Điện ảnh Việt: "Oằn mình" giữa "bom tấn" - Tạp chí Đẹp

Điện ảnh Việt: “Oằn mình” giữa “bom tấn”

Giải Trí

“Bom tấn” đè “bom tấn”… phim Việt ở giữa dẹp lép!

Chưa năm nào phim “bom tấn” xuất hiện dày đặc trên thị trường chiếu bóng Việt Nam như năm nay. Cũng chưa có năm nào “quốc tịch” phim lại đa dạng như vậy. Ngoài phim Mỹ, Hồng Kông, Trung Quốc và Hàn Quốc thường xuyên hiện diện trong lịch chiếu của Megastar, Galaxy, BHD…, năm nay bắt đầu có thêm vài nhà nhập khẩu phim khác vào cuộc: A Cinema, Platinum… dẫn đến nguồn phim khá đa dạng: Ấn Độ, Đức, Pháp, Nga, Thái Lan…

Cũng chưa có lúc nào thời gian trụ rạp của các phim chỉ được tính bằng tuần như năm nay. Chỉ tính từ tháng 3 đến hết tháng 7/2013 tổng cộng đã có khoảng 60 phim ra rạp, trong đó có 6 phim Việt (chiếm tỷ lệ 1/10). “Bom tấn” nối tiếp “bom tấn”. Những phim ít tên tuổi hơn đành phải chịu cảnh bị đưa ra các cụm rạp ít khách hoặc bố trí vào các suất chiếu “liệt”.

Tháng Ba vẫn còn dư âm của giải Oscar, nên có 3 phim trong Top 9 phim đề cử Oscar ra rạp, đến cuối tháng mới xuất hiện “bom tấn” đầu tiên là phim hoạt hình “The Croods”.

Tháng Tư có 3 “bom tấn”: “G.I.Joe” phần 2, “Oblivion”, và “đáng sợ” nhất là “Iron Man 3”. Tiếc là phim Việt “Bụi đời Chợ Lớn” đã có lịch phát hành vào giữa tháng Tư nhưng cuối cùng lại bị cấm chiếu khiến “Iron Man 3” bỗng nhiên ở thế “một mình một chợ”, và dễ dàng cán mốc 65 tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn!  

Tháng Năm có 3 “bom tấn”: “Star Trek into Darkness”, “Fast & Furious 6”, và phim hoạt hình lồng tiếng “Epic”. Nổi bật nhất là “Fast & Furious 6”, bởi trong đa số “bom tấn” của mùa hè này là 3D thì đây là phim 2D hiếm hoi đạt được doanh thu hơn nửa tỷ USD trên toàn cầu! Mãi đến cuối tháng Năm mới có phim Việt đầu tiên chính thức ra rạp trong năm 2013 là “Lọ lem Sài Gòn” – phim hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Ra quân rầm rộ, nhưng sau hai tuần, “Lọ lem Sài Gòn” chỉ còn “sống” ở cụm rạp Lotte (đồng sản xuất và nhà phát hành)!
 
Tháng Sáu có “Biết chết liền”, bộ phim 3D có lẽ là duy nhất của Việt Nam năm nay, ra rạp. Lẽ ra phim phát hành từ tháng Ba, nhưng do phải né quá nhiều “bom tấn” 3D nên chuyển sang giữa tháng Sáu. Nào ngờ giờ chót bỗng “nhảy ra” một “quả bom tấn” 3D kinh khủng chẳng kém gì “Iron Man 3” – “Man of Steel” – phát hành cùng ngày 14/6, khiến “Biết chết liền” đành phải “gồng mình” chịu trận, bởi ngay tuần sau là những “xác sống” đáng sợ “World War Z” ra rạp tiếp! Điều này khiến cho số rạp chiếu 3D của “Biết chết liền” trước đã ít, nay càng bị teo đi. (Không những phim 3D Việt bị ép ná thở, mà cả siêu phẩm 3D lộng lẫy “The Great Gatsby” với tài tử Leonardo Di Caprio, chỉ vì mật độ phim dày đặc một cách nghiệt ngã, mà cũng phải “đi chỗ khác chơi”, âm thầm đợi một khe hở nào đó trong lịch phát hành để lách vào!)

Tháng Bảy – cao điểm của mùa phim hè thế giới – như đã nói ở trên là kỷ lục 17 phim ra rạp, thì không biết 4 phim Việt trong tháng này (“Săn đàn ông”, “Cát nóng”, “Hit: Hoàng tử và Lọ lem” và “Đường đua”) sẽ xoay xở ra sao trong tâm bão! Hai phim đầu đã ngã ngũ, “Săn đàn ông” chỉ tồn tại ở cụm rạp phát hành Lotte. “Cát nóng” thì ra rạp để cho tròn nhiệm vụ và sau một tuần gần như đã biến mất. Còn lại “Hit: Hoàng tử và Lọ lem” và “Đường đua” phải đương đầu không cân sức với những “Lone Ranger” với Johnny Depp, “Giải cứu Nhà Trắng”, “Pacific Rim”, “Đồn cảnh sát ma”, và “Turbo” (bản lồng tiếng)!

Xem ra hè này chỉ có mỗi phim Việt “Lửa Phật” của Dustin Nguyễn là có thể “thở phào nhẹ nhõm” khi đến giữa tháng 8 mới ra rạp – Đây là thời điểm cuối hè nên thưa dần các “quả bom tấn”.

Gian nan đi tìm “cửa” ra rạp cho phim Việt!

Thật sự “cửa” cho phim Việt giờ rất hẹp. Không những phải đương đầu với “bom tấn” của Mỹ, mà các nhà phát hành Việt Nam còn tăng thêm sức ép cho phim Việt khi tìm thêm “bom tấn” của các thị trường khác để mang về. Năm ngoái là “Hoàng đế giả mạo”, “Đội quân siêu trộm” của Hàn Quốc, thì năm nay là “Tình người duyên ma” của Thái Lan – bộ phim vẫn đang rất “sốt vé” ở Việt Nam!

Thị trường chiếu bóng Việt Nam đang nằm trong top những nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Các cụm rạp hiện đại liên tiếp xuất hiện mỗi năm, nhưng “cửa” cho phim Việt vẫn quá hẹp. Đòi hỏi các cấp thẩm quyền phải ban hành hạn ngạch với phim nước ngoài, và tăng giờ “sống” cho phim Việt ở rạp thực chất là việc bất khả thi. Bởi phim Việt sản xuất hàng năm quá ít, đã vậy chất lượng lại không ổn định, số lượng phim được báo chí và công chúng cho là “xem được” chỉ đếm trên đầu ngón tay!

Hiện những phim Việt sống được ngoài rạp đa số thuộc về các nhà làm phim Việt kiều. Họ được học hành bài bản tại các nước điện ảnh phát triển (đa số là từ Mỹ). Sau thời gian đầu thất bại vì làm phim không hợp khẩu vị của người Việt, họ đã biết rút ra thất bại và dần hoàn thiện để chiếm lĩnh phần lớn thị trường phim Việt chiếu rạp hiện nay. Xem phim của họ, khoan bàn đến nội dung, ai cũng thấy rõ sự chỉnh chu và bài bản trong cách sản xuất. Trong đó, 100% các nhà làm phim Việt kiều đều đặc biệt chú trọng đến âm thanh – điều ít thấy ở các nhà làm phim trong nước, nhất là các đạo diễn kỳ cựu!

Cũng những nhà làm phim Việt kiều ấy khi xác định sẽ làm phim lâu dài ở Việt Nam, họ đã tiến hành nghiên cứu thị trường – điều không thể có của các nhà quản lý điện ảnh Việt Nam. Những nhà điều hành Việt kiều của một hãng phim, đứng sau thành công của rất nhiều phim Việt thắng lớn về doanh thu, đã từng bỏ ra một số tiền lớn để thuê công ty nước ngoài nghiên cứu thị trường chiếu bóng của Việt Nam. Sau một thời gian dài nghiên cứu rất quy mô, công ty này đã cung cấp “tất tần tật” những dữ liệu có liên quan đến phát hành và chiếu bóng ở thị trường Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây: Số lượng cụm rạp, số phòng chiếu và số ghế trên cả nước, tỉnh thành nào có số lượng người đi xem phim nhiều nhất, ngày nào có số lượng người xem nhiều nhất…

Từ đó, họ đưa ra thống kê doanh thu chiếu bóng của từng tháng trong năm. Một chi tiết quan trọng là nếu có một phim Việt ra rạp mà ăn khách, thì phim đó sẽ chiếm từ 40% thậm chí đến 50% doanh thu của tháng đó, bất kể có “bom tấn” nước ngoài hay không. Nghĩa là nếu tháng đó doanh thu 100 tỷ, thì phim Việt sẽ chiếm khoảng 40 tỷ. Những dữ liệu này chỉ có tính tương đối, nhưng lại là thông tin rất quý giá đối với một nhà sản xuất. Bởi từ đó họ sẽ tính được phim Việt chiếu vào thời điểm nào thì nên đầu tư bao nhiêu để thu hồi vốn và có lãi!

Vậy thời điểm nào tốt nhất để phim Việt ra rạp?

Ở thị trường chiếu bóng Việt Nam từ rất lâu đã tồn tại một “mùa” phim duy nhất cho phim Việt: Mùa Tết! Còn tất cả các thời điểm khác trong năm đều phải nhường sân chơi cho phim ngoại bởi không cạnh tranh nổi, dẫn đến không thể thu hồi vốn. Mùa nghỉ Tết ở Việt Nam thường rất dài, không chỉ trong những ngày nghỉ do nhà nước quy định, mà thường kéo đến hơn một tháng sau với quy ước bất thành văn “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Ngoài yếu tố Tết cổ truyền mang tính dân tộc khiến khán giả Việt thường thích xem phim hài nhẹ nhàng của nội địa, thì quan trọng nhất là bởi thời điểm Tết Nguyên đán, phim Việt hầu như không bao giờ phải cạnh tranh với một “quả bom tấn” nào của Hollywood. Do đó, phim vào được mùa Tết thường có cửa từ thắng ít đến thắng đậm, chứ ít khi nào thua.

Nhưng cách đây 3 năm, có 2 sự kiện làm thay đổi hoàn toàn thị trường phát hành phim Việt ở nội địa: Đầu tiên là sự xuất hiện của bộ phim “Để Mai tính” tháng 4/2010, đạt doanh thu “khủng” với sự tỏa sáng bất ngờ của diễn viên hài Thái Hòa. Tiếp đến là tháng 10/2010, khi bộ phim bị cho là kén khán giả “Cánh đồng bất tận” đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận và người xem với doanh thu rất khả quan.

Thành công của 2 bộ phim này đã chính thức khẳng định: Thị trường phim Việt ở “sân nhà” giờ đây không chỉ là mùa Tết nữa, mà có thể đến vào bất cứ thời điểm nào trong năm, miễn hấp dẫn và thu hút khán giả (thu hút ở đây có thể là bất kỳ điều gì: Phim hay, có ngôi sao, PR tốt, có sự kiện hoặc tác phẩm gây chú ý trong dư luận…).

Những năm sau đó có thể thấy phim Việt đã ra rạp đều đặn vào các thời điểm trong năm, tuy không nhiều nhưng là một tín hiệu rất tốt. Ra rạp cũng có phim bại, nhưng đa phần là thắng, cộng với hàng loạt các cụm rạp hiện đại ra đời mỗi năm… đã trở thành một tín hiệu tốt kích thích các nhà làm phim nhảy vào đầu tư sản xuất phim chiếu rạp.  

Không tính thời điểm Tết được nghỉ rất dài, có 3 thời điểm khác trong năm cũng được xem là rất tốt cho phim Việt ra rạp:

– Thời điểm 1 – Giỗ tổ Hùng Vương: Đây là thời điểm khá tốt, có lẽ chỉ sau Tết, bởi sau Giỗ tổ là tiếp ngay đến nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Thời điểm này vừa được nghỉ dài, vừa tránh hoàn toàn “bom tấn”. Đây là thời điểm giáp hè, các “bom tấn” thường đổ bộ từ giữa tháng 5 trở đi. Phim Bụi đời Chợ Lớn vừa qua cũng chọn thời điểm này. Nếu được chiếu thì khả năng huề vốn và có lời của phim này là rất cao (mặc dù mức đầu tư 16 tỷ là khá lớn).

-Thời điểm 2 – Cuối hè: Khoảng từ giữa tháng 8 trở đi là các rạp bắt đầu vắng bóng những “bom tấn”. Lúc này những chuyến du lịch hè đã chấm dứt, mọi người trở lại với công việc, các sĩ tử từ dưới quê cũng lục tục lên thành phố để chuẩn bị năm học mới. Thời điểm đầu năm học thường mang tính điểm danh, làm vệ sinh, học quân sự… nên cũng khá thuận lợi cho việc phát hành phim. Phim “Long Ruồi” công chiếu tháng 8/2011 và đại thắng chính là phát súng khai phá cho thời điểm phát hành cuối hè này.

– Thời điểm 3 – Cuối năm: Chính xác đó là thời điểm Giáng sinh và Năm mới. Đây cũng là thời điểm Holiday khắp nơi. Thời điểm này thường không có nhiều “bom tấn”. Ở Việt Nam tuy không được nghỉ dài, nhưng theo thông lệ, cứ từ Giáng sinh trở đi có rất đông khán giả tới rạp. Mấy năm qua, cũng có một vài phim Việt phát hành ở thời điểm này nhưng không thành công, phần lớn do chất lượng phim chưa đáp ứng kỳ vọng của khán giả. Nhưng năm nay hứa hẹn sẽ khác, với sự xuất hiện của ít nhất hai phim Việt: “Quả tim máu” của Victor Vũ và “Thần tượng” của Quang Huy.    

Nhưng dù thời điểm có tốt như thế nào đi nữa, thì quan trọng nhất vẫn là chất lượng của chính bộ phim. Nghĩa là quyền chủ động với khán giả trước tiên hoàn toàn do các nhà làm phim kiểm soát. Mỗi thị trường có khán giả khác nhau, mỗi khán giả có trình độ khác nhau, mỗi trình độ dẫn đến gu thưởng thức khác nhau. Sự khác nhau đó sẽ quyết định vận mệnh của bộ phim ngoài rạp!

Đặc điểm chung của khán giả Châu Á là tính dân tộc rất cao. Từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông cho đến Thái Lan… tất cả những phim có doanh thu lớn nhất đều thuộc về phim nội địa. Khán giả Việt cũng thế, từ xưa đến giờ thường rất bao dung và luôn ủng hộ phim Việt, mặc dù bao năm qua số phim Việt phụ lòng khán giả nhiều gấp cả chục lần số phim làm vừa lòng họ. Nhưng hãy tin đi, chỉ cần một hai phim làm tử tế và tôn trọng khán giả thôi, “thượng đế” sẽ không bao giờ quay lưng với phim Việt, mặc cho “bom tấn” vây quanh!

Bài: Bá Vũ

Bạn quan tâm tới đời sống showbiz thế giới và Việt Nam. Bạn có trong tay những thông tin chính xác mới nhất, “nóng” nhất về những người nổi tiếng? Bạn thích thú biên dịch các bài viết về “sao”, về thế giới văn hóa – nghệ thuật, về các sự kiện đình đám…? Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

29/07/2013, 12:30