Miễn phí trời Tây
Sau khi nhạc trở nên miễn phí, có vẻ như nguồn chính rót vào túi ca sĩ là từ các buổi diễn. Nhưng diễn miễn phí cũng bắt đầu râm ran ở Mỹ, khi các tên tuổi lớn tìm cách tiếp cận mới. Một sự kiện đáng chú ý hè này là Keith Urban, Carrie Underwood, nhóm All American Reject và Journey vui vẻ diễn tại một hội nghị khách hàng của Wal-Mart, một kênh phát hành đĩa mới hứa hẹn sẽ cạnh tranh khốc liệt cùng các hãng đĩa.
“Viva La Vida Or Death and All His Friends” đang là album “hot” nhất hiện nay nhưng Coldplay đương nhiên vẫn cần một chuyến lưu diễn thế giới để quảng bá cho đĩa này. Trước khi tour Bắc Mỹ khởi động, Coldplay thưởng cho fan một buổi diễn miễn phí ở Madison Square Garden, New York. Trước đó đã có 2 buổi diễn miễn phí ở London và Barcelona. Ở buổi diễn, một áo thun Coldplay được bán với giá 30 đôla còn một tấm poster giá 10 đôla.
Nhạc mục mà Coldplay diễn ở New York trộn một số bài từ đĩa mới trong đó có “Viva La Vida” đang rất thịnh hành, đĩa đơn “Violet Hill” và một số bản nhạc “không thể thiếu” từ trước đến giờ như “Clocks”, “In My Place”. Chris Martin khéo léo giao tiếp với khán giả và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt khi hát các bản “Trouble”, “Yellow”…
Diễn miễn phí nên tâm trạng của Chris rất thoải mái, anh nói đùa cùng khán giả, thỉnh thoảng ngắt ngang những bài “hát chay” để pha trò. Anh khoe về vị trí hạng nhất album “Viva La Vida” đạt được ở Mỹ: “Không biết làm sao mà cuối cùng album của chúng tôi cũng xếp hạng nhất ở đất nước các bạn. Điều này chỉ ra rằng tiếp thị tốt và một gã chơi bass đẹp trai có thể làm được gì.” Một vài trục trặc nho nhỏ trong đêm diễn được Coldplay khắc phục dễ dàng. Nhìn chung, sự tương tác với khán giả của Coldplay đạt được mức độ chuyên nghiệp, không chỉ ở Chris Martin mà còn ở thiết kế sân khấu và bản chất của buổi diễn.
Những tên tuổi lớn đều có các buổi diễn miễn phí rầm rộ như Paul McCartney với buổi diễn trước hơn 200.000 người ở Kiev. Fan còn được chiều đến mức trước buổi diễn, Paul thực hiện một cuộc “trưng cầu dân ý” rằng nên diễn những ca khúc nào và có khoảng 20.000 lượt người tham dự bầu chọn. Sau khi có album miễn phí (đúng hơn là trả bao nhiêu tiền thì trả) In Rainbows, tháng 4/08, Radiohead cũng tặng không một buổi diễn miễn phí tại nhà hát của đài phát thanh BBC ở London. Boy George thì sau giai đoạn lao động công ích bị phạt quét đường đã trở nên thân thiết với các công nhân vệ sinh New York và diễn miễn phí tại Ngày Gia đình của Sở vệ sinh New York vào tháng 8 tới đây. Rải rác trong lịch sử là các buổi diễn miễn phí cột mốc như của Simon & Garfunkel ở công viên Trung tâm tại New York năm 81 hoặc buổi diễn ở đường cao tốc (đã ngưng sử dụng) Altamont vào năm 1969.
Miễn phí xứ Việt
Làng nhạc Việt luôn đi chậm một bước so với thế giới. Khi thế giới tràn ngập boyband thì Việt Nam bắt đầu định hình V-pop qua sóng phát thanh. Khi Việt Nam bắt đầu có boyband thì boyband trên thế giới bắt đầu tan rã, tách ra hát solo. Khi các boyband Việt Nam tách ra hát solo thì làng nhạc thế giới chuyển sang modern rock. Khi Việt Nam hăm hở với rock thì làng nhạc thế giới chứng kiến sự trở lại của các tên tuổi cũ xưa… Có thể có một chuyện Việt Nam đi trước là bán đĩa trong siêu thị!
Bắt đầu của làng băng đĩa Việt Nam cũng mô phỏng các công đoạn của thế giới, cũng tung ra đĩa đơn và album kèm theo các tour diễn quảng bá. Nhưng thị hiếu tiêu dùng của người Việt có phần khác biệt. Đĩa đơn vốn là một công cụ quan trọng hỗ trợ cho album hoàn toàn thất bại tại thị trường Việt. Sóng phát thanh, một kênh quảng bá rất quan trọng ở Mỹ và Anh lại không còn đủ sức ảnh hưởng tại Việt Nam, nơi người dân thích xem tivi hơn là nghe đài. Mô hình mà làng nhạc Việt học tập gần đây nhất là các buổi diễn miễn phí.
Các buổi diễn miễn phí tại Việt Nam thường gắn liền với một hoạt động văn hóa mang tính ngoại giao nào đó. Các gương mặt được chọn thường không gần gũi lắm, mang nặng nét đặc trưng văn hóa như lãnh sự quán Mỹ thường mời các nghệ sĩ jazz hay country như Dana Leong, Coco York, Bob Livingston.
Ngoài ra, diễn miễn phí sẽ là công cụ quảng bá của các nhãn hàng. Các thương hiệu khi tổ chức show thường đều diễn miễn phí với vé mời phát cho khách hàng. Đôi khi đây là trở ngại nho nhỏ khi vé mời không đến được đúng người cần mời. Không hẳn là chuệch choạc khi chọn khách mời (ca sĩ) và khoanh vùng đối tượng khách hàng (khán giả) bởi luôn phải có một biên độ sai lệch nhất định. Có rockfan cả đời không uống bia muốn kiếm vé xem Tiger Rock cũng hơi mất công. Nhưng mọi việc cũng giải quyết dễ dàng với vé chợ đen. Bằng một cách thần diệu nào đó, thị trường chợ đen luôn có vé cho mọi buổi diễn.
Có khi đó là nghệ thuật tạo nên cơn sốt. Khách hàng hay uống bia nhưng không thích nhạc vẫn bị tò mò trước cơn lũ thông tin trên các phương tiện đại chúng. Đối tượng không uống bia và không mê rock vẫn dễ dàng bị lôi kéo tới sân theo kiểu phong trào, “không đi không phải là dân sành điệu.” Người viết từng chứng kiến trực tiếp tại cổng sân quân khu 7 trước buổi diễn “hoành tráng nhất từ trước đến giờ” (theo lời quảng cáo) của My Chemical Romance, hai khán giả cầm chắc trên tay tấm vé mời và vô tư hỏi nhau “Ủa, hôm nay ai diễn vậy?”
Đối tượng tuổi teen và sinh viên học sinh là đối tượng rất quan trọng đối với làng nhạc Việt. Các tour diễn miễn phí tập trung vào khu vực ký túc xá, các trường phổ thông trung học. Ở Việt Nam, cách đây vài năm, ca sĩ Cẩm Ly cùng nhóm KTX đã có chuyến lưu diễn dành cho sinh viên đến các ký túc xá. Diễn miễn phí chỉ là miễn phí với khán giả chứ thật sự đứng sau lưng ca sĩ vẫn phải có một nhãn hàng nào đó như Đàm Vĩnh Hưng với tour xuyên Việt “Thập toàn thập mỹ” do Attila tài trợ. Nếu không thì ca sĩ phải gồng mình chịu chi phí với mục đích đánh bóng thương hiệu cho chính mình như loạt buổi diễn từ công ty Music Box của ca sĩ Thanh Thảo.
Tour diễn trăm-ngàn-đô nhưng hoàn toàn miễn phí của Trà My có tên “My Idol & Friends” rảo qua 3 điểm diễn trong đó có 2 là ở trường đại học: Ký túc xá Đại học Quốc gia và Đại học Đà Lạt. Dưới sự tài trợ của Coca Cola, hai “rocker” Phạm Anh Khoa và Hoài An có tour diễn qua 36 trường đại học, xoay quanh câu slogan mới của thương hiệu nước giải khát quen thuộc này “Không thử sao biết”. Tour này nhấn mạnh vào sự tương tác với khán giả, khuyến khích khán giả sinh viên bước lên sân khấu, biểu diễn chung với ban nhạc theo kiểu “thử cho biết.”