1. Chuyện diva không còn là một đề tài mới, nhưng khi âm nhạc Việt vẫn chưa thỏa mãn với con số 4 nó lại nóng lên. Chẳng muốn rơi vào mê cung của những định nghĩa nửa hạn hẹp nửa mông lung bài viết đưa người nghe nhạc đến một lăng kính khác, đồng thời gợi lên những câu hỏi chưa được giải đáp của chính tác giả quanh những cuộc viễn chinh bất tận – lôi cuốn vô khối tín đồ cá chép có khát vọng hóa rồng.
Ngay từ thuở hồng hoang, hệ thống thứ bậc, phân loại đẳng cấp luôn là một đặc điểm được các khoa học gia quan tâm nghiên cứu trong sinh hoạt của con người và loài vật. Con sói cường tráng nhất luôn là con đầu đàn, được quyền chọn những miếng ăn ngon nhất, có nguyên cả “hậu cung” để đảm bảo hậu thuẫn vững chắc. Tương tự như chàng trai khỏe mạnh nhất luôn trở thành người hùng của làng, được mọi người sùng đãi và trọng vọng. Việc phân chia thứ bậc vẫn tồn tại cho đến giờ trong xã hội đương đại và hẳn thế, làng ca nhạc chịu tác động lớn lao theo đà phát triển của công nghệ truyền thông. Truyền thông thêu dệt trên bầu trời âm nhạc nào từ sao cho tới siêu-sao, rồi đến ông hoàng này, bà hoàng nọ, nhưng hiếm khi gặp “Diva” xuất hiện trên các tờ báo đại chúng. Danh hiệu ấy vốn thuộc về dòng nhạc quý phái opera, dành riêng cho các nàng prima donna như Maria Callas chẳng hạn. Dần dần, ta lại thấy “nữ thần” lan chiếm sang những thể loại nhạc khác để rồi Ella Fitzgerald được tôn vinh thành Diva of Jazz, Aretha Franklin được mệnh danh Diva of Soul.
Thời điểm bấy giờ, Diva là một danh hiệu cao quý, ghi nhận những nghệ sĩ đã để lại dấu ấn sâu sắc bằng chính tài năng âm nhạc của họ, từ chuyên gia đến khán giả đồng lòng tán dương. Diva là sự vinh danh một cuộc đời cống hiến, một quá trình lao động nghệ thuật được đáp lại bằng sự tri ân của công chúng. Mấy năm gần đây, định nghĩa Diva dường như đã đổi thay như một sự ưu ái, số lượng Diva cũng đột nhiên tăng vọt trong thoắt lát. Không những thấy diva hiện hữu khắp mọi nơi, mà còn bắt gặp những khái niệm thu nhỏ của diva như “Divette” (tiểu-thánh-nữ), “Diva-to-be” (Diva-tập-sự). Thi thoảng, danh hiệu Diva không còn được cất lên đầy kiêu hãnh mà chỉ bẽn lẽn ẩn núp trong những dấu lược.
2.Hỏi: Tại sao thế ?
Đáp: Diva’s Live – Chương trình ca nhạc thu hút hơn 20 triệu người xem của kênh VH1 – 1998: hội ngộ Aretha Franklin, Céline Dion, Mariah Carey, Shania Twain và Gloria Estefan. Chính chương trình này là sức bật cho sự phổ biến của cụm từ Diva, một đêm diễn đích thực được gây dựng với mục đích đánh bóng tên tuổi, lấy lại sự uy tín của kênh VH1 đang suy sụp bởi sự lỗi thời và những chương trình TV khai thác đời tư nghệ sĩ tạp nhạp như Pop-Up Videos. Chương trình Diva’s Live kế tiếp năm 1999 tôn vinh thêm Tina Turner, Cher, Whitney Houston, Mary J.Blige và Brandy, LeAnn Rimes, Faith Hill, Shakira, Anastacia cũng được lây tiếng thơm Divawannabe. Và mới đây chương trình Diva live cũng của VH1 năm 2004, hai kiều nữ Jewel và Beyoncé cũng đã nắm tay nhau lên bục… Điều đó chứáng tỏ dư luận quốc tế cũng bắt đầu hời hợt, non tay và dễ dãi hơn với chính danh hiệu Diva cao quý.
Hỏi: Họ – Brandy, Rimes, Hill, Shakira, Anastacia Jewel, Beyoncé – đều là ca sĩ có thực lực, những ngôi sao nổi tiếng, với vốn tiêu thụ băng đĩa cao ngất ngưởng và một đội ngũ fan hâm mộ hùng hậu, nhưng Diva chỉ là thế thôi sao
Đáp: Quay lại với chương trình Diva’s Live đầu tiên, nhiều nhà phê bình cho rằng chỉ có Aretha Franklin mới thật sự là Diva đêm hôm đó. Sự lôi cuốn, sức mạnh trong giọng hát của Aretha mãnh liệt, lấn át đến mức độ ngay cả Mariah Carey và Céline Dion cũng phải chấp nhận vai trò làm nền, hát bè cho The Soul Diva trong ca khúc kinh điển của Carole King: A Natural Woman. Đích thực, khi Mariah Carey hay Whitney Houston chia cùng sàn diễn với Aretha Franklin thì vầng sáng của hai nàng bị vây phủ bởi ánh hào quang rạng ngời của Aretha, một ảnh hưởng lớn của Houston và Carey, cũng như hầu hết những giọng ca nữ da màu chuyên trị soul/R&B sau này. Tương tự như danh hiệu Diva đứng trước tên Céline Dion sẽ giảm bớt đi nhiều uy lực nếu so với cùng chữ Diva này đệm trước Ginette Reno hay Barbra Streisand. Thậm chí, nếu so sánh Aretha Franklin với Patti Labelle, Etta James, Yolanda Adams thì chưa chắc ai sẽ “Diva” hơn ai!
Hỏi: Không lẽ Houston, Carey hay Dion không xứng đáng là Diva sao? Phải chăng diva chỉ có một?
Đáp: Có lẽ Diva cũng tuân theo quy luật thị trường, của hiếm mới quý, càng nhiều thì càng tầm thường, giá trị suy giảm.
Hỏi: Hay trong mỗi giai đoạn, mỗi thế hệ chỉ có duy nhất một Diva? Và những thành quả mới không thể nào che lấp được ánh hào quang cũ?
Đáp: Diva thật sự phải như thế chăng?
3. Quay sang mặt bằng nhạc nhẹ Việt Nam, câu chuyện Diva càng trở nên phức tạp thêm khi những mẫu Diva được tuyên dương đôi lúc đối ngược nhau một trời một vực. Thậm chí dư luận còn đang không chịu nổi khái niệm Diva thế hệ mới của những ai đó đang hứng chí. Hiện nay, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh và Trần Thu Hà tạm thời được công chúng chấp nhận như Tứ đại Diva của nền nhạc nhẹ Việt Nam. Song cái mặc cảm Ta-không-bằng-Tây lại nảy sinh ra nhiều ý kiến như: “Làm sao 4 Diva Việt Nam có thể sánh nổi với Diva quốc tế như Whitney Houston hay Céline Dion?”. Quả thật Thanh Lam không tài nào sánh nổi với Whitney Houston nếu đã nghe Thanh Lam hát The Greatest Love Of All vào đầu thập niên 90. Nhưng ngược lại, liệu W.Houston có thể hát được “Không thể và có thể” pha chút ả đào cải biên không? Mọi so sánh chỉ hợp lý nếu được đặt vào đúng hệ quy chiếu: bối cảnh lịch sử và xã hội của nó. Vì thế, xét theo những chuyển biến của nền tân nhạc Việt một thập niên trở lại, cả bộ tứ Lam, Nhung, Linh, Hà đều có những đóng góp, cống hiến chứng thực cho địa vị của họ ngày hôm nay. Nhưng tương tự như trường hợp Houston – Carey – Franklin, Mỹ Linh – Hà Trần cũng từng bị núp bóng bởi đàn chị Thanh Lam – Hồng Nhung. Cũng như chính Thanh Lam – Hồng Nhung có nguy cơ bị lu mờ trước Ái Vân – Lê Dung – Lệ Quyên. Điều này phản ánh lên sự thiếu hệ thống hóa trầm trọng trong âm nhạc Việt Nam, khi mọi thể loại âm nhạc đều được gom gọn dưới một túp lều “nhạc nhẹ”. Chức vị Diva của Lam, Nhung, Linh, Hà xem chừng nhẹ cân bên cạnh ai đó, nhưng làm sao có thể tranh phân hơn kém giữa phong cách pop tiên phong, folk tự sự, hay cổ điển opera đây?
Cuối cùng, những ví dụ trên rọi chiếu lên một điều: Diva là một khái niệm thuộc về thời gian. Thời gian ghi khắc những giá trị nghệ thuật của các nghệ sĩ tài năng để bảo tồn cho thế hệ sau. Dù có được gọi là Diva ngày hôm nay nhưng vụt tắt sau vài tháng thì Diva còn ý nghĩa gì nữa? Mỹ Tâm vẫn có quyền thành Diva-tóc-nâu, Hồ Quỳnh Hương có thể là Diva – tinh thể than đá, Hồ Ngọc Hà là Diva-chân-dài nếu có người chịu tung hô! Cũng như một tôn giáo, trong âm nhạc, chỉ cần có người đặt lòng tin và tôn thờ thì sẽ nhanh chóng trở thành Diva thôi. Nhưng được cư ngụ bền bỉ trong đền thiêng là thế giới của người ngưỡng mộ thì câu chuyện nhất thiết phải rẽ vào một hướng đi khác. Diva của ngày hôm nay chỉ còn là một thương hiệu không hơn không kém, kỳ tích của xảo thuật PR (public relation). Được tồn tại lâu dài trong thâm tâm của công chúng mới chính là giá trị thực thụ của người nghệ sĩ chân chính.
Diva làm tôi liên tưởng đến đỉnh cao của sự nghiệp, một tượng đài được vinh danh để tưởng niệm những công trình huy hoàng nhất của quá khứ, là điểm dừng của kẻ sáng tạo. Trong nghệ thuật mà tất cả được coi như đã hoàn tất, khi sức sáng tạo hết rung chuyển thì đó chỉ còn là cái đẹp… chết!
(Phong Trần)