Diễn viên múa Lê Ngọc Văn: Tỏa sáng trong nhà hát của những ngôi sao

Bất cứ nghệ sĩ nào coi múa là lẽ sống đều mơ một lần được đứng trên sân khấu lộng lẫy của Nhà hát Ballet Quốc gia Anh, biểu diễn trước hàng ngàn khán giả. Lê Ngọc Văn là người Việt duy nhất tính đến thời điểm hiện tại làm được điều đó. Tỏa sáng trong nhà hát của những ngôi sao, anh luôn mơ sẽ mang được thứ ánh sáng ấy về Việt Nam.


Anh có còn nhớ những ngày đầu mới ra nước ngoài?

Tôi qua Pháp năm 1996 sau khi học múa 7 năm ở Việt Nam. Những ngày đầu rất khó khăn, lần đầu tôi xa nhà như thế, làm quen với thời tiết lạnh, tuyết rơi trắng xóa và phải sống tự lập. Tôi chưa nói được tiếng Pháp nhiều, trong trường lại không có ai là người Việt Nam nên thấy rất cô đơn. Hồi ấy cũng chưa có điện thoại di động hay internet như bây giờ để liên lạc với gia đình, mỗi lần gọi về Việt Nam mất đến mấy triệu đồng.

Chàng thanh niên Việt Nam lúc đó đã gặp những hạn chế nào khi học ballet theo chuẩn phương Tây?

Đó là sức khỏe và sự dẻo dai. Sinh viên trường múa Việt Nam như tôi không học chuyên về ballet từ đầu, chưa trải qua quá trình luyện tập lâu dài để cơ thể đáp ứng được các bài tập khó. Tôi cũng chưa có thói quen luyện múa ballet cả ngày, vì lúc ở nhà chỉ dành ra 1 giờ mỗi ngày để tập thôi. Chính vì vậy, tôi bị đuối so với các bạn học, tập được 2 giờ là phải nghỉ, không còn sức nữa. Nhưng sau giờ tập mới là chuỗi thời gian đáng sợ. Tôi phải tự đi chợ, mua đồ ăn về nấu. Đồ Pháp không hợp khẩu vị nên tôi ăn được rất ít, ốm lên ốm xuống vài bận. Phải mất 4 tháng tôi mới dần quen được.


Động lực nào giúp anh vượt qua khoảng thời gian chỉ có một mình?

Không có gì ngoài đam mê nghệ thuật. Tôi biết mình đang được thực hiện ước mơ và có cơ hội được học môn nghệ thuật mình yêu hết lòng.

Sinh ra trong gia đình có cha mẹ đều là nghệ sĩ múa nổi tiếng, anh có bao giờ so sánh nghề múa ở ta với ở Tây?

Khi đặt chân đến Pháp, tôi ngạc nhiên vì bạn bè trong trường không ai nghĩ mình là người Việt Nam. Họ đều hỏi tôi ở Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc qua phải không vì Việt Nam làm gì có trường dạy ballet. Sau 20 năm nhìn lại, tôi thấy đời sống diễn viên múa Việt Nam dường như vẫn chưa có nhiều thay đổi. Những gì được nhận lại chưa đủ để họ cống hiến hết sức lực và tâm huyết với nghề. Tôi biết nhiều người không đủ trả tiền thuê nhà vì lương quá thấp, phải làm nhiều việc cùng lúc để trang trải cuộc sống.

Tôi thấy mình may mắn vì đã được sống ở hai môi trường hoàn toàn khác nhau. Ở đâu cũng có cái hay, cái chưa hay và tôi cởi mở đón nhận tất cả, từ đó chọn cho mình những điều tích cực nhất.

NGHỆ SĨ, BIÊN ĐẠO MÚA LÊ NGỌC VĂN
– Sinh ra trong gia đình có truyền thống về nghề múa (bố là NSND Lê Ngọc Cường – Giảng viên, biên đạo múa, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, mẹ là NGND Nguyễn Kim An – Giảng viên trường Cao đẳng Múa Việt Nam, em gái là diễn viên múa Lê Minh Thu)
– Sau khi tốt nghiệp xuất sắc khóa 19 trường Cao đẳng Múa Việt Nam, anh được trao tặng giải thưởng “Tài năng trẻ” và giành học bổng du học Pháp
– Từ năm 1996 đến năm 1998, anh được đào tạo chuyên sâu về múa ballet cổ điển tại Viện Hàn lâm Múa và Âm nhạc Quốc gia Lyon (Pháp)
– Tháng 9/1998, anh làm việc tại Đoàn Ballet Marseille (Pháp)
– Năm 2003, anh trúng tuyển vào Đoàn Vũ kịch Quốc gia Anh

Ở Nhà hát Ballet Quốc gia Anh, cuộc cạnh tranh giữa các nghệ sĩ solist như anh chắc hẳn rất khốc liệt?

Chỉ có chiến thắng mới tồn tại được. Môi trường này thật sự rất khốc liệt, nhưng chúng tôi cạnh tranh bằng năng lực, sự chăm chỉ, cố gắng chứ không phải chiêu trò. Chính sự khốc liệt bình đẳng ấy là lý do khiến tôi quyết tâm xây dựng sự nghiệp ở đây. Tôi muốn chứng tỏ mình có thể thành danh ở một nơi không ai biết cha mẹ tôi là nghệ sĩ nổi tiếng.

Hàng năm, có rất nhiều diễn viên trẻ có năng lực từ khắp nơi trên thế giới đến thi tuyển vào nhà hát. Mỗi lần có diễn viên mới, tôi phải tự làm mới bản thân, nỗ lực tập luyện để tồn tại. Tôi đã chứng kiến rất nhiều diễn viên phải đi tìm việc ở đoàn khác.

Sau ánh hào quang sân khấu, cuộc sống đời thường của anh thế nào?

Tôi rất bận rộn, có lúc phải diễn liên tục 14 buổi/tuần, mấy tháng trời chỉ biết đường từ nhà đến nhà hát, vùi đầu vào tập luyện, biểu diễn trong tiết trời lạnh giá. Nếu có ngày nghỉ, tôi thường chạy xe đi chơi, gặp bạn bè hoặc đến phòng gym, hồ bơi… Tôi có nhiều bạn bè và khá thích phong cách cởi mở, hiện đại của phương Tây nhưng vẫn nhớ Việt Nam nơi tôi sinh ra và lớn lên với nếp sống truyền thống Á Đông.

Người diễn viên cần mang đến không khí tươi mới mỗi khi bước ra sân khấu, anh làm thế nào để một ngày có thể diễn nhiều suất mà không bị lì mòn cảm xúc?

Kỹ thuật, sự điêu luyện là điều cần có. Hơn thế, người diễn viên múa cần phải có ý chí, sức khỏe và lòng đam mê nghệ thuật. Nói ra có vẻ lý thuyết nhưng chỉ lòng yêu nghề mới có thể giúp mình vượt qua mệt mỏi và luôn giữ được sự tươi mới trên sân khấu. Tất nhiên, tôi không phải rô bốt, cũng có lúc mệt, lúc ốm, song tôi luôn cố gắng giữ sự tỉnh táo để khán giả cảm thấy được tôn trọng, không tiếc tiền mua vé đi xem. Họ xứng đáng được thưởng thức những màn biểu diễn chất lượng. Muốn giữ khán giả, người diễn viên phải giữ cho mình một tinh thần thép.

Tháng 10/2018, anh trở về Việt Nam với vai trò biên đạo cho đêm ballet “Bolero & Suite en Blanc” ở Nhà hát lớn Hà Nội. Buổi biểu diễn có khiến anh hài lòng?

Chúng tôi chỉ có 2 tuần để luyện tập nhưng kết quả khiến tôi rất mãn nguyện. Ở Việt Nam có diễn viên giỏi, môi trường luyện tập bây giờ cũng không đến nỗi tồi. Diễn viên sẽ dốc sức cống hiến nhiều hơn nếu họ thấy sản phẩm mình làm ra có chất lượng tốt, được khán giả đón nhận.

Bộ môn ballet ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều đất diễn. Đưa khán giả đến sân khấu một lần không dễ, để họ có thói quen xem ballet thường xuyên còn khó hơn. Anh nghĩ cách nào sẽ giúp ballet thu hút khán giả Việt?

Tôi xa Việt Nam rất lâu rồi nhưng luôn quan tâm đến nền ballet Việt Nam cũng như nhu cầu của khán giả trong nước. Tôi và biên đạo múa Trần Ly Ly đã có kế hoạch thực hiện thêm nhiều buổi biểu diễn chất lượng để khán giả mua vé đi xem. Khán giả là yếu tố quan trọng nhất giúp nghệ thuật phát triển, vì vậy mình phải tôn trọng khán giả và làm họ thỏa mãn. Tôi đặt mục tiêu mình phải làm được nhiều điều để diễn viên Việt Nam không còn bị nhầm là người Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc như tôi trước kia nữa.

Anh nhớ nhất điều gì ở quê nhà?

Tôi mê các món ăn Việt Nam. Mỗi lần về nhà tôi đều cố gắng thưởng thức hết các món yêu thích như bún, phở ở Hà Nội. Tôi thích ra phố uống cà phê, sinh tố với gia đình, bạn bè. Lần nào trở lại Anh sau kỳ nghỉ ở Việt Nam tôi cũng tăng cân, miệng cứ thèm ăn, bụng thì luôn cảm thấy đói (cười).

BORN IN VIETNAM

Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới đã đưa ra kết quả rằng: trong tất cả những cuộc di cư của mọi dân tộc, Việt Nam là dân tộc duy nhất thành công ngay từ thế hệ đầu tiên, vượt lên trên cả một dân tộc hùng mạnh khác là người Hoa – khi phải đến thế hệ thứ ba, thành công của họ mới được gây dựng.

Với những ưu điểm bẩm sinh như thông minh, nhanh nhạy, tình cảm và đặc biệt là đức tính chăm chỉ, khả năng chịu khó, người Việt dễ dàng gặt hái thành quả ở bất kỳ môi trường nào. Danh sách những người Việt ghi danh trên bản đồ thế giới ngày một kéo dài, nhưng trong chuyên đề nhỏ nhắn này của mình, chúng tôi muốn giới thiệu 6 gương mặt người Việt đã tỏa sáng trên “sân khấu” riêng của họ, từ thương trường, sàn diễn, căn bếp đến studio chụp ảnh lấp lánh ánh đèn. Điểm chung của tất cả là dù ăn cơm Tây, hít thở và trưởng thành trong một bầu không khí khác, họ vẫn luôn giữ sợi dây kết nối linh thiêng với quê nhà.

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy

Đọc thêm
– Giáo Sư Phan Văn Trường: Công dân toàn cầu ăn cơm nước nào cũng thấy ngon
– Diễn viên múa Lê Ngọc Văn: Tỏa sáng trong nhà hát của những ngôi sao
– Beatboxer Bảo Trung: Không muốn bỏ lỡ cơ hội nào từ nước Mỹ
– Nghệ nhân thiết kế hoa Doan Ly: Đóa hoa lạ giữa lòng New York
– Đầu bếp Nguyễn Bá Phước: Người nêm nước mắm vào món ăn Nhật Bản
– Nhiếp ảnh gia An Lê: Hollywood chẳng xa vời

Bài: Đinh Nha Trang
Mỹ thuật: Hellos. – Nhiếp ảnh: TuanTi


From the same category