DNNN nợ thuế hơn 7.000 tỷ - Tạp chí Đẹp

DNNN nợ thuế hơn 7.000 tỷ

Tin Tức

Báo cáo tới Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính cho biết, tính đến 31/12/2011, DNNN nói chung đang còn nợ thuế 5.662 tỷ đồng. Trong đó, nợ khó thu là 455 tỷ đồng. Nợ chờ xử lý như chờ miễn giảm, chờ xóa nợ, đang có khiếu nại, khiếu kiện là 606 tỷ đồng. Nợ có khả năng thu là 4.598 tỷ đồng.

Năm 2012, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ ưu đãi cho các DN về thuế và vay vốn nhưng khối DNNN vẫn không giảm được số nợ thuế của mình.

Chỉ tính đến tháng 10/2012, con số nợ thuế của các DNNN nói chung vẫn tiếp tục tăng, lên tới 7.642 tỷ đồng. Như vậy, 10 tháng qua, đã có thêm 1.980 tỷ đồng nợ thuế “phát sinh” từ các DNNN.  Trong đó, nợ khó thu tăng lên là 459 tỷ đồng, nợ chờ xử lý giảm chút ít còn 594 tỷ đồng. Nợ có khả năng thu hồi nhích lên là 6.589 tỷ đồng.

Cũng như năm 2011, hiện nay,  DNNN Trung ương vẫn là khối chiếm tỷ trọng nợ thuế lớn nhất, 67% với số nợ 5.137 tỷ đồng, DNNN địa phương nợ thuế 2.505 tỷ đồng.

 

Nhiều công ty con của Vinashin liên tục xin gia hạn thuế (ảnh: Phạm Huyền) 

Với số liệu trên, DNNN hiện nay đang có tổng số nợ thuế bằng 2,8% so với nợ thuế của khu vực FDI và DN ngoài quốc doanh, đồng thời, chiếm khoản 16,2% tổng số nợ thuế của cả nước.

Bộ Tài chính nhận định, nợ thuế của khu vực DNNN không cao bằng nợ thuế của khu vực FDI và tư nhân và có xu hướng tăng lên so với năm 2011. Nhưng một điểm tích cực khác đáng được ghi nhận là số nợ thuế của các Tập đoàn, Tổng công ty đã giảm.

Nếu như tính hết năm 2011, số nợ thuế của Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước là 868 tỷ đồng thì tính hết tháng 10/2012, tổng số nợ thuế của nhóm này đã giảm được 99 tỷ đồng, còn 769 tỷ đồng.

Thua lỗ, không có tiền nộp thuế

Bộ Tài chính cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều, khách hàng nợ tiền hàng… nên đã đẩy các DNNN lâm vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, dẫn đến không có nguồn để nộp thuế.

Chưa kể, gánh nặng nợ thuế còn có lỗi từ phía Nhà nước. Bộ Tài chính khẳng định, một số DNNN thực hiện thi công các công trình xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn Ngân sách nhưng lại chưa được Nhà nước thanh toán. Vì thế, những DN này cũng không thể có tiền nộp thuế.

Bên cạnh đó, các khoản nợ thuế truy thu thuế rất lớn, DNNN cũng không có khả năng nộp ngay được tiền thuế trong một lần mà chỉ có thể nộp dần nhiều lần.

Việc thu hồi thuế không tránh khỏi nhiều khó khăn khách quan. Cập nhật tại thời điểm 24/10/2012, số nợ thuế có khả năng thu hồi chiếm 86% tổng số nợ thuế của DNNN, tăng 1.991 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2012 và tăng chủ yếu là ở các khoản nợ chậm nộp quá 90 ngày.

Bộ Tài chính đang dự kiến trong tháng 11-12, sẽ phải thực hiện cưỡng chế thu hồi vào ngân sách Nhà nước.

Đối với khoản 459 tỷ đồng nợ khó thu, cơ quan này cho biết chủ yếu là nhóm các DNNN giải thể, phá sản, đã chấm dứt kinh doanh hoặc liên quan trách nhiệm hình sự. Một phần nợ khó thu còn tồn đọng là do cơ chế chính sách của Nhà nước.

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

23/11/2012, 11:21