Điện, than: Khởi động sóng tăng giá cuối năm?

Nhăm nhe tăng giá đồng loạt

Giá than bán cho điện đã chính thức được tăng từ 15/9, mức tăng rất mạnh từ 28%- 40% so với giá cũ nhưng vẫn chỉ bằng 70% giá thành. Nếu Chính phủ chấp thuận kiến nghị của Bộ Công Thương, 3 tháng tới, giá than còn dư địa 30% giá thành nữa để điều chỉnh.

Thêm vào đó, giá dầu được lấy làm căn cứ điều chỉnh giá điện 1/7 cũng đã mau chóng lỗi thời theo nhịp giá thế giới. So với hiện tại, giá dầu diezen đã tăng 953 đồng/lít, tăng 4,5%, dầu madut tăng 554 đồng/kg, tương ứng chênh lệch 2,9%.

Một câu hỏi nóng đặt ra là, liệu với đầu vào tăng mạnh này, EVN có tiếp tục xin tăng giá điện trong năm nay không?. Câu trả lời là hoàn toàn có thể.

Bởi sau vụ tăng giá điện 1/7, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đã khẳng định, việc đến cuối năm có điều chỉnh tăng giá điện lần thứ hai hay không thì cũng phải căn cứ vào các thông số đầu vào và điều kiện kinh tế xã hội. Gần đây nhất hôm 4/9, tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương, ông Cường cũng lặp lại thông điệp này và còn nhấn mạnh, đầu vào của giá điện sẽ được tính toán lại từ 1/10.

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, tỷ trọng giá than trong giá thành nhiệt điện vào khoảng 20%. Cú hích tăng giá than trên sẽ khiến EVN bị đội thêm 600 tỷ đồng đầu vào.

Ước tính, trong 3,5 tháng còn lại của năm (tính từ 15/9), sản lượng điện thương phẩm khoảng hơn 39 tỷ kWh và doanh thu tính theo giá điện bình quân đạt trên 54.000 tỷ đồng, chưa kể VAT. Cú tăng giá than kỷ lục lần này sẽ đẩy giá bán điện trong năm 2012 chịu ảnh hưởng khoảng 1,1%.

Tình hình này sẽ khiến tập đoàn EVN đã lỗ còn lỗ hơn.

Nguy cơ tăng giá điện lại không chỉ dựa vào việc biến động thông số đó. Thực tế cú tăng giá điện hồi tháng 7 vừa qua cho thấy, nguyên nhân lớn nhất để “thả” giá điện chính là bài toán tài chính của EVN. Đó là các khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá.

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, Tập đoàn còn khoản treo chênh lệch tỷ giá 26.000 tỷ và lỗ kinh doanh điện 11.000 tỷ đồng. Đó là một gánh nặng, không xử lý thì sau này sẽ rất khó. Dự kiến 4 năm từ 2012-2015, trung bình các khoản lỗ tỷ giá sẽ được phân bổ vào giá điện là 6.600 tỷ đồng.

Đợt tăng giá điện 5% vừa qua, tổng doanh thu chỉ dự kiến thêm 3.700 tỷ đồng. Trừ đi khoảng 300 tỷ đồng phần tăng thêm bù cho giá than, EVN chỉ được dôi thêm 3.300 tỷ đồng, mới bằng một nửa so với mức trung bình được phân bổ và còn quá ít ỏi so với tổng lỗ bị treo lên tới 37.000 tỷ đồng.

Một từ nay tới cuối năm, EVN sẽ còn tới 3.300 tỷ đồng để có thể đưa giá. Đầu vào này có thể tương ứng kịch bản tăng tiếp giá điện trong phạm vi 5%.

Đáng tiếc rằng, các phương án giá điện mới thường được giữ kín cho đến ngày cuối cùng điều chỉnh. Chỉ đến khi thông báo tăng giá điện phát đi thì người dân, doanh nghiệp mới biết.

Cùng với giá điện, người dân còn đang thấp thỏm với nỗi lo giá xăng chực chờ tăng. Một đại diện DN đầu mối xăng dầu phía Nam đã tiết lộ, đến đầu tháng 10, khả năng các đơn vị phải tiếp tục xin tăng giá lần nữa là có thể xảy ra. Bởi 2 lần trước đó, doanh nghiệp chỉ được tăng bằng 50% mức lỗ và sau đó, bị Bộ Tài chính khước từ ở lần xin tăng thứ hai. Giảm 2% thuế nhập khẩu và bù từ Quỹ 500 đồng/lít,kg vẫn chưa thể đủ bù đắp. Khi mức lỗ dồn nén thì tháng 10-11, giá xăng dầu tăng là điều không tránh khỏi.

Cùng đó, giá gas và hàng loạt các dịch vụ, hàng hóa khác cũng sẽ không đứng yên, sau khi ngấm đủ đòn tăng giá xăng dầu, giá điện, nhất là rơi mùa vụ mua sắm dịp cuối năm, giáp Tết.

Lạm phát thấp nhưng giá vẫn tăng cao

Không phải vô cớ mà ngay hôm 26/9, Bộ Tài chính cũng đã lo ngại, trình Chính phủ các nhận định về giá cả trong 9 tháng qua. Bộ này nhận định với CPI tháng 9 lên tới 2,2% xuất phát từ chủ trương điều chỉnh giá, khả năng quý IV, giá cả sẽ diễn biến phức tạp, mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2012 rất khó khăn.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, với mức tăng cao nhất trong 16 tháng qua, lạm phát đang có dấu hiệu bất thường. Có thể, năm nay, chỉ số lạm phát vẫn thấp nhưng nguy cơ lạm phát bùng cao trở lại vào năm 2013 vẫn còn đó, vì ảnh hưởng lan tỏa gián tiếp vòng 1, vòng 2 trong giá hàng hóa.

Một tín hiệu mừng cho 3 tháng cuối năm là chủ trương giãn thời gian điều chỉnh giá, thể hiện ở chỉ thị số 25 của Thủ tướng ban hành hôm 26/9. Tuy nhiên, chỉ thị nêu áp dụng cho khám bệnh, chữa bệnh, học phí, nước sạch, cước xe buýt… Trong khi đó, đối với giá năng lượng, quan điểm kiên quyết đi theo cơ chế thị trường vẫn tiếp tục được khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Chủ trương về kinh tế hội nhập, trong đó có vấn đề đưa giá đi theo thị trường đã có ngay từ Đai hội X, XI. Cơ chế điều chỉnh giá theo thị trường sẽ làm cho nền kinh tế mềm mại hơn, không có cú sốc giá, không có đột biến, hỗ trợ các dự báo, kịch bản về CPI có thể tính toán được”.

Theo ông, trước hiện tượng DN đình trệ sản xuất, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho chính sách giá. Khó khăn mà DN gặp phải còn do nhiều yếu tố khác.

Với ý kiến của Tổng cục Thống kê trước việc lạm phát khó giữ 7%, ông Kiên bày tỏ quan điểm: “Lạm phát bao giờ cũng đáng lo ngại. Nhưng cụ thể mức 6 hay 7% chỉ là con số của các chuyên gia nói. Nghị quyết của Quốc hội không có con số ấy, chỉ yêu cầu lạm phát giữ ở 1 chữ số. Nhìn vào diễn biến kinh tế vĩ mô thời gian qua, việc kiềm chế mục tiêu lạm phát như vậy là khả thi”.

“Hiện nay, lạm phát vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, trong phạm vi dự báo từ đầu năm”, ông Kiên lạc quan.

Hồi tháng 5, khi công bố gói cứu trợ, Bộ Tài chính đã nhắc đến mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 9%, phấn đấu đảm bảo tăng trưởng 6%.

Mới đây, 27/9, chủ trì họp báo Chính phủ, Bộ trưởng, chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam có nhắc chủ trương điều hành kinh tế theo hướng kiểm soát chính sách tiền tệ chặt chẽ, đảm bảo giữ lạm phát 8%.

Tuy nhiên, có một điều dường như đang là nghịch lý, trong khi chỉ số lạm phát nếu giữ được ở mức 7 – 8% được cho là thấp và đạt mục tiêu đề ra thì trên thực tế giá cả vẫn tăng liên tục và tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Điều đó, dường như chưa được tính đến trong các phân tích về lạm phát hiện nay?

Theo Vietnamnet


From the same category