Rục rịch từ cuối năm 2018, Disney đã khiến dư luận xôn xao khi thông báo sẽ gia nhập thị trường chiếu phim trực tuyến, đối đầu trực tiếp với Hulu, Amazon và đặc biệt là Netflix.
Đứa con mới của nhà Chuột mang tên Disney+ sẽ sở hữu khối lượng nội dung cũ và mới khổng lồ được sản xuất bởi Disney, điển hình như dàn bom tấn thuộc MCU (Vũ trụ Điện ảnh Marvel), các bộ phim trong vũ trụ Star Wars, X-Men,… Những bộ phim tài liệu tiếng tăm từ kênh National Geographic cũng sẽ cập bến. Không chỉ dừng lại ở đó, Disney+ cũng sẽ đích thân đứng ra sản xuất phim riêng với một số dự án đầu tiên được công bố là “High School Musical: The Musical: The Series”, bản truyền hình của “Love, Simon”, “Noelle” với sự tham gia của Anna Kendrick hay “Diary of a Female President”.
Disney+ và vị thế khủng của “con nhà giàu”
Một đặc điểm nổi trội của Disney+ chính là mức giá dự tính được đưa ra quá rẻ so với các đối thủ cạnh tranh. Chỉ với $6.99/tháng, thành viên Disney+ sẽ được thưởng thức kho nội dung rộng lớn ở chất lượng cao, trong khi mức giá rẻ nhất của Netflix (không cho phép chất lượng HD) lại là $8.99/tháng. So sánh với một số đối thủ khác, Amazon Prime sẽ yêu cầu người dùng trả $199/năm (tặng kèm dịch vụ vận chuyển miễn phí hàng hóa) còn Hulu thì dao động từ $7.99 đến $11.99. Như vậy, có thể thấy mức giá của Disney+ đang thực sự rẻ đến báo động, thậm chí chỉ nhỉnh hơn giá một chiếc vé xem phim ngày cuối tuần tại Việt Nam một chút.
Disney đang rất lạc quan về kế hoạch đã đặt ra với Disney+, và giá cổ phiếu của công ty đang có chiều hướng tăng dần. Xét về khía cạnh đầu tư, việc “rót tiền” cho Disney đang là một bước đi thông minh với tỉ lệ rủi ro rất thấp. Trong một thông báo với các nhà đầu tư gần đây, Disney+ hé lộ kế hoạch để đạt được từ 60 đến 90 triệu người đăng ký khắp thế giới cho đến năm 2024. Đây là một con số khổng lồ nếu đem so sánh với con số 139 triệu người dùng Netflix sau bao nỗ lực của công ty này kể từ ngày đầu tiên xuất hiện năm 1997.
Netflix vẫn đang là kẻ dẫn đầu cuộc chơi
Trước sự xuất hiện của Disney+ và thậm chí sắp tới là Apple TV+, Netflix – luôn giữ ngôi vương trong mảng thị trường chiếu phim trực tuyến – đang cần mẫn thay đổi và phát triển để duy trì phong độ của mình trước cuộc chiến. Thế nhưng, chúng ta cũng cần nhìn vào cách Netflix đã phát triển, và lý do tại sao hiện tại đây vẫn là “ông hoàng” của rạp chiếu phim tại gia, dẫu xuất hiện không ít đối thủ.
Netflix với sự lãnh đạo của Reed Hastings đã luôn là kẻ dẫn đầu. Nếu như Disney đang tối ưu hóa sản phẩm Disney+ và thực hiện gần như chính xác những gì Netflix đã làm (trừ việc sử dụng nhiều tiền hơn), thì Netflix được biết đến với khả năng phán đoán chuẩn xác xu hướng trong tương lai và chuyển mình để đạt được những yêu cầu, xu hướng đó. Từ những ngày đầu cho thuê DVD đến việc ra mắt hệ thống chiếu phim trực tuyến năm 2007 và bắt đầu sản xuất nội dung riêng đầu tiên năm 2012 với bộ phim “Lilyhammer“, giờ đây Netflix đang rót tiền để cho sản xuất rất nhiều tác phẩm độc lập hàng năm, bao gồm cả những bộ phim danh tiếng để đem đi tham dự những giải thưởng lớn nhỏ.
Rõ ràng, tham vọng của Netflix đang không dừng lại ở việc làm tốt ở mảng chiếu phim trực tuyến. Thương hiệu này đang phấn đấu trở thành một nhà sản xuất thực sự tài năng, để lại dấu ấn ở cả số lượng lẫn chất lượng với phát súng giòn giã đầu tiên năm 2018 mang tên “Roma” của đạo diễn Alfonso Cuarón.
Oscars lần thứ 91 đánh dấu lịch sử khi “Roma” của Netflix nhận 10 đề cử và thắng 3, là một trong những bộ phim sáng giá nhất của 2018. “Roma” cũng là đề cử Phim truyện hay nhất đầu tiên mà không có ghi nhận doanh thu từ rạp phim, vì đơn giản tất cả mọi người đều xem ở nhà. Bộ phim chỉ được ra mắt ở một số rạp phim nhỏ tại Mỹ mà Netflix thuê trong vài ngày để đáp ứng điều kiện tranh cử Oscar (cũng có nghĩa là không ai phải trả tiền để xem “Roma” ở rạp).
Một thế mạnh nữa mà Netflix đang bỏ xa các đối thủ khác, chính là thuật toán nền tảng sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để đưa ra những gợi ý phim phù hợp với sở thích của từng người dùng. Netflix đã đầu tư mạnh vào công nghệ và thuật toán trong năm 2018 với 1.3 tỉ đô. Chính vì vậy, trải nghiệm xem phim tại Netflix luôn được đánh giá cao, cho dù là điện thoại, máy tính hay TV.
Người dẫn đầu và kẻ “chơi lớn”, ai mạnh hơn?
Cũng dựa trên thông báo với các nhà đầu tư, Disney dự tính chi sẽ khoảng 1 tỉ đô cho đến năm 2020 và khoảng 2 tỉ đô vào năm 2024 để sản xuất các nội dung riêng cho Disney+. Con số này khi so sánh với Netflix thì không đáng kể, vì chỉ trong năm 2018, Netflix đã tiêu đến 12 tỉ đô và dự kiến là 15 tỉ đô vào năm nay. Tuy nhiên, cũng phải kể đến việc Disney đã có sẵn kho nội dung khổng lồ từ trước đến nay thu hút đầy đủ các độ tuổi, còn Netflix thì phải đang tận tụy xây dựng mọi thứ. Đó là còn chưa kể đến những tác phẩm kinh điển trường tồn với thời gian của Disney như “Lion King” hay “Lady and the Tramp“.
Nếu như Netflix đang cần mẫn tạo nên thư viện phim khổng lồ của mình với đầy đủ các nội dung từ phim điện ảnh, phim dài tập, chương trình thực tế,… thì Disney lại vừa khiến dư luận toàn thế giới xôn xao với giao dịch mua lại Fox với giá trị 71 tỉ USD – một con số khổng lồ và tham vọng cho bất kỳ những dự định nào của hãng này. Vốn đã sở hữu 26% thị phần phòng vé vào năm 2018, việc thâu tóm Fox sẽ giúp nâng con số này lên 35.1% – hơn gấp đôi cái tên đứng thứ 2 trong danh sách là Warner Bros. với 16.3%.
Việc sở hữu Fox cũng khiến Disney giờ đây nắm quyền những thương hiệu phim lớn như “Life of Pi“, “The Martian“, “Bohemian Rhapsody” hay “Logan“. Đào sâu vào vấn đề, nhiều người nhận ra phi vụ mua lại Fox của Disney cũng có khả năng làm Netflix chao đảo, nhất là khi Netflix đang mon men tiến đến gần “thánh địa” phim hàn lâm với một vài tác phẩm nhất định như “Roma”, “The Other Side of the Wind” hay “Okja“. Trong khi đó Disney và Disney+ rõ ràng có vị thế lớn hơn hẳn Netflix nhờ việc sở hữu cũng như sản xuất các bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao với “The Shape of Water, “Hidden Figures”, “Avatar“, “The Revenant“,… từ phía Fox.
Thế nhưng, hẳn nhiên những bộ phim bom tấn vẫn sẽ được Disney ưu ái đem ra rạp phim oanh tạc trước khi gia nhập Disney+. Giờ đây, chúng ta còn một cuộc chiến nữa đang dần được định hình lại: rạp phim truyền thống và rạp phim tại nhà.
“Thật khó để phân biệt liệu bộ phim nào là dành cho màn ảnh lớn hay dành cho một dịch vụ chiếu phim trực tuyến, nhất là khi có những gương mặt như ‘Roma’ xuất hiện. Những người làm phim ngày nay có lẽ cũng không còn tin rằng tình yêu với rạp phim của họ có thể lấn át được cách mà khán giả muốn xem phim bây giờ,” một nhà làm phim chia sẻ với trang Vanity Fair.
Nhiều khả năng Netflix vẫn giữ được thế thượng phong với phong cách phát hành phim riêng biệt của mình, dù là bom tấn cho đến những bộ phim dài tập thường ngày. Cùng lúc đó, Disney vẫn đang đi theo công thức cũ: sản xuất –> ra rạp –> đem về Disney+. Việc hợp nhất Disney và Fox cũng có nghĩa rằng số lượng phim được cả 2 đưa ra rạp sẽ ít hơn đáng kể (để tránh trường hợp gà nhà đấu nhau), và những cái tên không chạm chân được đến rạp phim sẽ dừng lại ở Disney+, có thể với kinh phí thấp hơn và dàn diễn viên kém đắt đỏ hơn, xem xét số tiền chỉ 1 tỉ USD kể trên được Disney cho phép.
Chỉ là sự khởi đầu
Dù là Disney+ hay Netflix, mỗi bên lại sở hữu thế mạnh và ưu điểm riêng trong cuộc chiến xem phim trực tuyến. Nếu như Disney+ được đứng sau bởi một đế chế hùng mạnh cùng nguồn tiền gần như vô hạn để thâu tóm cũng như vượt mặt mọi đối thủ, thì Netflix trước giờ vẫn luôn được nhớ đến như kẻ đi đầu trào lưu.
Sự đối đầu giữa hai bên không chỉ là sự đối đầu về tài chính, mà sâu xa còn là sự chuyển mình thay đổi của các hãng sản xuất phim trong thời đại 4.0, khi mọi tiêu chuẩn và thói quen xem phim đang thay đổi từ rạp chiếu phim thông thường đến màn hình TV tại gia. Trải nghiệm thưởng thức điện ảnh tại rạp phim vẫn được coi là độc tôn và có giá trị riêng, tuy nhiên điều gì sẽ quyết định việc khán giả muốn thưởng thức một bộ phim ở đâu, nhất là khi những khái niệm cũ đang bị phá vỡ?
Trong kỉ nguyên công nghệ mới luôn luôn thay đổi, Disney+ và Netflix thực chất chỉ đang bắt đầu những bước đầu tiên trong hành trình tiếp cận thị hiếu người xem, với mục đích cuối cùng không phải là để tiêu diệt lẫn nhau, mà là mở rộng tối đa doanh thu. Liệu Disney+ có giúp Disney ngày càng giàu mạnh, và liệu Netflix có thể thành công khi từ chối tiếp cận các rạp phim? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.
Bài: Hiếu Đồng