Điều gì quyết định trọng lượng của bạn

Hầu hết mọi người đều biết qui luật của quá trình chuyển hoá năng lượng: khi lượng calo đưa vào cơ thể nhiều hơn lượng calo được đốt cháy thì sẽ dẫn tới tăng cân.

Bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp kiểm tra và bổ sung hiểu biết của bạn với sự góp ý của các nhà khoa học.

Hãy trả lời đúng hay sai với những câu hỏi sau:

[1.] Người ta thường thèm ăn vặt vào buổi tối nhiều hơn ban ngày?

[2.] Nhiều người có thể ăn bất cứ thứ gì nhưng chẳng tăng một kí lô nào?

[3.] Ăn thường xuyên thúc đẩy chuyển hoá năng lượng vì quá trình ăn và tiêu hoá thức ăn làm tiêu hao calo?

[4.] Kết hợp bất kỳ thức ăn nào với nhau cũng không ảnh hưởng đến quá trình chuyển hoá năng lượng?

[5.] Chế độ ăn có hàm lượng calo thấp (dưới 1.200 calo/ngày) sẽ phá huỷ quá trình chuyển hoá năng lượng khiến việc giảm cân trở nên khó khăn?

[6.] Một số thức ăn chứa “calo tiêu cực” vì lượng calo tiêu tốn để nhai và tiêu hoá chúng nhiều hơn lượng calo chúng cung cấp?

[7.] Những calo tiêu hoá vào buổi tối có nhiều khả năng được giữ dưới dạng chất béo hơn lúc sáng sớm?

[8.] Các bữa ăn giàu protein giúp “bôi trơn” quá trình chuyển hoá năng lượng, đốt cháy chất béo một cách tự nhiên và làm giảm cân?

[9.] Nhiều phụ nữ tăng cân do mắc chứng “hypothyroidism” (suy giảm chức năng tuyến giáp hoặc suy giảm hoạt động tuyến giáp)?

[10.] Giảm lượng carbonhydrads (gồm đường, tinh bột) trong bữa ăn là cách tốt nhất làm tăng tốc quá trình chuyển hoá năng lượng và giảm cân?

Kết quả

1. Đúng
Đa số những người có thói quen ăn vặt (ăn theo cảm tính) thường thèm ăn vào buổi tối. Hầu hết thức ăn liên quan tới thói quen ăn vặt đều giàu đường, chất béo và calo. Đó là lí do vì sao nhiều phụ nữ tăng cân vì ăn vặt chứ không phải do lỗi của quá trình trao đổi chất.

2. Đúng
Với bất kể lí do gì, một điều hiển nhiên là cơ thể của nhiều người chỉ giữ được một lượng chất béo nhỏ kể cả khi họ ăn rất nhiều. Người ta vẫn chưa xác định rõ sự khác nhau về gen và môi trường có phải là nguyên nhân khiến sự chuyển hoá năng lượng trong cơ thể mỗi người khác nhau không.

Nguyên nhân có thể do những enzym có tác dụng trung hoà lượng chất béo trong cơ thể người này ít hơn người khác, hoặc do cơ thể của người dễ tăng cân cần ít năng lượng để duy trì nhiệt độ cơ thể hơn những người gầy.

3. Sai
Chưa có một nghiên cứu nào khẳng định ăn thường xuyên đốt cháy nhiều calo hoặc làm tăng tốc quá trình chuyển hoá. Ngược lại, bạn phải duy trì thời gian biểu ăn uống đều đặn, đúng giờ, khoảng cách gữa các bữa hợp lí, điều đó giúp bạn tránh được tình trạng thèm ăn vặt, chóng đói và duy trì nguồn năng lượng ổn định cho cơ thể.

4. Đúng
Sự kết hợp giữa các loại thức ăn trong một bữa ăn ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá nhiều hơn là quá trình chuyển hoá năng lượng. Cơ thể chúng ta cần nhiều loại thức ăn, hầu hết thực phẩm đều là sự kết hợp của carbonhydrads, protein và chất béo ngoại trừ đường, dầu ăn và các loại hoa quả.

5. Sai
Không có một bằng chứng khoa học cụ thể nào về việc bữa ăn có hàm lượng calo thấp sẽ tác động phá huỷ lâu dài đến quá trình chuyển hoá năng lượng hoặc ảnh hưởng đến sự phân bổ chất béo trong cơ thể. Nguyên nhân chính không nên áp dụng chế độ ăn ít calo là sẽ thiếu một số dưỡng chất quan trọng. Nên nhớ chế độ ăn kiêng chưa chắc đã ít calo, nên trong nhiều trường hợp trọng lượng của bạn vẫn tăng lên chứ không phải giảm đi.

6. Sai
Không có loại thức ăn nào tiêu tốn lượng calo nhiều hơn lượng calo nó cung cấp. Kể cả bạn nhai 10 cây cần tây thì cũng chỉ tốn 0,115 calo so với 60 calo nó cung cấp mà thôi.

7. Sai
Nếu bạn ăn quá no vào buổi tối và sau đó quanh quẩn ngồi xem tivi đến khi đi ngủ, có thể có một tác động nhẹ đến việc giữ chất béo trong cơ thể, so với khi bạn chỉ ăn nhẹ vào buổi sáng rồi sau đó lao động quần quật cả ngày. Tuy nhiên tác động này rất nhỏ và không có ảnh hưởng gì đến vấn đề tăng giảm trọng lượng.

8. Sai
Một bữa ăn hàm lượng calo cao sẽ làm tăng tốc nhẹ quá trình trao đổi chất hơn một bữa ăn nhiều carbs và chất béo. Tuy vậy cho đến nay, các nghiên cứu vẫn chưa đưa ra một bằng chứng thuyết phục về tác động của protein đẩy nhanh quá trình trao đổi chất dẫn tới giảm cân.

9. Sai
Giảm hoạt động của tuyến giáp có thể dẫn đến tăng cân. Tuy nhiên chỉ một số rất nhỏ phụ nữ thừa cân mắc phải hội chứng này.

10. Sai
Khoa học đã chứng minh những thức ăn hàm lượng carbonhydrads cao (ngũ cốc, hoa quả và rau) có tác dụng làm tăng quá trình trao đổi chất một chút, còn loại bỏ carbonhydrads sẽ làm chậm quá trình này đi. Chất béo chứa nhiều calo hơn carbonhydrads và người ta dễ ăn thừa chất béo hơn thừa carbonhydrads.

Ví dụ, người ta có thể ăn 2 muỗng dầu trộn salad trong một bữa nhưng khó ai có thể ăn một lúc 6 quả táo trong khi lượng calo là tương đương nhau (200-400 calo).

Mỗi câu trả lời đúng được tính 1 điểm.

Sau đây là kết quả:

9-10 điểm: Nếu ai đó muốn khuyên bạn những vấn đề về calo, ăn kiêng, chuyển hoá năng lượng thì chắc chắn là họ đã “múa rìu qua mắt thợ rồi”.

7-8 điểm: Bạn hoàn toàn có thể tự tin. Nói chung với những kiến thức có được, bạn có thể tin tưởng vào lựa chọn của mình.

5-6 điểm: Có lẽ bạn hơi cả tin. Bạn có xu hướng tin vào những quan niệm cũ và ý kiến người khác thay vì tham khảo những kiến thức khoa học và lời khuyên của các nhà chuyên môn.

Dưới 4 điểm: Bạn đừng tự hỏi tại sao đến giờ mọi nỗ lực của bạn đều công cốc khi những hiểu biết của bạn chỉ gói gọn trong hai chữ "calo". Việc làm duy nhất của bạn bây giờ là cập nhật ngay thông tin về chuyển hoá năng lượng từ những nguồn đáng tin cậy./. 


From the same category