DN bị vùi dập trong “bão” giá mới

Đã có những thông tin mới về sự ổn định và khởi sắc hơn cho hoạt động của doanh nghiệp (DN) khi có thông tin mấy chục ngàn DN được thành lập mới, gần 1.000 DN trở lại và một số làm ăn có lãi. Đây hẳn là tín hiệu đáng phấn khởi. Tuy nhiên, niềm vui có vẻ như sẽ “ngắn chẳng tày gang” bởi những “cơ thể” ốm yếu của DN mới qua cơn bạo bệnh này vừa liên tiếp bị vùi dập trong những đợt tăng giá mới. Chỉ trong thời gian ngắn từ đầu quí 3/2012 đến nay đã có ít nhất 3 mặt hàng thiết yếu là điện, xăng dầu, gas lại tăng giá khiến DN thêm điêu đứng.

Gần 47.000 DN được thành lập mới trong 7 tháng qua vừa được phát từ Tổng cục Thuế đã khiến cho dư luận nức lòng. Tất nhiến, trong quãng thời gian đó số DN phải “tạm nghỉ” cũng có gần 21.000 DN, nhưng nỗi lo này đã lại được xóa tan bởi 2 chỉ số lạc quan khác: Một, riêng trong tháng 7/2012 đã có có 937 DN, chủ yếu là ngoài quốc doanh, đã quay trở lại hoạt động. Hai, cũng theo thống kê trong Quý II/2012, số DN có lãi trước thuế tăng so với Quý I/2012 là 2,5%.

Những chỉ số này đã chứng minh việc “hà hơi, tiếp sức” cho DN từ chính sách từ tài khóa (Giảm, giãn miễn các loại thuế) đến tiền tệ (giảm lãi suất) của Chính phủ và các ban ngành đã bước đầu gặt hái được kết quả khả quan.

Tuy nhiên, đội ngũ DN sản xuất kinh doanh cũng mới như người mới ốm dậy, có tỉnh táo hơn một nhưng còn kém xa thời sung sức nhất. Số liệu của ngành Công Thương đã cho thấy rất rõ: qua 7 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp mới tăng được 4,8% so với cùng kỳ năm trước, chỉ bằng hơn một nửa so với tốc độ tăng cùng kỳ năm ngoái.

Các ngành công nghiệp chủ lực như thép, xi măng, ô tô xe máy…sản xuất, tiêu thụ đều giảm. 6 tháng đầu năm 2012 sản xuất clinker, tiêu thụ xi măng đều giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2011. Ngành ôtô, xe máy sức tiêu thụ giảm tới 40% so với cùng kỳ, hàng chục ngàn chiếc tồn kho. Đặc biệt, sản xuất đang giảm ở hầu hết những ngành hàng quan trọng có đóng góp lớn cho ngân sách, thu hút nhiều lao động. Ngành dệt may, dù bước vào mùa cao điểm nhưng nhiều DN từ lớn đến nhỏ lượng đơn hàng đều giảm trên dưới 10%.

Trong bối cảnh như vậy, mấy chục ngàn DN được thành lập mới, gần 1.000 DN trở lại và một số làm ăn có lãi là tín hiệu đáng phấn khởi. Tuy nhiên, niềm vui có vẻ như sẽ “ngắn chẳng tày gang” bởi những cơ thể ốm yếu mới qua cơn bạo bệnh này vừa liên tiếp phải đón “bão” và đang lo sợ sẽ tiếp tục vùi dập trong các đợt tăng giá mới. Chỉ trong thời gian ngắn từ đầu quí 3/2012 đến nay đã có ít nhất 3 mặt hàng thiết yếu là điện, xăng dầu, gas lại tăng giá khiến DN thêm điêu đứng.

Nhất là giá điện tăng trong thời điểm này, với sức tàn lực kiệt nhiều DN khó mà trụ nổi. Đơn cử: Ngành sản xuất xi măng đang chết mòn vì tồn kho số lượng lớn, bán giá thấp mà cũng chẳng xong, giá điện lại tăng thì xoay xở, cầm cự ra sao khi điện ngốn 7% chi phí hàng năm?

Thông tin nóng hổi nhất, ngày 10/8, một số Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đồng loạt gửi văn bản đề nghị Bộ Tài chính cho phép tăng giá xăng, mức tăng phổ biến lên tới 1.400 đồng/lít và giá 3 mặt hàng dầu dự kiến tăng 600 – 800 đồng/lít, tùy loại.

Đúng như dự kiến của giới nghiên cứu về chính sách xăng dầu, sau 10 ngày kể từ ngày 1/8, đà tăng giá xăng dầu bán lẻ trong nước sẽ tiếp diễn theo đà tăng của thế giới. Chiều 10/8, một nguồn tin cho biết, SaigonPetro đã chính thức gửi văn bản đăng ký các mức giá mới. Theo đó, giá xăng A92 của công ty này được dự kiến tăng 1.400 đồng/lít. Giá dầu diezen 0,5S dự kiến tăng 500 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 800 đồng/lít và dầu madut tăng 600 đồng/kg.

Nếu như trong vòng 3 ngày tới, Bộ Tài chính chấp thuận hoặc không hồi âm bằng văn bản thì việc tăng giá như trên sẽ trở thành hiện thực. Khi đó, giá xăng bán lẻ trong nước sẽ tăng từ 21.900 đồng/lít hiện nay lên 23.300 đồng/lít, tương ứng mức tăng 6,3%.

Lần điều chỉnh gần đây nhất hôm 1/8, giá xăng chỉ tăng 900 đồng/lít và các mặt hàng dầu đa số được tăng 500 đồng/lít,kg. Nhưng vì giá thế giới tăng quá mạnh nên các DN đề xuất các mức tăng lần này cao hơn hẳn 50% mức tăng trước. Nếu như Bộ Tài chính đồng ý với các đề nghị của DN thì có hẳn một chỗi 3 kỳ tăng giá liên tiếp lên thêm hơn 2500 đồng/lít. Đây thực sự là một mức tăng lớn trong một thời gian rất ngắn khoảng 1 tháng. Tăng mạnh và dồn dập hơn cơ chế trước đây

Dầu các DN xăng, điện, gas và nhiều cơ quan quản lý vẫn tìm cách lý giải việc tăng này, tăng kia “không ảnh hưởng đến DN”, nhưng cần phải nhìn vào một thực tế: Những DN đã “chết” hẳn bởi bão khủng hoảng thì thôi không tính nữa, nhưng số lượng mấy chục ngàn DN mới thành lập, đặc biệt là những DN mới trở lại sau khi đã bị bão khủng hoảng hút cho sức cùng lực kiệt. Như người mới ốm dậy nhưng chưa một ngày được nghỉ ngơi, đã lại liên tiếp bị những cơn bão giá đắt đỏ, ác liệt như vậy bổ vây, tàn phá. Liệu những cơ thể ốm yếu này còn trụ được bao lâu?.

Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng HSBC cho thấy, điều kiện kinh doanh tổng thể của ngành sản xuất tại Việt Nam vẫn đang xấu dần đều. Chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng – Purchasing Managers Index) là chỉ số được thu thập từ cuộc khảo sát hàng tháng về các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất. Nếu PMI ở mức trên 50 điểm cho thấy các điều kiện kinh doanh đang được cải thiện so với tháng trước, ngược lại kết quả dưới 50 điểm cho thấy sự giảm sút.

Theo báo cáo này, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ mức 50 điểm vào tháng 3 xuống còn 49,5 điểm vào tháng 4; 48,3 điểm vào tháng 5; 46,6 điểm vào tháng 6 và tiếp tục xuống 43,6 điểm vào tháng 7/2012. Điều này cho thấy điều kiện kinh doanh tổng thể vẫn đang xấu đi chứ không hề khởi sắc lên.

Theo HSBC, dấu hiệu dễ nhận thấy là kinh tế gặp khó khăn và khách hàng hạn chế chi tiêu đã tác động mạnh tới sản xuất thời gian qua. Các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm nhân công trong khi đơn đặt hàng mua nguyên vật liệu đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn tiếp tục sụt giảm trong tháng 7.

Bên cạnh đó, các khảo sát của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp sản xuất cho thấy, kể từ khi các chính sách vĩ mô tập trung kiểm soát lạm phát, nhu cầu trên thị trường đã giảm khá mạnh do người dân thực hiện tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu. Bắt đầu từ các siêu thị, doanh số giảm sút vì người dân giảm sức mua, siêu thị hạn chế nhập hàng. Do vậy, các nhà sản xuất hàng tiêu dùng cũng phải giảm năng lực sản xuất nếu không muốn lượng hàng tồn kho tăng lên. Và trước làn sóng tăng giá mới, người dân càng bóp nghẹt chi tiêu thì DN càng thêm khốn khó.

Theo Vietnamnet


From the same category