Năm 2022, cuộc trẻ hóa thương hiệu Diesel với logo chữ D to bản và sự đổ bộ của các thiết kế trompe l’oeil in hoa văn denim của giám đốc sáng tạo Glenn Martens đã làm tiêu tốn bao giấy mực của giới truyền thông, tạo cú nổ lớn trong ngành công nghiệp thời trang sau đại dịch. Với thế mạnh xử lý chất liệu bằng kỹ thuật trompe l’oeil, Glenn Martens, người được mệnh danh là “nhà điêu khắc hoa văn kỹ thuật số” đã vực dậy thành công thương hiệu Diesel, đưa nó thống trị địa hạt denim một lần nữa.
Renzo Rosso thành lập thương hiệu Diesel vào năm 1978. Ông chọn cái tên này bởi nó dễ nhớ và dễ phát âm. Diesel đã trở thành biểu tượng của cá tính, sáng tạo và đổi mới trong thế giới thời trang với dấu ấn nhận diện không thể nhầm lẫn: denim. Khi thương hiệu đang trên đỉnh cao và tạo ra nhiều cú bắt tay đình đám với các nhãn hàng nổi tiếng như L’Oréal, Sony Computer Entertainment Europe…, năm 2013, Renzo Rosso quyết định giao lại Diesel cho người khác và bổ nhiệm vị trí giám đốc nghệ thuật cho Nicola Formichetti (cựu stylist của Lady Gaga). Thiếu vắng sự dẫn dắt của người am tường về denim, Diesel dần đánh mất vị thế trong làng mốt và gần như bị đẩy đến bờ vực phá sản. Tháng 3/2019, chi nhánh Diesel tại Mỹ đệ đơn xin phá sản.
Việc bổ nhiệm Glenn Martens vào chiếc ghế giám đốc sáng tạo bỏ trống vào tháng 10/2020 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho thương hiệu denim từng thống trị làng mốt Mỹ từ thập niên 70. Giống như nhà thiết kế tài ba Pierre Balmain hay người sáng lập thương hiệu Off-White Virgil Abloh, xuất phát điểm của Glenn Martens là kiến trúc sư. Thế nhưng, những bản phác thảo về trang phục, vải vóc và màu sắc của anh còn nhiều hơn bản vẽ công trình. Tình yêu to lớn dành cho thời trang của Glenn Martens đã thôi thúc anh trở thành một nhà thiết kế chuyên nghiệp. Vào năm 2004, chỉ với vài bản thảo đơn giản, Glenn nộp hồ sơ vào Học viện Mỹ thuật Hoàng gia ở Antwerp (Bỉ) và theo học ngành Thiết kế Thời trang trong 4 năm.
“Bạn phải thành thật với chính mình, đó là điều mà tôi đã học được ở Học viện Antwerp. Tại đây, tôi được các giảng viên giao làm mới các dự án của trường. Họ không giải thích cho tôi biết tại sao phải làm như vậy. Thế nhưng, những bài tập này đã giúp tôi tìm thấy ngôn ngữ thiết kế của riêng mình”, nhà thiết kế Glenn Martens chia sẻ.
Với nền tảng về kiến trúc vững vàng cộng thêm kỹ năng thiết kế thời trang lĩnh hội từ các bậc thầy tạo mẫu ở Học viện Antwerp, Glenn Martens đã tạo ra lối thiết kế không thể nhầm lẫn. Đó là tạo hình bề mặt vải với hiệu ứng trompe l’oeil và dựng cấu trúc trang phục cầu kỳ trong không gian ba chiều. Trong đó, trompe l’oeil là dấu ấn đặc trưng nhất của nhà thiết kế sinh năm 1983.
Diesel được biết đến là thương hiệu thời trang mang tinh thần nổi loạn và táo bạo, lấy denim làm dấu ấn nhận diện. Tiếp quản di sản của nhà mốt Ý từ năm 2020, Glenn Martens đã thử nghiệm nhiều biến thể không ngờ tới từ chất liệu quen thuộc này. Glenn tin rằng denim là chân dung của người mặc. Do đó, các thiết kế denim hoặc ngụy trang denim của anh luôn hướng tới triết lý này.
Việc Glenn Martens tiếp cận denim mà không phải bất kỳ loại vải cao cấp nào khác cho thấy tham vọng của anh không dừng lại ở những bộ trang phục dẫn đầu xu hướng mà còn là khơi dậy sự tự tin cho người mặc khi họ khoác lên mình thiết kế của Diesel. Bên cạnh đó, Glenn còn cam kết thực hành thời trang bền vững với chất liệu này. Diesel Rehab Denim – dòng sản phẩm được giới thiệu lần đầu tại buổi trình diễn Thu Đông 2022 là kết quả của sự hợp tác cùng nhà máy sản xuất denim Tây Ban Nha Tejidos Royo. Mỗi sản phẩm đều được pha trộn từ 100% cotton, elastane tái chế từ trang phục đã qua sử dụng với chất liệu Tencel lyocell và Refibra.
Chúng ta vốn đã quen thuộc với những bộ trang phục denim được xử lý bằng cách giặt mài để tạo ra các mảng màu phai tự nhiên hoặc bề mặt rách. Ở Diesel, Glenn Martens đã cho giới mộ điệu chiêm ngưỡng phương pháp xử lý denim bằng kỹ thuật trompe l’oeil. Trong bộ sưu tập Xuân Hè 2024, đôi giày bốt cao gót bằng denim – thiết kế được phối cùng những bộ trang phục mô phỏng sự tan rã – được Glenn mài bề mặt tạo thành mô-típ lỗ xỏ và dây giày vô cùng chân thật.
Với trompe l’oeil, vị giám đốc sáng tạo đương nhiệm của Diesel còn có thể biến bề mặt nhẵn nhụi của cotton thành denim với các sợi đan và màu sắc như thật. Công thức này liên tục được Glenn làm mới mỗi lần ra mắt bộ sưu tập. Mùa Cruise 2025, anh tạo ra lớp da mới cho thun jersey trên bộ trang phục gồm áo hoodie và chân váy dài bằng hiệu ứng denim siêu thực.
Nỗi ám ảnh về trompe l’oeil thể hiện trên lối thiết kế bất quy tắc của nhà thiết kế Glenn Martens: nổi loạn mà sang trọng. Kho lưu trữ denim của Diesel được Glenn nâng tầm bằng cách thêm thắt những đường viền tua rua, chi tiết sờn rách, phối hợp với kim loại hoặc vải ánh bạc để tạo nên điểm nhấn futuristic thời thượng nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần bụi bặm nguyên bản.
OPTICAL ILLUSIONS
Trong tiếng Pháp, “trompe l’oeil” có nghĩa là “đánh lừa thị giác”. Còn ở ngành thời trang, đây là thủ pháp tạo ảo ảnh quang học trên trang phục bằng hình vẽ hoặc in 3D trên bề mặt vải. Kỹ thuật này bắt nguồn từ nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, tiêu biểu có thể kể đến bức tranh vẽ những quả nho của danh họa Zeuxis (trông thật đến nỗi nhiều chú chim còn cố gắng mổ vào chúng). Trong bối cảnh thời trang hiện đại, LOEWE, Maison Margiela và Diesel là những tên tuổi đi đầu về việc ứng dụng kỹ thuật trompe l’oeil vào thiết kế.
Đọc thêm
LOEWE: Bản sắc truyền thống dưới nhãn quan tinh nghịch
Maison Margiela: Sự kịch tính trong thế giới Haute Couture
Diesel: “Nhà điêu khắc” denim tài hoa