Từ năm 2012, dưới sự chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội đã bước đầu triển khai các hoạt động xúc tiến công nghiệp sáng tạo (creative industries), coi đó là một trong những giải pháp gia tăng giá trị hàng hoá, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Rõ ràng là, trong một nền kinh tế tri thức, sáng tạo của cá nhân con người chính là một tài nguyên vô cùng quý giá. Việt Nam lại được cộng đồng thế giới thừa nhận có một sức sáng tạo mãnh liệt, tiềm ẩn trong mỗi con người. Thừa nhận, khai thác sức sáng tạo, bảo hộ những sáng kiến, phát minh, sáng tạo của con người, chính là con đường tạo bước nhảy vọt về kinh tế, xây dựng đất nước hưng thịnh.
Hội nghị quốc tế công nghiệp thời trang nhằm tìm hiểu thực trạng, tiềm năng và định hướng phát triển ngành công nghiệp thời trang Việt Nam
Công nghiệp thời trang, một trong 15 ngành công nghiệp sáng tạo, đã có những bước chuyển mình thực sự, về cả chất và lượng, trong hơn một thập niên qua. Chúng ta đã thấy những nhà thiết kế thời trang được công nhận ở các kinh đô thời trang thế giới, như Minh Hạnh, Công Trí, Đỗ Mạnh Cường, Lý Quí Khánh…; những nhà thiết kế thời trang đoạt các giải thưởng quốc tế như Hồ Trần Dạ Thảo; những chương trình trình diễn thời trang đoạt giải châu Á như Đẹp Fashion Show; những thương hiệu thời trang đang gây ảnh hưởng mạnh mẽ ở thị trường trong nước như IVY moda, Eva de Eva, Ninomax, Kelly Bùi, An Phước, PNJ…
Tuy vậy, nếu nhìn thẳng vào thực trạng thì nền công nghiệp thời trang của chúng ta vẫn còn rất nhỏ bé. Con số kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2014 đạt 24 tỷ đôla không có nhiều ý nghĩa đối với ngành thời trang, bởi đa phần đều là gia công, nằm dưới các thương hiệu nước ngoài. Nguyên phụ liệu hầu hết là ngoại nhập. Đã từ lâu ngành dệt không có thêm các sáng tạo mới, mà chỉ cung cấp các sản phẩm đơn giản, rẻ tiền. Nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là chúng ta thiếu vắng các nhà kinh doanh thời trang, với tầm nhìn về thị trường, thương hiệu, phân phối, tài chính, marketing và quảng bá.
Hội nghị Quốc tế về Công nghiệp Thời trang: Định hướng Xây dựng và Phát triển lần này là hoạt động quy mô đầu tiên, nhằm tìm hiểu thực trạng, tiềm năng và định hướng phát triển ngành công nghiệp thời trang Việt Nam, chặng đường đầu tiên trên con đường dài hướng đến việc tạo dựng những giá trị gia tăng cao cho hàng dệt may Việt Nam cũng như hàng phụ kiện thời trang.
Đơn vị tổ chức: UBND Thành phố, Sở công thương Hà Nội, Trung tâm xúc tiến thương mại cùng các đơn vị liên quan.
Thời gian và địa điểm: 8 giờ đến 12 giờ ngày 18/04/2015 tại Khách sạn Daewoo Hà Nội.
Chương trình có các diễn giả, chuyên gia nhà thiết kế nổi tiếng tham gia thảo luận.
Click để xem thêm thông tin sự kiện
PV