Đinh hương: Cho “hơi thở như lan” - Tạp chí Đẹp

Đinh hương: Cho “hơi thở như lan”

Xu Hướng Làm Đẹp

Hẳn sẽ nhiều người thắc mắc vì sao con người lại có mùi hương hoa được, nhất định là có ngậm hương liệu trong miệng. Nhưng nếu không ngậm mà vẫn có hương thơm thì bí mật ở đây là gì? Câu hỏi này hẳn là vô cùng kích thích trí tò mò của mọi người, nhất là những người chẳng may bị chứng hôi miệng.


 

Rất may là từ thời xưa, chứng hôi miệng đã tìm ra được nguyên nhân và cách chữa trị. Những ai mắc chứng này, theo Đông y học, đa số là vì trường vị hợp thấp nhiệt mà ra. “Trực Chỉ Phương” của Dương Sĩ Dinh cho biết: “Chứng hôi miệng là hiện tượng nhiệt khí uẩn tích ở giữa các mô lồng ngực, khí hương trên và từ trong miệng xung phát ra. Người trường vị thấp nhiệt, những thức ăn mà họ ăn vào thường bị ngưng trệ trong dạ dày, tiêu hóa kém dẫn đến chán ăn, nấc cụt, buồn nôn, táo bón, sình bụng, đau bụng … Ngoài ra, bệnh viêm quanh răng, sưng, mưng mủ trong khoang miệng cũng dẫn tới hôi miệng”. Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng một khi đã hôi miệng thì ai cũng chẳng khỏi phiền não, chỉ mong sớm có thể chữa trị để tránh ảnh hưởng tới việc giao tiếp, thậm chí ảnh hưởng cả tới chuyện trai gái yêu đương.

Trong các loại thuốc Bắc xưa nay có Bảo Hòa Hoàn và Khẩn Hương Hoàn đều chuyên dành chữa chứng hôi miệng. Tuy nhiên, nếu thấy hôi miệng do rêu lưỡi dày nhậy thì có thể thường xuyên ngậm lá Hoắc hương, lá Bạc hà rồi nhai nhuyễn, sau đó có thể nuốt luôn hoặc nhả ra. Rêu lưỡi trắng trơn mà hôi miệng thì có thể ngậm Đinh hương.

Thời Huệ Đế Tây Hán, các Thị tùng Lang trong lúc vào trình vua, miệng luôn ngậm Đinh Hương cho khỏi ô uế không khí trong cung. “Hán Quang Nghi” ghi lại chi tiết liên quan như sau: “Người Thị trung Điều Tồn tuổi lớn miệng hôi, Hoàng đế đem Kế Thiệt Hương thưởng cho và dặn là luôn ngậm trong miệng cho thơm, Kế Thiệt Hương đó chính là Đinh Hương (còn có các tên gọi là gọi là Công Đinh Hương, Hùng Tử Hương, Đinh Tử, Đinh Tử Hương, Kê Tử Hương)”.

Đôi điều về Đinh hương

Ở các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam, Đinh hương được sử dụng làm thuốc từ lâu đời. Theo Đông y, Đinh hương có vị cay, ngọt, the, tính nóng ôn vào 4 kinh: phế, vị, tỳ và thận. Trong nha khoa, tinh dầu Đinh hương có tác dụng rất tốt trong điều trị như diệt tủy răng, gây tê răng, giảm đau cấp ở răng (Thường dùng tinh dầu đinh hương phối hợp với các vị thuốc khác sắc nước uống). Ngoài ra, Đinh hương còn được dùng làm cồn xoa bóp và nắn bó gãy xương, chữa đau nhức xương khớp, chân tay bị lạnh (xoa dầu Đinh hương).

 

Các chuyên gia về tinh dầu đã dày công nghiên cứu và chỉ ra các tác dụng đa diện của tinh dầu đinh hương. Dầu Đinh hương thường được khuyên dùng để chăm sóc da, đặc biệt là bệnh nhân bị mụn trứng cá vì nó được coi là loại thuốc sát trùng tự nhiên cho làn da. Dầu Đinh hương cũng được coi là loại thuốc kích thích tình dục tự nhiên và nó cũng được coi là một liều thuốc giảm stress tuyệt vời, tác động kích thích tâm lý và loại bỏ mệt mỏi về tinh thần. Khi sử dụng với liều lượng thích hợp, nó làm cho tâm trạng được thả lỏng, thư giãn. Sử dụng dầu Đinh hương cũng có thể tạo cho bạn một giấc ngủ ngon và có ích cho bệnh nhân mất ngủ. Nó rất hữu ích để điều trị bệnh tâm thần như trầm cảm, lo lắng, bồn chồn …

Dầu Đinh hương khi trộn với muối và áp dụng thoa lên trán, chúng có tác dụng làm mát và giúp đỡ giảm thiểu sự đau đầu. Cây Đinh hương, dầu Đinh hương là một phương thuốc gia dình hiệu quả để điều trị cho chứng viêm bờ mi. Viêm bờ mi là tình trạng mắt bị viêm trên lông mi rất khó chịu, gây đau đớn và còn khiến các hoạt động của mắt rất khó khăn.

Trong các vấn đề về đường hô hấp, dầu Đinh hương có tác dụng làm mát và chống viêm hiệu quả, chúng cũng sẽ xóa sạch các đờm trong mũi. Vì thế, nó điều trị các rối loạn khác nhau về đường hô hấp bao gồm ho, viêm xoang và bệnh lao. Tích cực nhai những nụ Đinh hương sẽ giúp giảm bệnh viêm họng. Hỗn hợp của dầu Đinh hương ấm áp kết hợp với dầu mè là một phương thuốc tốt để điều trị chứng đau tai. Dầu Đinh hương cũng có hiệu quả trong vấn đề liên quan đến dạ dày như khó tiêu, đầy hơi, bệnh tả … giúp tăng cường sự trao đổi chất của cơ thể bằng cách tăng lưu thông máu và làm giảm nhiệt độ cơ thể. Nó cũng là loại thảo mộc giúp làm sạch máu, thanh lọc cơ thể.

Cùng với tác dụng lọc máu, dầu cây Đinh hương cũng có thể giúp đỡ bạn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu và do đó rất hữu ích cho bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. Cả cây Đinh hương và dầu cây Đinh hương đều rất hữu ích cho việc thúc đẩy hệ miễn dịch. Nguyên nhân là do những đặc tính kháng virus và khả năng làm sạch máu có trong nó. Đặc biệt hơn cả, các nghiên cứu đã chỉ ra cây Đinh hương có thể hữu ích trong việc điều trị xuất tinh sớm cho các quý ông.

Những mẹo nhỏ thú vị để chữa hôi miệng


Tình trạng hôi miệng do nguyên nhân từ miệng và vùng lân cận như viêm nhiễm ở khoang miệng, mũi, xoang, phế quản, khô miệng kéo dài (do thuốc, do tuyến nước bọt hoạt động kém hoặc thở bằng miệng …), vệ sinh răng miệng kém, thói quen hút thuốc lá … Tình trạng vở van tâm vị cũng gây hôi miệng do mùi khó chịu từ dạ dày trào lên … có thể được khắc phục bằng những biện pháp đơn giản dưới đây:

1. Ngậm nước sắc các loại thảo dược chứa tinh dầu thơm có tính sát khuẩn như hương nhu, mùi tàu, húng chanh … Mỗi ngày bạn lấy một nắm lá sắc đặc (để lửa liu riu khoảng 20 phút sau khi sôi, đậy vung kín), pha thêm chút muối, lọc bỏ bã, cho vào chai cất trong tủ lạnh, ngậm mỗi ngày 6 lần hoặc nhiều hơn nếu có điều kiện. Mỗi lần, ngậm lâu nhất có thể rồi nhổ đi. Hiệu quả sẽ thấy rõ sau một vài ngày.

2. Pha mật ong và bột quế với nước ấm để súc miệng nhiều lần trong ngày.

3. Nhai dần dần và nuốt nước liên tục những thứ có mùi thơm như cánh hoa hồng, hoa hồi, vỏ quả chanh … Với hoa hồng, vỏ chanh, bạn có thể nhai thường xuyên trong ngày, còn với hoa hồi thì mỗi ngày dùng vài ba cánh. Bạn cũng có thể sử dụng hoa hồng theo cách hãm với nước sôi để ngậm.

4. Lấy vỏ quýt nấu nước uống hàng ngày, mỗi ngày chừng 30g.

5. Súc miệng thường xuyên với nước cốt chanh pha nước hoặc giấm táo pha loãng (nửa thìa canh giấm trong một ly nước).

6. Trong mỗi bữa ăn nên có các loại rau thơm như lá bạc hà, mùi tây, mùi ta, mùi tàu, cần tây … Về trái cây, nên ưu tiên họ cam, quýt, vì chúng chứa nhiều axit citric giúp kích thích tiết nước bọt để diệt vi khuẩn, rất hiệu quả trong trường hợp hôi miệng do khô miệng.

7. Về đồ uống, nếu bạn không thích nước lọc thì thay cho cà phê, hãy dùng nước trà. Các chất chống oxy hóa mạnh trong trà cũng có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn.

Ngoài ra, để hơi thở được thơm tho, bạn cần vệ sinh răng miệng tốt để đảm bảo không còn thức ăn thừa giắt ở răng, nạo sạch lưỡi, uống đủ nước để tránh khô miệng và làm sạch hơn khoang miệng. Nếu áp dụng thường xuyên các cách trên mà miệng vẫn hôi, bạn cần đến bác sĩ để phát hiện và giải quyết dứt điểm bệnh lý vì chắc chắn đó chính là nguyên nhân khiến bạn hôi miệng.

Đông Nhan (theo Đang yêu)

Thực hiện: depweb

04/09/2012, 11:11