Điện ảnh Việt: Phía sau cơn phấn khích

Điện ảnh Việt đang trong cơn phấn khích. “Bên ngoài” Mùa len trâu và Mê Thảo – Thời vang bóng đua nhau đoạt giải thưởng quốc tế và ra mắt khán giả quốc tế. “Bên trong” các dự án làm phim tới tấp, cái đã hoàn thành, cái vừa triển khai, cái đang khấp khởi chờ khởi động. Lần đầu tiên trong lịch sử thị trường phim Tết có cảnh 3 bộ phim truyện nhựa đầu tư tiền tỉ phải cạnh tranh quyết liệt để có hy vọng ra rạp.

Nhưng đó là sự phấn khích của những  người ngoài cuộc, của chúng ta, những khán giả vô  tư bỏ túi 15.000đ, cùng lắm là 30.000đ là ung dung vào rạp xem bộ phim mình thích. Những nhà sản xuất, có lẽ trước đây cũng trong tâm trạng phấn khích như vậy, bây giờ thì không thể vì thực tế mà họ đang phải đối mặt không phải trò đùa!


Sáng kiến ba hãng phim Thiên Ngân (phim Nữ tướng cướp), Phước Sang (phim Khi đàn ông có bầu) và hãng phim Giải Phóng (phim Lấy vợ Sài Gòn) bắt tay nhau “xếp hàng dọc” (dồn toàn bộ rạp cho từng phim trong thời điểm 2 tuần) chứ không “dàn hàng ngang” (cả 3 phim tung ra cùng lúc) nhằm mục đích tránh cho cả ba cùng “bị thương” do khán giả chia nhỏ trên thị trường có quá ít rạp chiếu phim nhựa, lúc đầu vui vẻ là thế, nhưng gần như đã phá sản hoàn toàn khi cuộc “thi phim” chưa kết thúc. Không nhà sản xuất nào còn đủ tâm trí ngồi chờ kết quả một cuộc bỏ phiếu để định đoạt số phận phim của mình cũng như không thể kiên nhẫn chờ “xếp hàng”. Vì đơn giản chỉ có ra rạp mới có doanh thu. Mạnh ai nấy chạy. Thiên Ngân nhờ quan hệ rộng và mạnh của một công ty quảng cáo. Hãng Giải Phóng nhờ sợi dây ràng buộc lâu nay với Cinebox. Phước Sang làm hẳn một chuyến xuyên Việt để tiếp thị phim. Còn công ty Điện ảnh TP.HCM để “dung hòa” và giữ mối làm ăn lâu dài cũng đã sắp xếp để cùng lúc đáp ứng ít nhất yêu cầu ra rạp của 2 hãng. Thị trường chiếu bóng đã nhỏ, giờ lại bị chia xẻ.

Thực tế từ góc độ kinh doanh, với số lượng rạp quá ít ỏi hiện nay (TP.HCM chỉ có 4 cụm rạp nhỏ chiếu phim nhựa – Diamond, Fafilm, Cinebox, Đống Đa; Hà Nội mới có cụm rạp chiếu bóng quốc gia; cùng một vài rạp đơn lẻ khác), việc lặp lại doanh thu trên 10 tỷ đồng như Gái nhảy là chuyện không tưởng. Mà với 10 tỷ doanh thu ấy, nhà sản xuất chỉ lấy lại được 5 tỷ (50% là phần của phát hành). Gái nhảy thắng vì nhiều yếu tố chỉ có ở thời điểm của Gái nhảy, nó cũng là một phim có tài trợ, bán được vé nào gần như nhà sản xuất thu được về chừng ấy. Đến Lọ lem hè phố tình hình đã khác, lãi thu về không đầy 1 tỷ lại phải chia đôi vì có tới 2 nhà sản xuất (hãng Giải Phóng và vốn góp một nửa của công ty Điện ảnh TP.HCM). Khi bắt tay Những cô gái chân dài, hãng Thiên Ngân tràn trề hy vọng. Hy vọng có cơ sở, Những cô gái chân dài tuy câu chuyện còn đơn giản nhưng hình ảnh, âm thanh, diễn viên hấp dẫn giới trẻ (là giới bỏ tiền ra rạp chủ yếu), đầu tư chuyên nghiệp từ poster đến website nhưng vốn đầu tư lại khá khiêm tốn: phần âm nhạc không mất tiền (người làm nhạc thầu lại phần nhạc để làm album thay cho thù lao), thù lao cho đạo diễn và quay phim đều ở mức “trên Nhà nước một tí”… Hy vọng thu 10 tỷ, rút cuộc chỉ được 5, coi như hòa vốn, Thiên Ngân “tung lực” vào Lê Hoàng với Nữ tướng cướp với những khoản đầu tư kỷ lục: thù lao cho đạo diễn gấp 10 lần “mức Nhà nước” (150 triệu), tiền cho nhạc phim cũng gấp 10 lần (100 triệu)… Mạnh tay chi vậy nhưng trước thực tế thị trường chia 5 xẻ 7 hiện nay, chưa kể sức ép của một danh sách dài phim ngoại nhập của nhiều đơn vị đang xếp hàng chờ rạp, không thể không lo ngại. Người của hãng tiết lộ sẽ vui lòng “bán trao tay” Nữ tướng cướp với giá 4 tỷ, nghĩa là thu hồi vốn và có lãi chút đỉnh gọi là. Chuyện này dĩ nhiên không giống với vụ một nhà sản xuất khác tung tin có người trả phim 6 tỷ mà không chịu bán!

Nhưng dù là 4 hay 6 tỷ thì nỗi lo ngại rơi sâu vào vòng khó thu hồi vốn của những bộ phim tiền tỷ đã thực sự đe dọa những hãng phim mạnh gạo bạo tiền. Ngay sau khi một mình dốc sức vào Khi đàn ông có bầu (dự kiến trước đó có vốn góp của công ty Điện ảnh TP.HCM không thực hiện được), hãng Phước Sang phải bắt tay ba ngay với 2 công ty quảng cáo (BHD – một nhân vật của giới sản xuất và kinh doanh phim ảnh và Ánh Việt của người đẹp Trương Ngọc Ánh) để làm bộ phim truyện nhựa thứ hai Áo lụa Hà Đông. Mối quan hệ tay ba không chỉ để giảm bớt gánh nặng vốn, mà quan trọng BHD và Ánh Việt sẽ là những “đầu ra” khác bên cạnh hình thức ra rạp bình thường. Trong khi đó hợp đồng làm 3 phim giữa Thiên Ngân với đạo diễn Vũ Ngọc Đãng (đạo diễn Lê Hoàng cũng ký một hợp đồng tương tự) đang “có vấn đề”. Theo kế hoạch, phim thứ hai của Vũ Ngọc Đãng sẽ là phim kinh dị, nhưng giờ đây nhà đầu tư muốn an toàn trở về với thể loại hài tình cảm, có thể đây sẽ là lý do để họ chia tay sớm nếu không tìm được tiếng nói chung. Kỷ lục “phim kinh dị đầu tiên” ở Việt Nam có thể lại rơi vào tay Khách sạn không đèn (đã chọn cảnh và diễn viên), một dự án làm phim Việt Nam được một công ty của Hàn Quốc góp vốn đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành và ra mắt vào năm 2006. Mở ngoặc nói thêm rằng để “chắc ăn” (dù thể loại kinh dị hứa hẹn rất hấp dẫn trên thị trường Việt Nam), phim này có kinh phí đầu tư vào loại ít.

Thực ra ngay cả Hollywood mỗi năm sản xuất vài trăm phim các loại, hệ thống rạp chỉ trên thị trường Bắc Mỹ (chưa tính các thị trường khác cũng bị Hollywood thôn tính) lên tới vài ngàn, ngoài ra còn nhiều kênh phát hành khác như kênh truyền hình, video gia đình, VCD và DVD, nhưng phim hay chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ và những phim thắng lớn về doanh thu trong năm chỉ một vài. Cũng vì thế, có những phim được đầu tư hàng trăm triệu USD với những tên tuổi chắc chắn kéo khán giả ùn ùn tới rạp (mà vẫn có trường hợp lỗ chỏng gọng như Thế giới nước), nhưng cũng rất nhiều bộ phim chỉ đầu tư rất hạn chế. Thực tế ấy không làm các nhà điện ảnh chúng ta nhụt chí, nhưng nó cho chúng ta bớt đi một chút phấn khích thiếu thực tế của chính mình. Điện ảnh VN phải chuẩn bị đủ lực và vốn để đi đường trường, chứ không là vài cuộc chơi ngông để rồi rút lui nếu nếu thất bại.

(Thủy Phạm)


From the same category