Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã cho biết như trên.
Tiếc gạo mốc, “dính” ung thư dạ dày
Một trong các bệnh nhân mắc bệnh ung thư do ăn uống thiếu lành mạnh là ông Trần Văn Cảnh, 60 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi, TP.HCM.
Ngồi chờ khám tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, ông Cảnh chia sẻ, mới phát hiện bệnh cách đây 1 tháng sau nhiều lần cảm thấy ăn không tiêu, người xanh xao và đau vùng hạ vị.
Một bệnh nhân bị ung thư đang được bác sĩ thăm khám.
“Bác sĩ bảo có khả năng nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày do cách ăn uống của tôi. Nhà tôi làm nông, hay dự trữ gạo, lúa. Nhiều lần gạo bị nước mưa làm ẩm mốc nhưng vợ chồng tôi tiếc, không nỡ bỏ đi. Chúng tôi đem gạo phơi khô dưới nắng rồi nấu ăn. Có lẽ ăn gạo bị mốc ngày này qua ngày khác đã làm tôi bị ung thư bao tử”, ông Cảnh nói.
Theo ông Cảnh, trong gia đình, bố ông cũng bị ung thư gan. Ông cụ năm nay ngoài 80 tuổi, chẳng hề rượu bia, thuốc lá. Loại trừ tất cả các nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ cho rằng cũng có thể cụ đã ăn phải gạo mốc.
“Khổ quá, ông bà cứ quan niệm gạo là ngọc của trời nên quý lắm. Tôi cứ tưởng gạo mốc rửa đi, phơi nắng là hết, ai ngờ nên nông nỗi này!”, ông Cảnh buồn rầu.
Bà Nguyễn Thị Nga (55 tuổi, ngụ tại quận 8, TP.HCM) đang chờ mua thuốc trong bệnh viện.
Sau khi nghe câu chuyện của ông Cảnh, bà gật đầu đồng cảm. Bà cho biết con gái mình mới 27 tuổi đã bị ung thư vú. Sau khi điều tra bệnh sử, bác sĩ bảo chế độ ăn uống của con bà là một trong những nguyên nhân gây bệnh.
Bà Nga kể: “Con bé chẳng bao giờ chịu ăn rau xanh và trái cây. Tôi đâu biết rau trái lại đóng vai trò quan trọng trong việc phòng, ngừa ung thư đến thế. Lúc phát hiện thì bệnh nặng rồi, vùng ung thư đã xâm lấn. Con tôi còn trẻ, cháu chưa lập gia đình mà phải cắt bỏ một bên vú. Ngày thường nó còn rất thích ăn đồ chiên, xào. Ăn uống thế dễ mắc bệnh ung thư lắm!”.
70% bệnh nhân ung thư do thói quen ăn uống
Theo bác sĩ Thịnh, có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh ung thư. Có thể do phóng xạ (bức xạ mặt trời), môi trường, nhưng ung thư do ăn uống thiếu lành mạnh chiếm tới 2/3 tổng số ca bệnh.
Các chuyên gia hàng đầu đang lo ngại vì bệnh nhân ung thư ngày một gia tăng.
Chẳng hạn, trong các món ăn mà người Việt Nam ưa chuộng như dưa cải muối, củ kiệu muối để lâu ngày sẽ phát sinh chất Nitrosamine.
Chất này là thủ phậm gây rất nhiều loại ung thư.
Hay các loại ngũ cốc để lâu bị mốc (nhất là mốc đỏ) dù rửa sạch, phơi khô cũng không thể hết được. Ngũ cốc bị mốc sẽ sinh nấm Aspergilus. Nấm Aspergilus có độc tố Aflatoxin gây bệnh ung thư.
Hoặc khi người dân ăn phải những thực phẩm như cá khô, mực khô để lâu cũng có nguy cơ bị ung thư dạ dày và các loại ung thư vùng hốc miệng.
Tiếp đến, là các loại bệnh ung thư do bệnh nhân ăn ít rau xanh, trái cây.
“Trước đây, khi còn nghèo, dân ta ăn rau xanh nhiều mà lại ít bị ung thư vú, ung thư đại trực tràng hơn bây giờ”, bác sĩ Thịnh nhận định.
Sở dĩ như vậy là do trong rau và trái cây có thành phần chống oxy hóa, có tác dụng khử gốc oxy hóa độc hại, loại bỏ độc chất trong quá trình chuyển hóa của cơ thể, tránh gây đột biến về tế bào.
Tuy nhiên, ngày này, với sự công nghiệp hóa ngày càng nhanh, mọi người ai cũng vội vã. Từ đó chúng ta thường xuyên ăn các món ăn nhanh bán sẵn chứa nhiều năng lượng và dầu mỡ, không tốt cho cơ thể.
Trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc cũng là một quốc gia có rất nhiều bệnh nhân bị ung thư.
Nguyên nhân chính gây ra ung thư của các bệnh nhân chủ yếu do ăn uống và sinh hoạt thiếu lành mạnh.
Cụ thể, mỗi năm Bệnh viện ung bướu Hiện Đại Quảng Châu tiếp nhận khoảng 6.200 bệnh nhân.
Trong số đó, các trường hợp bị ung thư về hệ tiêu hóa khá cao, chiếm tới 60% tổng số ca bệnh.