lại nghĩ, lấy gì để tin tưởng loại sữa cách nửa vòng trái đất, lại không được lưu hành trong nội địa của một quốc gia khác lại “đảm bảo” hơn loại sữa đang sản xuất trên chính đất nước mình?

Hàng xách tay với lời quảng cáo “lưu hành nội địa” của các quốc gia phát triển thì còn là cả một câu chuyện khó lường mà trong khuôn khổ bài viết này không thể nào nói hết!

… đến chuyện hoa quả ngoại, thuốc bổ ngoại

Hoa quả ngoại nhập mới thật là hài hước! Mùa hè ở Việt Nam là mùa của loại quả nhiều đường và khá nóng: nhãn, xoài, na, mít, vải… Những loại quả này khi ăn nhiều đều gây mụn nhọt. Và đó là lý do các bà mẹ mua những trái cây xứ lạnh cho gia đình sử dụng, từ nho Mỹ, táo Mỹ, đến cherry Úc… vì họ nghĩ, trái cây xứ lạnh “mát” hơn trái cây xứ mình! Người có tiền đổ xô theo mốt, người không có tiền thì đành ngậm ngùi, coi như con mình “thua thiệt” vậy. Nói đến đây, tôi không khỏi bật cười. Vậy hàng trăm năm trước, người Việt không thể mua hoa quả ngoại, thì ông bà ta đã sống thế nào? Liệu có thật sự chắc chắn là điều gì của phương Tây cũng tốt và lý tưởng vậy không?

 

Tôi nhớ, trước đây, ông bà tôi đều nói, mùa hè dùng gừng, mùa đông dùng củ cải. Về sau, học hỏi thêm kiến thức về đông y, tôi mới biết chỉ dẫn của ông bà là kiến thức sơ đẳng nhất mà ai cũng đều nên biết trong áp dụng nguyên tắc ăn uống và sinh hoạt. Mùa hè nóng bức, cần thêm đường, cơ thể có cảm giác “thèm đường”. Hơn nữa, khi ăn những trái cây hấp thụ nhiệt thì đảm bảo cả bên trong và bên ngoài cơ thể được hài hòa, thích ứng với điều kiện khí hậu. Đường trong các loại quả mùa hè cũng giúp máu huyết lưu thông tốt hơn, dễ dàng toát mồ hôi, giải độc, đáp ứng được nhu cầu hoạt động khi khí hậu nóng ẩm. Bữa cơm của người Việt luôn có rất nhiều rau, nhiều quả, cùng với việc uống đủ nước… sẽ giúp cơ thể cân bằng nóng lạnh, âm dương. Nếu vì ăn nhiều hoa quả có đường, sinh nhiệt, cơ thể “báo động” bằng cách lên mụn nhọt thì chỉ cần dừng hoa quả lại và tăng cường rau trong các bữa cơm. Qua những tháng hè mới là lúc thuận theo tự nhiên, dùng những loại rau nhiều nước: rau cải, xà lách… để giữ nước cho cơ thể. Bởi vậy, việc chạy theo mốt để dùng những thực phẩm của một quốc gia không cùng vùng khí hậu với mình, tưởng hay, nhưng chuyện này thật ra là trái tự nhiên, bất tiện và bất lợi! “Mùa nào thức nấy”, ăn uống theo mùa, theo thổ nhưỡng mới chính là nguyên tắc đơn giản nhất và hiệu quả nhất cho sức khỏe.

 

Cùng với hoa quả ngoại thì thuốc bổ ngoại cũng đang là mốt. Việt Nam là đất nước có số giờ nắng rất lớn, và người Việt làm việc, tiếp xúc với nắng rất nhiều. Các loại rau củ quả lại phong phú, đầy đủ vitamin. Tôm cá, cua, trai, ốc, hến khai thác dễ dàng. Mật ong là niềm mơ ước của nhiều gia đình xứ lạnh thì ở Việt Nam, nó chỉ đắt hơn rau dưa chút xíu. Vậy có nên chăng chúng ta không phát huy hàm lượng dinh dưỡng trong chính nguồn thức ăn của mình mà lại trả tiền cho những hộp thuốc bổ dành cho đời sống của những cư dân phía bên kia bán cầu?

Học hỏi theo phương Tây là điều nên làm, bởi lẽ bảo thủ là cách nhanh nhất hủy hoại chính chúng ta. Có điều, tiếp thu và học hỏi khác hoàn toàn với sự sính ngoại, bốc đồng, chạy đua tâm lý, vừa có hại cho sức khỏe và khiến chúng ta chưa coi trọng đúng mức những thành tựu khoa học cổ truyền, nguồn lợi tự nhiên, dược liệu và môi trường sống lý tưởng của đất nước mình.    

Bài: Nguyên Ân

logo

Xem thêm: Bình tĩnh – Bài học vỡ lòng cho cha mẹ

   
    


From the same category