“Điệp viên sợ vợ” và bệ đỡ phim Hàn - Tạp chí Đẹp

“Điệp viên sợ vợ” và bệ đỡ phim Hàn

Review

James Bond sợ vợ

Hàng chục năm nay, khán giả yêu điện ảnh đã quá quen với nhân vật điệp viên 007 của Hollywood. Bộ phim “The Spy: Undercover Operation” (từ đây gọi tắt là “Spy”) cũng mang đến một James Bond, nhưng là “James Bond kiểu Hàn Quốc”. Vẫn mưu trí, không quản hiểm nguy để thực hiện các mật vụ; chỉ có điều, anh ta “hết võ”, im re khi ở nhà với vợ.

phim hàn

Nói thẳng ra, sợ vợ là điểm yếu lớn nhất của Kim Chul Soo (SUL Kyung-gu) – một trong những điệp viên xuất sắc nhất Hàn Quốc. Kẻ bị săn đuổi, truy lùng không khiến anh giật mình bằng mỗi lần vợ anh gọi điện nhiếc móc về trách nhiệm làm chồng. Khi về nhà, dù có nịnh cách mấy anh vẫn thường xuyên bị vợ hờn dỗi. Một trong những cái khó của Kim Chul Soo, ngoài việc chưa có con để vợ bận rộn hơn, còn là anh phải giấu giếm công việc thật sự của mình.

Gia cảnh nhà họ như vậy thì cũng không khác nhiều gia đình có chồng sợ vợ khác ngoài thực tế. Mọi sự chỉ bắt đầu đảo lộn khi Kim và vợ mình là Ahn Yeong-hui (Moon So-ri) quyết định sẽ bớt công việc, dành thời gian bên nhau nhiều hơn để mong gia đình sẽ sớm được đón chào thêm thành viên mới. Đúng trong buổi tối lãng mạn đó, Chul Soo được giao một nhiệm vụ vô cùng quan trọng tại Thái Lan. Anh buộc lòng phải lên đường ngay lập tức.

Nhiệm vụ lần này của Chul Soo liên quan tới việc truy tìm một người phụ nữ bị tình nghi có liên quan tới vụ tấn công khủng bố gần đây. Sau một cuộc tranh cãi không thể tránh được với Yeong-hui, Chul Soo đã tới Bangkok.

Trong quá trình thi hành trọng trách, Chul Soo đã gặp lại một người mà chính anh cũng không thể ngờ tới, đó là Yeong-hui, vợ anh. Điều khiến anh bất ngờ và bận tâm hơn, đó là đồng hành cùng Yeong-hui là một người đàn ông bí ẩn và vô cùng quyến rũ. Sự lịch thiệp, hấp dẫn của của Ryan như cơn mưa rào đổ xuống mảnh đất “héo hon vì chồng” của Yeong-hui. Và hẳn nhiên, cô nàng tiếp viên hàng không liên tiếp rơi vào những cơn “say nắng” trước hấp lực của trai đẹp nơi đất nước chùa tháp khi vắng chồng.

Với tứ truyện như thế, “Spy” dẫn dắt khán giả đi từ tiếng cười, những tình huống hài hước đến những thước phim hành động gay cấn. Không chỉ có vậy, cuộc điều tra của Chul Soo và cộng sự ngày càng trở nên lắt léo với nhiều tình tiết mới dần được hé lộ, mang đến bất ngờ tới phút chót.

Vì lẽ đó, “Spy” không chỉ là bộ phim hành động – hài, mà còn mang yếu tố tâm lý, trinh thám. Đó là lý do để ví tác phẩm quy tụ rất nhiều ngôi sao lớn của điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc này như món thịt nướng BBQ của xứ kim chi. Yếu tố chính của “Spy” là những cảnh hành động, giống như cái gốc của BBQ là món có tên là Bulgogi. Bulgogi sẽ khó có thể ngon nếu thiếu nước tương (xì dầu), đường, rau diếp, lá vừng… để trở nên thơm mềm và thậm chí là nhiều dinh dưỡng.


Gia đình – giá đỡ cho phim

Có thể khẳng định, truyền bá, tạo dựng giá trị về nền tảng gia đình là một trong những sợi chỉ đỏ xuyên suốt qua nhiều tác phẩm điện ảnh lớn nhỏ của Hàn Quốc. “Spy” là bộ phim thể hiện rõ điều đó.

Hai diễn viên chính của “Spy” không còn trẻ. Người xem có thể thấy hơi gợn khi bộ phim này chọn hai diễn viên đóng vợ – chồng không còn hấp dẫn, trẻ trung. Chỉ có điều tài năng của họ thì khó có thể phủ nhận.

Nam diễn viên được coi là “siêu sao” của điện ảnh xứ xở kim chi – Sul Kyung-gu đã ngấp nghé vào hàng “cựu trào”. Còn diễn viên Moon So Ri trong vai người vợ đã từng thắng giải tại LHP Cannes. Quyết định tham gia “Spy” chính là một ngã rẽ mới đối với cô, bởi ở đây, cô vừa diễn hài vừa thể hiện các cảnh hành động.

Diễn xuất hài hước, tự nhiên của nhóm diễn viên phụ cũng là một điểm sáng của bộ phim. Đầu tiên phải kể đến chàng diễn viên điển trai người Mỹ gốc Hàn Daniel Henney trong vai Ryan – người quyến rũ vợ Chul Soo và cũng là người đàn ông mang nhiều bí ẩn, bị theo dõi sát sao. Khá thành danh tại Hollywood, bộ phim mới nhất của nam diễn viên này góp mặt là “The Last Stand” (Chốt chặn cuối cùng) của đạo diễn Kim Jee-woon, bên cạnh siêu sao hành động Arnold Schwazegger.

Chuyên mục “Điện ảnh thứ Năm” của mục Giải trí, Đẹp Online sẽ gửi tới bạn đọc các bài bình luận phim vào mỗi thứ Năm hàng tuần. Chuyên mục rất mong nhận được bài vở đóng góp của độc giả. Hãy gửi bài viết và hình ảnh bạn có cho mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Trong mối quan hệ tay ba này, câu chuyện về điều gì thực sự còn lại để gây dựng và duy trì hạnh phúc gia đình được bộc lộ. Những cơn “say nắng” của cô vợ Yeong-hui và sự “lợi dụng” của chàng trai bảnh Ryan đều không đủ để mang đến một tình yêu thực sự.

Chul Soo ghen, vừa phải bảo vệ vợ mình vừa phải lo trọng trách với đất nước, vượt qua những tình thế oái oăm đủ để hiểu anh yêu vợ mình đến nhường nào. Anh sợ vợ thì cũng là… yêu vợ. Vợ anh có hay “đành hanh” với chồng thì cũng chỉ mong được yêu nhiều hơn. Và phụ nữ, dẫu có nhen lên đôi ba cơn “mê hoặc” ngoài chồng mình thì cũng là điều khó tránh khỏi, bởi đôi khi họ yếu đuối. Có vậy mới cần chồng mình đừng… “trăng hoa như James Bond”, biết bảo vệ gia đình và hạnh phúc mà cả hai đang có.

Nhiều bộ phim Hàn Quốc khác cũng dựa trên tinh thần tôn vinh hạnh phúc gia đình như thế và cho dù phim về đề tài gì thì cuối cùng cũng ẩn chứa trong đó những giá trị cốt lõi về gia đình. Có thể kể ra ở đây là các phim: “Miracle in Cell No.7” (Phòng giam hạnh phúc), “A Werewolf Boy” (Sói), “The Gifted Hands” (Bàn tay ngoại cảm), “Silenced” (Câm lặng), “All About My Wife” (Yêu vợ tôi đi), “Introduction to Architecture” (Mối tình đầu), “Dancing Queen” (Nữ hoàng khiêu vũ)…

Thậm chí, với loạt phim thảm hoạ của Hàn Quốc gồm “Haeundae” (Sóng thần), “Deranged” (Ký sinh trùng), “The Tower” (Tháp lửa), “The Flu” (Đại dịch cúm)…, bên cạnh câu chuyện mang tính xã hội, thời đại thì đến sau cùng, vẫn là câu chuyện của mối quen hệ giữa con người với con người. Động lực để vượt qua con người vượt qua mọi khó khăn, tai hoạ chính là sức mạnh, lực đẩy của tình yêu thương, sự hy sinh dành cho người thân, gia đình mình.

Cách truyền bá này quả thật rất có hiệu quả thông qua các bộ phim. Bởi để đất nước phát triển thì đời sống của hàng triệu gia đình trong đất nước ấy phải an lành, hạnh phúc, đó là bệ đỡ cho sự phát triển của cá nhân.

Mang đến món ăn tinh thần với thành phần chính là những câu chuyện có ý nghĩa vun đắp cho giá trị gia đình rõ ràng đã chẳng phải việc làm ngẫu nhiên của các nhà làm phim Hàn Quốc.  

Bài: Bùi Dũng

Ảnh: MSD


>>> Có thể bạn quan tâm: Trong nhiều bộ phim về “xác sống”, “Zombieland” (Vùng đất thây ma) là tác phẩm đáng xem. Chính yếu tố kinh dị kết hợp với thể loại “hài hành trình” giúp tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm này.


 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

06/11/2013, 10:39