Diễn viên múa Linh Nga: Văn hóa Việt Nam là lời chào của tôi với thế giới - Tạp chí Đẹp

Diễn viên múa Linh Nga: Văn hóa Việt Nam là lời chào của tôi với thế giới

Women Empower Women

Linh Nga chân thành trong đời thường và đầy kiêu hãnh khi bước lên sân khấu. Cô nói rằng mình đã ở giai đoạn phải luôn luôn chạy đua với thời gian để kịp theo đuổi những đam mê, ước mơ của mình. Ánh mắt của Linh Nga luôn sáng bừng niềm tự hào khi nói về múa, về những nét đẹp văn hóa truyền thống mà cô gửi gắm trong từng động tác múa uyển chuyển, thanh tao. Nghệ thuật chính là phương tiện để “chim công làng múa” gửi lời chào đầy tự hào từ đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Tôi có nhiều ước mơ

Tôi rất ấn tượng về câu chuyện mẹ chị, Nghệ sĩ Nhân dân Vương Linh, vẫn lên sân khấu trình diễn khi bà mang thai chị ở tháng thứ bảy. Có thể nói chị đã được múa ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Nhưng có bao giờ chị hình dung mình sẽ là một ai khác, không phải là nghệ sĩ múa không?

Quả thật đôi lúc tôi cũng nghĩ đến điều đó. Nhưng đúng như bạn nói, tôi đã múa từ khi còn trong bụng mẹ rồi. Từ nhỏ đã được gia đình dìu dắt trên con đường nghệ thuật, khi bắt đầu đi diễn thì cứ sau mỗi buổi diễn là trong lòng lại thấy vấn vương, thế nên nghĩ thì có nghĩ nhưng thật sự ngoài múa ra tôi cũng không biết mình sẽ làm nghề gì. Nếu có chăng thì cũng sẽ là những ngành nghề liên quan đến nghệ thuật, vì rõ ràng tôi luôn dành rất nhiều tình yêu cho nghệ thuật và được tiếp xúc với nghệ thuật từ rất sớm. Từ nhỏ tôi đã được nghe nhạc, được gặp gỡ, tiếp xúc với những người trong môi trường nghệ thuật rồi.

Trang sức CAO Fine Jewellery

12 tuổi chị đã một thân một mình sang Trung Quốc học múa. Những năm tháng khổ luyện và tự lập đó góp phần thế nào trong việc hình thành tính cách của chị bây giờ?

Lúc đó tôi như một tờ giấy trắng, còn môi trường thì vô cùng nghiêm ngặt và kỷ luật nên nó đã định hình toàn bộ tính cách, tư duy, suy nghĩ của tôi cho đến tận bây giờ. Người ta hay nói “khổ trước sướng sau”, tôi thấy khá đúng vì con đường nghệ thuật rất khắc khổ. Từ lúc đi học, rồi đi làm cái nghề mình học, rồi phải giữ lấy nghề, đó là cả một hành trình. Khi người ta gọi tôi là “nghệ sĩ múa”, nội cái danh xưng ấy thôi cũng đã bao hàm tất cả cái chặng đường rồi. Đôi khi nghĩ lại, tôi thấy mình ngày xưa sao mà khổ thế, nhưng nếu không có những tháng ngày khổ luyện đó, chắc chắn sẽ không có một Linh Nga trưởng thành và tự tin như hôm nay.

Từ lúc chị nhận danh hiệu nghệ sĩ ưu tú đến nay cũng đã gần một thập kỷ. Điều gì khiến chị tự hào nhất trong suốt quãng thời gian đó?

Thời gian đầu tôi vẫn chưa quen với danh hiệu đó lắm đâu. Tôi vốn quen với việc được gọi là nghệ sĩ múa hơn. Nhận được danh hiệu là đi cùng với trách nhiệm rất lớn. Nó nhắc tôi phải luôn có ý thức với nghề, phải luôn làm điều đúng đắn, phải nghiêm túc và cống hiến nhiều hơn cho nghề múa vì nói thật, nghề này ngắn lắm.

Trang sức CAO Fine Jewellery

Đỉnh cao của một nghệ sĩ múa là giai đoạn từ 20 đến 27 tuổi, sau đó thì hầu như là nỗ lực để duy trì. Thế nên điều mà tôi tự hào nhất có lẽ là mình đã cống hiến hết mình, hết cả thanh xuân của mình cho nghề múa. Có thể nói như là ước mơ đã thành hiện thực vậy. Nhưng mà tôi có nhiều ước mơ lắm (cười). Ước mơ sẽ thay đổi theo từng giai đoạn cuộc đời, qua từng trải nghiệm, va vấp của chính mình, và tôi vẫn đang cố gắng thực hiện những mơ ước đó từng chút mỗi ngày.

Có vẻ như chị múa không chỉ vì yêu việc múa mà chị còn muốn mang chính mình làm một tấm gương soi, một người truyền lửa cho sự phát triển của thế hệ sau. Tâm tư này xuất hiện vào giai đoạn chị đã chín muồi trong nghề hay ngay từ khi chị mới vào nghề?

Tôi có tất cả những ý thức đó từ khi còn nhỏ.

Vì múa không phải là sân chơi để bạn tỏa sáng một mình mà còn là công việc của tập thể, rất nhiều cá nhân cùng góp sức để làm thành một buổi diễn tốt, một bài múa hay. Trong một môi trường mà ai cũng có trình độ cao thì cái đẹp của tổng thể mới được thể hiện rõ ràng nhất. Tôi ý thức rất rõ về việc tất cả mọi người xung quanh mình, cùng làm với mình phải giỏi lên thì mới kéo cả một ngành múa đi lên được.

Trang sức CAO Fine Jewellery

Mà không chỉ riêng tôi nghĩ thế đâu. Sau lứa của tôi có rất nhiều lứa học sinh khác, học sinh của bố mẹ tôi hay học sinh của chính tôi nữa, ai cũng muốn giữ lửa cho nghề này. Bởi nói thật với bạn, nghề này nó khó lắm. Tôi quý trọng vô cùng những người vẫn đang tiếp tục đồng hành với mình, vì họ cũng bỏ chừng ấy năm khổ luyện như mình, cũng rơi bấy nhiêu giọt mồ hôi như mình. Tôi chỉ mong mọi thứ mình làm có thể giữ chân họ với nghề càng lâu càng tốt.

Đối với nghề múa, khi mà tuổi trẻ qua đi rồi, rất khó để nó quay trở lại. Sức khỏe đi xuống, cuộc đời nghệ sĩ mỗi người mỗi thăng trầm khác nhau. Có những người khi lập gia đình là đã bước qua một ngã rẽ khác, con đường làm nghệ thuật phải tạm gác lại. Thế nên mình phải luôn chạy đua, đua với sức khỏe, với tuổi trẻ, với thời gian, đua cùng đồng nghiệp, làm sao để vào giai đoạn đỉnh cao của bản thân, mình đã cống hiến hết mình, cháy hết mình.

Trang sức CAO Fine Jewellery

Chị có nghĩ rằng phụ nữ sẽ uyển chuyển hơn trước hoàn cảnh và dễ chấp nhận áp lực hơn đàn ông hay không? Không chỉ trong sự nghiệp mà trong cả đời sống nữa.

Tôi cho là có. Nhưng mà cũng phải thừa nhận rằng đàn ông hay phụ nữ đều có áp lực riêng.

Theo góc nhìn của tôi, một nữ nghệ sĩ khi lập gia đình rồi, khó mà toàn tâm toàn ý vào nghệ thuật lắm. Nếu ngày xưa cả một ngày 24 giờ mình chỉ có múa và múa thì giờ phải học cách chia nhỏ thời gian ra, mà một ngày thì quá ngắn.

Nghệ sĩ khi lên sân khấu phải tìm cách làm sao để thoát khỏi đời thực, nhập tâm vào vai diễn. Nếu có thể tách bạch được đời sống ra khỏi bản thân mỗi khi diễn thì vở diễn sẽ có một màu sắc rất bình an. Nhưng đâu phải ai cũng có một cuộc đời an ổn không vất vả đâu, và không thể tránh được việc những điều đó ảnh hưởng lên vở diễn của mình. Thế nên theo tôi, cái áp lực nó sẽ đến và nó sẽ khác nhau theo từng giai đoạn cuộc đời. Ngày trước tôi chỉ cần lên sân khấu và diễn cho thật tốt thôi, phía sau đã có bố mẹ hỗ trợ và làm chỗ dựa vững chắc. Giờ đây tôi phải lo hết từ biên đạo, đào tạo diễn viên, còn thêm những việc không tên. Thế nên có những lúc, thú thật, tôi chỉ muốn ở một mình để được sạc pin. Những lúc đó tôi không cần phải là ai hết.

Trang sức CAO Fine Jewellery

Dường như showbiz không bao giờ có thể làm ảnh hưởng đến cốt lõi “chim công làng múa” của chị. Đây có phải là một nỗ lực rất lớn không, hay do chị có một màng lọc tự nhiên tốt sẵn?

Tôi cũng không rõ về cái màng lọc ấy, tôi chỉ nghĩ là mình cứ làm những việc là mình nhất thôi. Có đôi lúc tôi nhận lời tham gia vào các dự án thuộc lĩnh vực khác, một sân khấu thời trang chẳng hạn, nhưng tôi cũng vẫn đang múa mà, tôi đâu có trở thành một người mẫu hay ai khác.

Làm như thế giúp tôi có thêm cảm hứng, thêm tò mò và cũng là cách để làm mới cái nghề của mình. Quan trọng hơn nữa là để cho khán giả cảm nhận được sự tổng hòa giữa nghệ thuật múa và những môn nghệ thuật khác.

Tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống

Chuyên ngành chị theo học là múa dân gian đương đại, hai chữ dân gian có lẽ đã nói lên việc những bài diễn của chị sẽ đi liền với vẻ đẹp và giá trị truyền thống?

Trong quá trình đi diễn ở nước ngoài, tôi nhận thấy rằng chúng ta chỉ có thể đem văn hóa ra để chào và nói chuyện với thế giới. Điều đọng lại sâu sắc trong lòng khán giả quốc tế chính là những nét đẹp truyền thống như tà áo dài, nón lá, cây tre, bông lúa, hoa sen… Trong nghệ thuật múa, tất cả những hình ảnh đó luôn được lặp đi lặp lại và đổi mới để mang lại cảm nhận mới mẻ cho khán giả. Mười mấy năm đi diễn đó đây, tôi vẫn thấy khán giả rất thích những bài múa đậm tính Việt Nam như thế. Mỗi khi đi diễn ở nước ngoài, nghe nhạc Việt Nam vang lên trên sân khấu là lòng tôi xúc động vô cùng.

Tôi cho rằng mỗi việc làm nhỏ thôi nhưng nếu mình bỏ công rèn luyện, mình làm thật tinh, thật đẹp, sẽ như một bông hoa tỏa sắc và chắc chắn khán giả sẽ cảm nhận được vẻ đẹp bên trong. Đó là giá trị của nghệ thuật múa, của sự rèn luyện lâu năm, của chính người nghệ sĩ.

Trang sức CAO Fine Jewellery

Chị có bao giờ chạnh lòng khi thấy nghề múa ở nước ta chưa được coi trọng đúng mực không?

Thật ra những năm trở lại đây, nghề múa đã phát triển hơn trước nhiều rồi. Điều làm tôi chạnh lòng là việc những người bạn đồng nghiệp phải gác lại con đường nghệ thuật vì nhiều lý do. Những lúc đó tôi thấy sao mà thời gian cho nghề múa của mình nó ít đến thế. Khi tuổi tác của mình nhiều thêm, mình muốn múa lại cũng khó vì không còn đủ sức khỏe. Riêng mỗi chuyện giảm cân thôi cũng đã khó khăn rồi. Vì thế tôi luôn cố gắng làm sao để vực mình dậy, phải tiếp tục chiến đấu, tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.

“Không phải người ta ngừng theo đuổi ước mơ vì mình già đi, người ta già đi vì ngừng theo đuổi ước mơ” – Gabriel Garcia Marquez, tác giả của “Trăm năm cô đơn” đã từng nói một câu như thế. Chị nghĩ gì về điều này?

Ước mơ sẽ không bao giờ chết đi, nó chỉ chết khi bản thân ta không còn đam mê nữa. Để sống với đam mê, với nghề thì những năm gần đây, thật sự tôi đã phải học cách buông bỏ nhiều thứ, tập thả lỏng. Tôi không muốn đóng khung mình vào việc chỉ có tập và diễn như hồi xưa. Tôi cho mình được an tĩnh, cho mình được một mình, được trải nghiệm điều mới, để mỗi khi xuất hiện trên sân khấu tôi có thể thể hiện tốt nhất, những bài múa khi đó sẽ mang một linh hồn mới từ những trải nghiệm của bản thân tôi.

Trang sức CAO Fine Jewellery

Chị luôn kín tiếng về đời tư, đó là một trong những cách chị bảo vệ tâm hồn nghệ sĩ bên trong mình?

Ở khía cạnh nghệ sĩ, tôi rất thích chia sẻ với với khán giả vì đó là cách để mọi người hiểu về mình hơn, về nghề mình hơn.

Còn về đời sống riêng thì thú thật tôi chỉ muốn sống một cuộc đời bình thường. Gọi là bảo vệ thì cũng không hẳn. Tôi chỉ có một mong muốn đó là khi bước xuống sân khấu mình sẽ sống một cuộc đời an yên, sáng đưa con đi học, mình được làm chính mình, rồi buổi tối mình bước lên sân khấu thì mình là diễn viên múa Linh Nga, là “chim công” hay “thiên nga” gì cũng được.

Được biết chị là mẹ của một bé gái. Chị mong muốn con gái mình sau này sẽ được thừa hưởng từ chị những đức tính nào?

Tôi mong con gái mình có hai điều. Một là cuộc sống nhẹ nhàng, an yên. Hai là dù con có làm gì, nghệ thuật hay không cũng được, nhưng đã làm thì phải làm tới cùng, phải là một người phụ nữ nghị lực và kiên cường, dám chiến đấu vì điều mình ước muốn, điều mình tin.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Bài: Trịnh Nam Trân
Ý tưởng & Nhiếp ảnh: Tang Tang
Trang điểm: Đặng Trung Tín
Làm tóc: Lưu Tuấn Kiệt
Stylist: Nguyễn Tấn Thành
Trợ lý nhiếp ảnh: Đại Lộc, Minh Tuan Tran
Trợ lý stylist: Triệu Ngân
Trang phục: Lê Thanh Hòa
Sản xuất: Hà Đỗ
Trợ lý sản xuất: Chí Văn

Tác giả: Trịnh Nam Trân

20/09/2024, 10:00