Diễn đàn Du lịch cấp cao: Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững - Tạp chí Đẹp

Diễn đàn Du lịch cấp cao: Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững

Tin Tức

Sáng 8/9, tại khai mạc Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra Diễn đàn Du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững”, để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các chương trình liên kết và bàn giải pháp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE

Tới tham dự Diễn đàn Du lịch cấp cao, về phía lãnh đạo Nhà nước vinh dự có sự hiện diện của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch và 45 vị lãnh đạo Sở du lịch quản lý các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Diễn đàn cũng vui mừng chào đón sự góp mặt của Bộ trưởng Bộ du lịch đến từ các quốc gia Lào, Campuchia, Ấn Độ, Myanmar cùng với Thị trưởng từ các thành phố thành phố Viêng Chăn, Phnom Penh, Yangon, Bangkok, San Francisco, Los Angeles và Mumbai và các đại biểu đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, 8 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu lượt. Tổng số khách du lịch nội địa 8 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 79,8 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 356.600.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng nhanh. Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50-75%. Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu, đòi hỏi Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới hậu Covid-19. Trong đó, thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE – loại hình du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam đến năm 2025. Du lịch MICE có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, thuận lợi để tạo sức lan tỏa về điểm đến. Song đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm.

Vì vậy, để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan.

Bà Phan Thị Thắng cũng cho rằng, việc phục hồi du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của chính quyền và người dân Thành phố: “Để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như đa dạng hoá các hoạt động xúc tiến quảng bá tại các thị trường thông qua chiến dịch truyền thông “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn”, xây dựng sản phẩm mới đặc thù của Thành phố với điểm nhấn là chương trình “Mỗi Quận huyện là một sản phẩm du lịch đặc trưng”, liên kết với các tỉnh thành trong cả nước để tổ chức các sản phẩm liên vùng trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, xây dựng các chính sách ưu đãi thu hút du khách, nhất là các đoàn khách MICE đến thành phố…”

Du lịch cần những giải pháp đột phá

Với hai phiên làm việc, các chuyên gia, đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, về xu hướng phát triển du lịch quốc tế, phát triển du lịch MICE sau đại dịch và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Nhiều giải pháp để phục hồi và thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong bối cảnh mới được đưa ra nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến được yêu chuộng của du khách quốc tế và lan tỏa hình ảnh Việt Nam đến toàn cầu.

Tại phiên làm việc thứ nhất, các đại diện đến từ Bộ Du lịch các quốc gia gồm: Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, Bộ trưởng du lịch Campuchia, lãnh đạo Bộ Du lịch Ấn Độ và Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội… đã thảo luận các vấn đề nhằm phát triển du lịch bền vững. Các vấn đề được đưa ra xoay quanh nội dung triển vọng phục hồi du lịch thế giới, giải pháp phát huy vai trò các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong phục hồi du lịch, tăng cường liên kết nhằm phục hồi và tái thiết du lịch…

Phát biểu tại phiên làm việc thứ hai “Du lịch MICE – Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế” ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Tổ chức Du lịch thế giới dự báo, đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE của thế giới sẽ đạt khoảng trên 1.400 tỷ USD, trong đó tập trung lớn ở khu vực châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, nhiều tổ chức, doanh nghiệp tăng cường các hoạt động gắn kết, đào tạo kỹ năng, tổ chức hội nghị, tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác đầu tư, nghiên cứu thị trường kết hợp các hoạt động tham quan, mua sắm, giải trí. Đây chính là tiềm năng, dư địa rất lớn để phát triển mạnh mẽ du lịch MICE, góp phần tích cực thúc đẩy phục hồi du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng để thu hút cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Các điểm đến trong nước phát triển loại hình du lịch MICE gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TPHCM. Việc phát triển du lịch MICE được gắn kết với các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị.

Chia sẻ thêm một số vấn đề với các đại biểu, thứ nhất, Phó Thủ tướng nêu “bài toán” thiếu nhân lực du lịch dù chúng ta luôn khuyến khích phát triển các trường nghề, phát triển du lịch. Thứ hai, là phát triển du lịch xanh tối đa để bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn. Trước hết là những sản phẩm, dịch vụ trong khu lưu trú bớt dùng đồ nhựa, đồ nylon, sau đó lan tỏa ra các khu dân cư xung quanh. Thứ ba, là đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số. Không chỉ việc giúp du khách tìm hiểu các sản phẩm, điểm đến, thanh toán các dịch vụ du lịch qua điện thoại thông minh, mà còn là số hoá các sản phẩm du lịch, các bảo tàng, di tích, điểm đến để du khách tìm hiểu thuận lợi trước khi đến. Thứ tư, là tăng cường kết nối hơn nữa giữa các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, các quốc gia trong khu vực trên tinh thần cùng có lợi, không chỉ để phát triển du lịch, mà còn để cuộc sống của người dân thêm phong phú, nhiều trải nghiệm hơn.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, tất cả các khâu trong phát triển du lịch (xúc tiến, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản phẩm, nhân lực, xây dựng môi trường văn hoá, khắc phục các nỗi sợ của du khách…) phải được thực hiện nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa nhằm lấy lại quãng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường phối hợp với nhau, có những giải pháp rất mạnh mẽ, giải quyết dứt điểm, triệt để từng vấn đề, vướng mắc gặp phải, thúc đẩy du lịch góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội nhanh hơn sau đại dịch.

Tác giả: Đẹp Online

10/09/2022, 22:00